Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Trà Vinh: Đậu phộng trúng mùa, trúng giá
23 | 04 | 2008
Những ngày này, các huyện Cầu Ngang, Duyên Hải, Trà Cú, Châu Thành… đang vào thời điểm thu hoạch đậu phộng. Năm trước, đậu phộng chỉ bán được giá 70.000-80.000 đồng/giạ, năm nay giá lên đến 135.000-140.000 đồng/giạ (20kg). Thương lái còn tìm đến tận ruộng tranh nhau mua đậu. Đậu phộng hiện nay không chỉ được tiêu thụ nội địa mà còn xuất khẩu sang các nước: Campuchia, Trung Quốc…

Mới vào vụ thu hoạch nhưng tại xã Mỹ Long Bắc (huyện Cầu Ngang), đậu phộng thu hoạch xong bao nhiêu, thương lái và các chủ vựa đến thu mua hết, thậm chí còn đặt tiền cọc trước khi thu hoạch. Anh Nguyễn Văn Lộc (37 tuổi), ở ấp Bến Cát, xã Mỹ Long Bắc, khoe: “Vụ đậu năm nay tôi trồng 10 công (10.000m2), sử dụng giống MD7, sau 100 ngày thu hoạch được 478 giạ đậu phộng. Với giá bán 130.000 đồng/giạ, sau khi trừ chi phí, tôi còn lãi trên 37 triệu đồng”.

Bác Trần Văn Ẩn (55 tuổi), cũng ở ấp Bến Cát, nhẩm tính: “Còn khoảng một tuần nữa 16 công đậu của tôi bắt đầu thu hoạch, nhưng nhiều thương lái đề nghị dời ngày thu hoạch khoảng 1 tuần để củ đậu già thêm. Năm nay tôi cũng sử dụng giống MD7, nhờ thời tiết thuận lợi và chăm sóc tốt nên năng suất có khả năng đạt 50-55 giạ/công. Với giá bán từ 130.000-140.000 đồng/giạ, trừ các khoản chi phí tôi cầm chắc khoảng 60 triệu đồng lợi nhuận, tăng 1,5 lần so với năm ngoái”.

Nhờ đậu phộng trúng mùa, nhiều lao động ở địa phương tham gia lặt đậu thuê cũng có thu nhập khá. Với giá tiền công lặt đậu tại ruộng 5.000 đồng/thùng, mỗi ngày một người có thể lặt từ 10-15 thùng, thu nhập từ 50.000-75.000 đồng. Tại nhiều vùng trồng đậu tập trung của huyện Cầu Ngang, khi vào vụ thu hoạch, các hộ trồng đậu luân phiên đi lặt đậu thuê cho các hộ thu hoạch trước. Nhờ đó, giải quyết được việc làm cho hàng ngàn lao động.

Ông Trang Minh Triều, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Long Bắc, phấn khởi cho biết: “Những năm gần đây, nhờ được Trường Đại học Cần Thơ, Phòng Nông nghiệp - Thủy sản huyện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giúp đỡ, thường xuyên chuyển giao kỹ thuật mới trong cải tạo, trồng và chăm sóc đậu phộng cho bà con nông dân nên đậu phộng trồng đạt năng suất và chất lượng cao, bán được giá cao hơn so với đậu phộng ở các địa phương khác”.

Còn ông Nguyễn Văn Bến, Trưởng Ban nhân dân ấp Huyền Đức, xã Long Sơn (huyện Cầu Ngang), nói: “Những năm gần đây, bà con nông dân ở đây chuyển từ mô hình trồng các loại màu sang canh tác một vụ đậu phộng và 2 vụ lúa đã nâng được hiệu quả sử dụng đất. Năm nay, toàn ấp có trên 60 hộ trồng đậu phộng, năng suất đạt 45-55 giạ/công. Với giá bán từ 135.000-140.000/giạ, bà con thu lãi từ 2,4-3,7 triệu đồng/công. Điều mà bà con nông dân trồng đậu vui nhất là đậu thu hoạch xong có thương lái đến mua hết. Ngoài ra, thân cây đậu phộng còn được dùng làm thức ăn cho bò hoặc bán cho các trang trại nuôi bò, có thêm nguồn lợi”.

Anh Thạch Sư, ở ấp Huyền Đức, xã Long Sơn, nói: “Gia đình tôi có 26 công đất, trước đây canh tác đủ các loại cây màu nhưng hiệu quả không cao. Từ năm 2000 đến nay, tôi trồng đậu phộng giống trên 10 công đất giồng, 16 công đất gò trồng 1 vụ lúa 2 vụ đậu phộng. Khoảng 3 năm trở lại đây, nhờ trồng đậu phộng gia đình tôi khấm khá hơn, nuôi được một đứa con học đại học tại TP Hồ Chí Minh, một đứa chuẩn bị vào đại học. Chỉ tính riêng vụ I năm 2008 này, tôi ước tính thu lời khoảng 125 triệu đồng. Ngoài ra, số thân cây đậu thu được hằng năm, tôi giải quyết được trên 60% nhu cầu thức ăn trong một năm của đàn bò 17 con”.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện toàn tỉnh Trà Vinh có trên 4.000 ha trồng đậu phộng, dự kiến sản lượng thu hoạch năm 2008 đạt trên 18.000 tấn, tăng hơn 3.200 tấn so với cùng kỳ năm trước. Việc phát triển diện tích chuyên canh đậu phộng hoặc luân canh với cây màu tại các địa phương trong tỉnh, đã góp phần đáng kể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương



kinhtenongthon.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường