Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, những vấn đề đặt ra
19 | 06 | 2007
Hàng loạt vụ hàng giả, hàng kém chất lượng và không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm gần đây đã cho thấy quyền lợi của người tiêu dùng bị vi phạm nghiêm trọng, nhiều vụ vi phạm rất tinh vi. Điển hình là vụ các doanh nghiệp đã đưa ra thị trường sản phẩm xì dầu có chứa chất 3-MCPD, một chất gây ung thư, ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng.
Một trong những vấn đề nóng bỏng và đáng lo ngại trong thời gian gần đây là liên tiếp các vụ vi phạm về chất lượng hàng hoá và vệ sinh an toàn thực phẩm bị phát hiện, gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ, đời sống của người tiêu dùng. Hàng tiêu dùng, thực phẩm kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đang bán tràn lan trên thị trường.


Trong khi đó, việc quản lý của các cơ quan chức năng rất lỏng lẻo, quá chậm công khai thông tin đến người tiêu dùng và xử lý theo kiểu “đối phó” khi sự việc đã rồi, làm người tiêu dùng hoang mang. Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Thương mại) vừa tổ chức lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành pháp lệnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để thay thế cho Nghị định 69 cũ để các cơ quan Nhà nước bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiệu quả hơn.

Hàng loạt vụ hàng giả, hàng kém chất lượng và không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm gần đây đã cho thấy quyền lợi của người tiêu dùng bị vi phạm nghiêm trọng, nhiều vụ vi phạm rất tinh vi. Điển hình là vụ các doanh nghiệp đã đưa ra thị trường sản phẩm xì dầu có chứa chất 3-MCPD, một chất gây ung thư, ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng.

Sau khi Sở Y tế TP.HCM công bố 17/21 doanh nghiệp sản xuất xì dầu có nồng độ chất 3-MCPD gây ung thư được lưu hành trên thị trường đã khiến người tiêu dùng có thông thái đến mấy cũng không thể chọn được thực phẩm an toàn. Nhưng điều đáng nói là, chỉ sau khi báo chí đồng loạt lên tiếng, các doanh nghiệp mới báo cáo về cơ quan quản lý biện pháp thu hồi và tiêu huỷ xì dầu có chất độc hại và hiện nay mới thực hiện ở những thị trường tiêu thụ lớn, như TP.HCM và Hà Nội, còn tại các tỉnh, hầu như việc xử lý mới dừng ở mức độ thông báo tới người tiêu dùng. Nghị định 45 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã bị biến chất, có tạp chất lạ hoặc nhiễm các chất độc hại có nguy cơ gây hại đối với sức khoẻ con người thì bị phạt tối đa 15 triệu đồng. Mức phạt quá nhẹ này khiến nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh sẵn sàng nộp phạt để rồi tiếp tục tái phạm.


Gần đây, một loạt thông tin từ các nước trên thế giới về hàng tiêu dùng, hàng thực phẩm của Trung Quốc không an toàn cho người sử dụng, trong khi đó, các mặt hàng này đang chiếm lĩnh thị trường nước ta, vậy mà các cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra bất kỳ một lời cảnh báo nào đến người tiêu dùng. Thông qua việc kiểm tra, kiểm nghiệm các mặt hàng đang có vấn đề, ngành y tế mới chỉ phát hiện trong son môi của Trung Quốc có chứa chất sudan, còn các mặt hàng khác như: hàng dệt may, đồ chơi trẻ em, thực phẩm, hoa quả... đều chưa xác định được có chất gây độc. Trong khi đó, lượng hàng Trung Quốc đang tràn vào thị trường nước ta ngày càng nhiều và tại một số cửa khẩu, chưa qua kiểm dịch, kiểm soát chất lượng. Người tiêu dùng trong nước vẫn mua các loại hàng này về sử dụng, mà không biết những hàng hoá này ngày ngày ảnh hưởng đến sức khoẻ của mình.


