Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh: Sẽ tính lại các nguồn thu ngân sách sau khi gia nhập WTO
28 | 07 | 2007
Trong giờ giải lao, sau phiên khai mạc của kỳ họp thứ 10, QH khóa XI, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh đã trả lời phỏng vấn báo chí.
Theo ước tính của Chính phủ thì mức tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ đạt 8,1-8,2%, tức là thấp hơn so với mức tăng trưởng năm 2005. Theo Bộ trưởng, nguyên nhân nào khiến nền kinh tế tăng trưởng chậm lại?

- Theo tôi, có hai nguyên nhân chính. Thứ nhất là từ đầu năm, tình hình giá cả thế giới biến động rất lớn, tác động đến sản xuất trong nước làm chi phí sản xuất một số mặt hàng trong nước tăng cao, ảnh hưởng đến tăng trưởng. Cũng trong mấy tháng đầu năm, thiên tai dịch bệnh ảnh hưởng rất nhiều đến tăng trưởng. Đó là hai yếu tố lớn nhất. Việc thứ ba là cạnh tranh càng ngày càng gay gắt, một số sản phẩm xuất ra nước ngoài bị ảnh hưởng.

* Khả năng Việt Nam gia nhập WTO đã rõ ràng, và khi đã là thành viên đầy đủ của WTO, ta sẽ phải thực hiện cam kết giảm thuế. Như vậy để đảm bảo nguồn thu trong ngân sách, sẽ phải tăng thu ở một số nguồn thu khác trong nội địa?

- Việc gia nhập WTO là tương đối khả quan, trong năm nay chúng ta có nhiều khả năng gia nhập được. Tuy nhiên, trong cả lộ trình gia nhập khu vực và thế giới, chúng ta đã tính toán các phương án làm sao để tránh, hạn chế tối đa những hạn chế, bất lợi cho nền kinh tế. Một mặt vừa phải tính đến cam kết với các nước theo một lộ trình nhất định. Thứ hai là bản thân nền kinh tế chúng ta cũng phải vươn lên để đứng vững trên thị trường không phải ở trong nước mà cả trên phạm vi thế giới và khu vực. Cái đó đã được chuẩn bị trong một quá trình khá dài. Riêng về các dòng thuế, chúng ta cũng đã có cam kết, chúng ta lựa chọn những thế mạnh để chúng ta có lợi nhất. Đương nhiên gia nhập có hai mặt. Ta cũng phải giảm thuế và có thể nguồn thu bị giảm đi nhưng nếu chúng ta tổ chức sản xuất tốt, hiệu quả tăng cao thì cơ hội của chúng ta vào các thị trường bên ngoài cũng tăng lên, thu cũng có khả năng tăng lên. Về lâu dài, ta cũng phải tính lại các nguồn thu trong nước. Ví dụ thu từ nguồn dầu khí ở trong nước chẳng hạn, từ các nhà máy lọc dầu là điều kiện để ta chủ động về nguồn thu. Ngoài ra, cũng phải kiểm soát chặt chẽ hơn để hạn chế thất thu, thu đúng, thu đủ.

* Bộ trưởng có nói trong thời gian đầu thi hành Luật Thuế thu nhập cá nhân, có thể bị giảm thu nhưng về lâu dài đây chính là một nguồn thu chủ yếu của ngân sách?

- Hầu hết các nước đều dựa vào thuế trực thu, chiếm tỷ trọng rất lớn, chiếm tới 40-50% ngân sách. Chúng ta mới ở trong giai đoạn hội nhập, phát triển kinh tế thị trường nên chúng ta dựa vào thuế gián thu nhiều hơn. Nhưng về lâu dài mà nói, chúng ta phải theo hướng dựa vào thuế trực thu. Hiện nay, có thể nói là có đến 180 nước thực hiện thu thuế thu nhập, có nước đã thu từ đầu thế kỷ 18, và muộn nhất cũng đã thu từ cuối thế kỷ 20. Thuế thu nhập cá nhân ra đời cũng là bước tập dượt tiến tới điều tiết công bằng, bình đẳng, tạo ra nguồn thu ổn định cho ngân sách.

* Qua mấy lần điều chỉnh giá xăng, dầu vừa rồi, Bộ Tài chính đã nhiều lần tăng thuế và không giảm giá dầu cho dù có giảm giá xăng nhằm thực hiện yêu cầu bỏ bù lỗ giá dầu. Đây cũng là một cách nhằm tăng thu cho ngân sách?

- Xóa bỏ bù lỗ chính là một những nội dung chúng ta phải hoàn thiện cơ chế thị trường. Nếu làm được như vậy, tất cả các ngành kinh tế có liên quan sẽ hạch toán đầy đủ hơn. Các ngành, các lĩnh vực sẽ phải sắp xếp, giảm chi phí để làm sao làm ăn có hiệu quả. Hiện nay, nếu ta cứ duy trì chính sách giá như thế sẽ không phản ánh được chi phí thực tế, làm méo mó thị trường. Hơn nữa, công tác quản lý của chúng ta cũng bất cập dễ dẫn đến những sai phạm và thất thoát. Do đó, mục tiêu không phải là để tăng thu mà làm cho nền kinh tế lành mạnh lên.



(Theo www.baothuongmai.com.vn)
Báo cáo phân tích thị trường