Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Vì sao doanh nghiệp xuất khẩu khó bỏ USD?
25 | 03 | 2008
Chính phủ vừa khuyến cáo doanh nghiệp xuất khẩu chuyển đổi đồng ngoại tệ xuất khẩu từ USD sang những đồng tiền khác, nhằm giảm rủi ro về tỷ giá. Nhưng đây là việc không dễ dàng...

Đô la Mỹ đang mất giá nên các đối tác nước ngoài đều muốn thanh toán cho doanh nghiệp Việt Nam bằng đô la.

Chuyển sang ngoại tệ khác: doanh nghiệp chịu thiệt

Tổng giám đốc công ty sản xuất đồ gỗ xuất khẩu Saigon-Daklak (Sadaco), Trần Quốc Mạnh, cho biết việc đàm phán để chuyển đổi ngoại tệ thanh toán từ USD sang yen và euro, các đối tác yêu cầu phải giảm giá xuống so với tỷ giá thực của đồng yen và đồng euro.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, giám đốc công ty kinh doanh thuỷ hải sản TP.HCM (APT), tất cả những hợp đồng xuất sang Nhật và EU, đã ký trước bằng đồng USD, nên việc thuyết phục đối tác chuyển qua đồng euro là điều không dễ. Hiện APT vẫn chờ các đối tác trả lời kết quả của cuộc đàm phán mà không có thời hạn trả lời cụ thể. Trong khí đó, mỗi tháng công ty buộc phải thu về 5 triệu USD từ những đơn hàng xuất khẩu, mỗi một USD công ty phải mất đứt 300 đồng.

Theo nguồn tin riêng của SGTT, để “cứu” các doanh nghiệp xuất khẩu, trong thời gian tới, ngân hàng Nhà nước sẽ chi 20.000 tỉ đồng để mua USD cho doanh nghiệp có nguồn gốc từ xuất khẩu.

Ông Thái Hồ Hải, giám đốc công ty Lạc Phương Nam cho biết, trước đây, những đối tác nhập khẩu muốn thanh toán bằng đơn vị tiền tệ của nước nhập khẩu. Tuy nhiên, do thói quen nhiều doanh nghiệp Việt Nam yêu cầu thanh toán bằng USD vì với USD chênh lệch khi mua và bán chỉ từ 20 – 30 đồng. Trong khi đó, nếu thanh toán bằng đồng yen Nhật, mức chênh lệch này là 70 – 100 đồng. Thậm chí, với đô la Úc chênh lệch giữa mua và bán lên đến 120 đồng.

Chờ doanh nghiệp trưởng thành

Theo bà Nguyễn Thị Tâm, phó tổng giám đốc ngân hàng Techcombank, doanh nghiệp đã quá quen thanh toán bằng đồng USD. Có 95% khách hàng Techcombank vẫn giao dịch bằng đồng USD. Việc chính phủ khuyến khích doanh nghiệp chuyển sang đồng ngoại tệ khác để thanh toán sẽ không dễ dàng trong lúc này.

Bà Tâm còn cho rằng, việc chuyển đổi sang ngoại tệ khác sẽ rất nguy hiểm cho doanh nghiệp, bởi những đồng ngoại tệ khác không được nhà nước kiểm soát tỷ giá. Mức độ dao động của những đồng ngoại tệ khác lên xuống từng ngày, có khi biên độ lên đến 10%. Nếu không quen giao dịch với ngoại tệ khác, các doanh nghiệp có thể bị lỗ nhiều hơn so với việc đồng USD mất giá như hiện nay.

Muốn chuyển đổi sang giao dịch bằng ngoại tệ khác, theo bà Tâm: “Mỗi doanh nghiệp cần phải thành lập ra một ban theo dõi tỷ giá của thị trường tiền tệ để tránh thua lỗ, khi những ngoại tệ này lên xuống bất thường”.



Nguồn: Sài Gòn Tiếp Thị
Báo cáo phân tích thị trường