Trước tình trạng này, bảo vệ người tiêu dùng đang trở thành một vấn đề được cả cộng đồng xã hội quan tâm, đòi hỏi phải có sự nỗ lực, phối hợp tích cực của các bộ, các ngành, các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng cũng như chính bản thân người tiêu dùng. Trước tiên người tiêu dùng phải được trang bị đầy đủ các kiến thức có liên quan để có thể tự bảo vệ quyền lợi của mình. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước phải được trang bị đầy đủ các công cụ cần thiết để đảm bảo lợi ích chính đáng của người tiêu dùng.


1.000 khiếu nại từ người tiêu dùng trong năm qua


Trong năm qua, Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam và các hội địa phương tiếp nhận trên 1.000 khiếu nại của người tiêu dùng. Tuy nhiên, 80% số khiếu nại được giải quyết phần lớn là bằng các phương pháp hòa giải. Ông Đỗ Gia Phan - Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, thứ nhất phải có chế độ cung cấp thông tin rất đày đủ và kịp thời cho người tiêu dùng. Vấn đề nữa là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm mà dư luận đã nói lên rất nhiều lần, nhưng chúng ta vẫn chưa làm được. Lần này phải có biện pháp quyết liệt để giải quyết tương đối dứt điểm theo một lộ trình nhất định nào đó để giải quyết một số vấn đề bức xúc cho người tiêu dùng.


Còn theo nhận định của Cục Quản lý cạnh tranh, việc thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vẫn còn nhiều khó khăn do nguồn nhân lực hạn chế về trình độ, về số lượng... Pháp lệnh về Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được ban hành năm 1999, nhưng từ đó đến nay tình hình kinh tế, xã hội đã có nhiều chuyển biến, nhiều hành vi vi phạm, nhiều phương thức kinh doanh mới đã và đang xuất hiện đòi hỏi phải có sự điều chỉnh trong luật. Năm nay là năm đầu tiên nước ta là thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), hội nhập sâu hơn với khu vực và thế giới, nhiều loại thuế sẽ được cắt giảm theo lộ trình đã cam kết, hàng hóa nước ngoài sẽ tràn ngập vào nước ta, người tiêu dùng sẽ được lợi do có nhiều sự lựa chọn hàng hóa, dịch vụ phong phú hơn, giá cạnh tranh hơn, nhưng cũng phải đối mặt với những tiêu cực trên thị trường không chỉ trong nước mà còn những thủ đoạn gian lận thương mại qua biên giới gây nên. Nhiều loại hàng giả, hàng lậu kém chất lượng sẽ tràn vào nước ta.


Để nâng cao hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, mới đây, Cục Quản lý Cạnh tranh đã lấy ý kiến đóng góp Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thay thế cho Nghị định 69 cũ để các cơ quan quản lý Nhà nước có căn cứ pháp lý bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiệu quả hơn, cũng như nâng cao ý thức của người tiêu dùng trong việc tố cáo các hành vi vi phạm. Bà Đinh Thị Mỹ Loan - Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh cho biết: “Đứng ở góc độ cơ quan thực thi, chúng tôi thấy rằng những quy định đó cần phải hoàn chỉnh hơn nữa. Đặc biệt từ năm 1999 đến giờ có nhiều biến động, nhất là trong trường hợp chúng ta hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, người tiêu dùng Việt Nam đã bắt đầu ý thức tự bảo vệ quyền lợi của mình. Việc xây dựng văn bản pháp luật sẽ có tác động rất lớn bởi chúng ta sẽ có cơ sở pháp lý đầy đủ và hoàn chỉnh để có thể triển khai công tác bảo vệ người tiêu dùng một cách hết sức tích cực”.


Tuy nhiên, một trong những vấn đề chưa đưa vào Dự thảo Nghị định mới đó là người tiêu dùng có thể khiếu kiện tập thể. Đơn cử như vụ xì dầu có chứa chất 3-MCPD. Trước mắt, Cục sẽ thông báo trên trang web của mình danh sách “đen” các hàng hoá, dịch vụ không đảm bảo chất lượng để cảnh báo người tiêu dùng…/.



VOV
Báo cáo phân tích thị trường