Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nên chuyển vai trò chủ đạo tăng trưởng kinh tế sang khu vực tư nhân
27 | 03 | 2008
Đây là ý kiến của TS Lê Đăng Doanh trong cuộc trao đổi với báo chí bên lề Hội thảo quốc tế về chính sách công nghiệp hóa Việt Nam tổ chức sáng qua, tại Hà Nội.
 

Một nguyên nhân của tình trạng lạm phát cao do đầu tư công không hiệu quả. Hiện, nhiều ý kiến đặt ra là cần chuyển vai trò chủ đạo tăng trưởng kinh tế sang khu vực kinh tế tư nhân. Ông đánh giá thế nào về ý kiến này?

Nâng cao hiệu quả đầu tư là rất tốt. Trong thời kỳ đầu đổi mới, chúng ta đầu tư ít nhưng tăng trưởng mạnh, năng suất lao động tăng cao. Bây giờ, chúng ta phải tìm cách nâng cao hiệu quả đầu tư.

Nhà nước chỉ nên đầu tư vào lĩnh vực thật cần thiết mà tư nhân không làm được. Còn cái gì tư nhân làm được thì hãy để tư nhân làm, dưới sự giám sát của cơ quan nhà nước.

Có sự hợp tác chặt chẽ giữa công và tư như y tế, giáo dục, môi trường. Tóm lại, chúng ta cần mạnh dạn cải cách, đổi mới tư duy, vượt qua lợi ích nhóm, cục bộ, sử dụng quan hệ quen biết, dàn xếp; xếp vốn cho tập đoàn này, tăng tín dụng cho tập đoàn kia, chỉ định thầu mà không đem lại hiệu quả.

Có những ví dụ rất đau đớn như công trình đầu tư ở miền Trung mà ông Tổng Giám đốc bị bắt, cầu Văn Thánh chữa đi chữa lại mãi, mỗi lần chữa, lại báo cáo là tăng GDP, nhưng có ai sử dụng được đâu.

Nhưng ở Việt Nam dường như chưa có sự sẵn sàng chuyển đổi vai trò đó cho khu vực tư nhân?

Theo tôi, những gì kinh tế tư nhân làm được thì nên để tư nhân làm, cũng hoàn toàn không nên tuyệt đối hóa kinh tế tư nhân vì tư nhân của chúng ta còn nhỏ bé, còn nhiều nhược điểm.

Làm sao mà không nhược điểm được trong một môi trường phải dựa vào nhiều mối quan hệ, chạy cổng hậu để xin miếng đất, tất cả những chuyện thiếu công khai, lành mạnh như vậy thì bảo kinh tế tư nhân hoàn toàn lành mạnh là không đúng.

Đừng nên tuyệt đối hóa. Hãy giúp đỡ họ, đòi hỏi họ nhưng giám sát họ để họ cải thiện lên. Chúng ta hãy thấy trước điều đó để chúng ta làm tốt hơn.

Thời gian vừa rồi mất cân đối cung cầu, có mâu thuẫn gì với việc bảo hộ kéo dài ngành hàng trong WTO khi cung cầu của mình không đảm bảo. Có nên tính toán lại và mở cửa nhanh hơn?

Theo tôi, không nên bao quát, nói bao trùm như vậy. Tất cả đều phải lấy lợi ích của đất nước. Ví dụ, thiếu thịt thì mở cửa nhanh nhập khẩu thịt để cân đối cung cầu. Nhưng những gì ta có thể làm được thì phải tìm cách hỗ trợ để chúng ta làm cho bằng được. Dệt may chúng ta không thể nào mở cửa để tự giết mình được và nhiều sản phẩm khác.

Tôi xin lưu ý, Hàn Quốc, Nhật Bản vào WTO lâu rồi, nhưng họ làm gì có siêu thị nước ngoài. Họ đưa ra quy định rất ngặt nghèo như anh muốn vào làm siêu thị thì phải cách siêu thị cũ 60km.

Trong thời gian đó, họ hỗ trợ, đòi hỏi siêu thị trong nước phát triển lên. Chúng ta phải cố gắng hỗ trợ, đòi hỏi siêu thị thúc đẩy phát triển lớn.

Cảm ơn ông!



Theo Tiền Phong Online
Báo cáo phân tích thị trường