Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Doanh nghiệp và quyền lợi người tiêu dùng
25 | 03 | 2008
Theo các cam kết của nước ta khi gia nhập các tổ chức kinh tế quốc tế, trong đó có Tổ chức thương mại thế giới (WTO), để hàng hóa có thể thâm nhập và đứng chân ở thị trường nước ngoài, doanh nghiệp cần đặc biệt chú ý trách nhiệm xã hội của mình.

Một trong những trách nhiệm xã hội quan trọng là bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng. Những năm gần đây, thị trường hàng hóa và dịch vụ trở nên đa dạng, phong phú. Người tiêu dùng Việt Nam đã có nhiều cơ hội lựa chọn hơn nhưng cũng đứng trước nhiều nguy cơ phải sử dụng hàng giả, hàng hóa kém chất lượng. Hoạt động bảo vệ người tiêu dùng mặc dù vẫn còn khá mới mẻ nhưng đang ngày càng được xã hội quan tâm nhiều hơn. Vì vậy, với những doanh nghiệp không quan tâm đúng mức đến công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thiệt hại mà doanh nghiệp phải chịu sẽ rất lớn.

Thực tế thị trường những năm gần đây cho thấy, nhiều doanh nghiệp, người kinh doanh khi giành được chỗ đứng nhất định trên thị trường đã vội quyên đi quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng, đưa ra thị trường những sản phẩm - dịch vụ kém chất lượng. Trong lĩnh vực thực phẩm chế biến, người tiêu dùng thật sự lo ngại trước thông tin về bánh phở có phoóc-môn, nước tương có hàm lượng chất 3-MCPD quá giới hạn gây ung thư, giò chả chứa hàn the, rồi bánh kẹo quá hạn sử dụng được bày bán trong siêu thị, các loại thực phẩm sử dụng phẩm mầu độc hại, v.v. Trong lĩnh vực dịch vụ, tình trạng các siêu thị, trung tâm thương mại đưa hàng chất lượng kém, hàng quá hạn sử dụng vào bày bán đã làm người tiêu dùng nản lòng. Rồi cảnh cơm tù, bán khách khi đi xe, chuyện doanh nghiệp có uy tín như công ty khóa Minh Khai lại gắn nhãn hiệu của mình lên khóa nước ngoài kém chất lượng hơn, v.v và v.v. cho thấy một thực tế: nhiều doanh nghiệp vẫn coi thường tám quyền của người tiêu dùng đã được Liên hợp quốc và Chính phủ công nhận. Hay nói cách khác, một số doanh nghiệp trong nước vì mải chạy theo lợi nhuận trước mắt đã đánh mất uy tín mà mất bao công sức mới xây dựng, mắc vào thực trạng đáng buồn: "Một sự bất tín, vạn sự không tin".

Trong khi đó, nhìn vào sự thành công của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của nước ngoài, chúng ta đều thấy nổi lên phẩm chất: quan hệ tốt, tôn trọng quyền lợi của khách hàng. Ðó chính là một trong những yếu tố quan trọng giúp cho doanh nghiệp xây dựng được uy tín và bảo vệ được thương hiệu của mình. Luật pháp nghiêm ngặt chính là lý do buộc doanh nghiệp phải làm ăn thận trọng, nhờ đó càng gia tăng uy tín trên thương trường.

Ở nước ta, những vấn đề liên quan người tiêu dùng đang ngày càng được coi là một nội dung quan trọng trong chính sách và hệ thống pháp luật của Ðảng và Nhà nước. Với việc nước ta đã trở thành thành viên của WTO, hệ thống luật pháp về bảo vệ người tiêu dùng ở Việt Nam sẽ ngày càng hoàn thiện và tiệm cận với luật pháp và thông lệ quốc tế. Ðây chính là điều kiện để nâng cao tính nghiêm ngặt và khắt khe hơn với doanh nghiệp trước trách nhiệm đối với người tiêu dùng. Thực tế này đang đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải cố gắng lớn trong hành trình thực thi pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng, nhằm bảo vệ uy tín, thương hiệu, sự tồn tại và phát triển của chính mình.



Nguồn: Nhân dân
Báo cáo phân tích thị trường