Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
“Hạ lạm phát bằng tăng sản xuất nông nghiệp”
12 | 04 | 2008
Hỏi chuyện Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát về những nỗ lực bình ổn giá cả của ngành nông nghiệp.
Bộ trưởng đánh giá thế nào về thực tế là chỉ số giá hàng lương thực - thực phẩm luôn đứng trong nhóm có tốc độ tăng nhanh nhất từ đầu năm 2008 đến nay?

Hiện nay, nền nông nghiệp của chúng ta đã hội nhập nên giá cả nông sản trong nước cũng bị biến động bởi giá cả thị trường quốc tế, đặc biệt là những loại nông sản chính (gạo, cà phê, hồ tiêu...).

Tuy nhiên, một số sản phẩm chúng ta chỉ sản xuất để cung cấp cho thị trường trong nước như chăn nuôi, rau quả nhưng giá vẫn lên cao là bởi vì sản xuất chưa đủ nhu cầu.

Ví dụ như giá rau trong và sau đợt rét đậm rét hại vừa qua sinh trưởng rất kém khiến nguồn cung bị hạn chế và đẩy giá lên rất cao, đến nay, nhiều vườn rau đã phục hồi sản xuất thì giá rau lại hạ xuống.

Còn đối với các loại thực phẩm như thịt, trứng... tăng cao là do dịch bệnh khiến tốc độ tăng trưởng của ngành chăn nuôi chỉ đạt 4,6%, trong khi nhu cầu về sản phẩm chăn nuôi của người tiêu dùng là 7-8%. Thêm nữa, rét làm cho đàn gia súc tại nhiều địa phương thiệt hại nặng.

Vì vậy, hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang hướng dẫn địa phương triển khai các biện pháp cấp bách khôi phục phát triển chăn nuôi: đẩy mạnh công tác giống, làm tăng tỉ lệ sinh sản và chất lượng con giống; tập trung giải quyết vấn đề thức ăn đẩy mạnh sản xuất các loại cây làm thức ăn trong nước; triển khai hướng dẫn bà con sử dụng thức ăn công nghiệp; đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh, ổn định để bà con phát triển chăn nuôi

Chúng ta khuyến khích người dân tập trung thâm canh, sản xuất nhưng giá nhiều loại vật tư nông nghiệp tăng cao như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... là trở ngại chính cho chủ trương này?

Thời gian qua các loại vật tư nông nghiệp lên cao: phân bón, xăng dầu... ảnh hưởng lớn đến sản xuất và thu nhập của người nông dân. Về phân bón, chúng tôi theo dõi sát sao các doanh nghiệp để đảm bảo cung ứng đủ cho bà con ngay cả trong trường hợp Nhà máy Đạm Phú Mỹ nghỉ một thời gian để bảo dưỡng.

Thực tế, với mức giá đầu vào tăng nhưng đầu ra cũng tăng nên ngành trồng trọt, chăn nuôi vẫn có lãi khá cao. Còn ngành thuỷ sản đang rất khó khăn, giá thức ăn tăng cao nhưng giá đầu ra lại giảm. Ngư dân đi đánh bắt xa bờ, theo tính toán những ngư dân đi không gặp may hay không nắm bắt chắc về ngư trường thì không có lãi thậm chí lỗ.

Tuy nhiên, giá cả phụ thuộc vào giá thế giới, vấn đề của chúng ta là vẫn phải thúc đẩy sản xuất trong điều kiện giá vật tư cao như vậy. Các biện pháp được khuyến cáo vẫn là: điều chỉnh cơ cấu sản xuất, sử dụng tối ưu các loại vật tư, thuỷ sản, hỗ trợ ngư dân và khuyến khích họ chuyển sang nghề tiêu thụ ít xăng dầu...

Việc giữ ổn định giá lương thực thực phẩm sẽ được thực hiện ra sao trong thời gian tới, thưa Bộ trưởng?

Trong những biện pháp kiềm chế lạm phát, thì việc giữ ổn định giá lương thực, thực phẩm đóng vai trò rất quan trọng, và Bộ có trách nhiệm lớn trong việc đảm bảo nguồn cung các loại nhu yếu phẩm. Khi có nguồn cung dồi dào thì giá cả trên thị trường cũng sẽ “hạ nhiệt”.

Vì vậy, tôi vẫn nhấn mạnh việc phải thúc đẩy sản xuất để tăng mạnh nguồn cung để nông dân vẫn có lợi mà giá cả trên thị trường không bị “sốt”, đời sống của người tiêu dùng vẫn đảm bảo. Đó là trách nhiệm chính mà Chính phủ giao cho ngành nông nghiệp.

Với mục tiêu chính là ổn định giá cả trong nước, liệu chỉ tiêu xuất khẩu ngành nông nghiệp có bị ảnh hưởng?

Trong tháng 1-2/2008 xuất khẩu nông lâm thuỷ sản vẫn tăng mạnh, nhưng sang tháng 3/3008 có khó khăn, tốc độ tăng giảm xuống.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản 3 tháng tăng 11,6%, nhưng riêng tháng 3 chỉ tăng 1,6%. Chúng tôi đã báo cáo Chính phủ về vấn đề này để có hướng hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu cũng như người dân về tiền tệ, tín dụng...

Tuy nhiên, có thể thấy rằng việc tập trung hàng hóa nông sản đáp ứng nhu cầu trong nước sẽ không ảnh hưởng nhiều tới xuất khẩu. Ví dụ, gạo chúng ta giảm số lượng xuất khẩu nhưng giá trị lại tăng, các loại nông sản khác, chúng ta không có hạn chế như cà phê, điều, hồ tiêu... sẽ tiếp tục tăng.

Với các biện pháp đã nêu ra chúng ta có thể hy vọng cuối 2008 liệu giá cả lương thực, thực phẩm có giảm?

Đối với những hàng hoá chúng ta thông thương với quốc tế sẽ biến động theo giá quốc tế, còn những hàng nông sản phục vụ tiêu dùng trong nước là chủ yếu thì khi tăng mạnh nguồn cung giá sẽ có chiều hướng giảm



Nguồn: VnEconomy
Báo cáo phân tích thị trường