Cải cách hành chính ở nước ta, nhằm đổi mới một cách căn bản nền hành chính Nhà nước với mục đích xây dựng một nền hành chính trong sạch, vững mạnh, có chất lượng chính trị và chất lượng chuyên môn thích hợp với điều kiện mới, tạo thuận lợi cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh và phục vụ nhân dân có hiệu quả cao, góp phần ổn định chính trị - xã hội, thúc đẩy kinh tế phát triển giữ vững độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Cải cách hành chính làm cho bộ máy Nhà nước thực hiện tốt nhiệm vụ thể chế hóa chủ trương, đường lối của Ðảng và tổ chức tốt việc điều hành, quản lý đất nước, tạo điều kiện cho nền kinh tế nhiều thành phần phát triển, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế.
Trong nhiều năm nay, Ðảng và Nhà nước ta đã chủ trương cải cách hành chính một cách toàn diện, đồng bộ trong mọi lĩnh vực. Thực hiện cải cách hành chính có nhiều việc phải làm, trong đó cơ chế "một cửa" nhằm tăng tính liên thông, tính trực tiếp, giảm bớt phiền hà, đối với tổ chức và công dân. Vì thế, ngày 4-9-2003, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 181/2003/QÐ-TTG về thực hiện cơ chế "một cửa". Sau ba năm thực hiện, nhân dân và các đơn vị sản xuất kinh doanh, các tổ chức xã hội, các cấp, các ngành, các nhà đầu tư nước ngoài đều thấy đây là việc làm thiết thực rất cần thiết, nên được mọi người đồng tình hoan nghênh.
Triển khai thực hiện cơ chế "một cửa", nhiều địa phương đã mở rộng cơ chế này đối với một số đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công có liên quan nhiều đến người dân, doanh nghiệp; một số địa phương đã tổ chức thí điểm thực hiện cơ chế "một cửa" liên thông giữa các cấp chính quyền. Việc thực hiện cơ chế "một cửa" thật sự là một phương thức làm việc mới nhằm cải cách lề lối làm việc của các cơ quan hành chính các cấp.
Cơ chế "một cửa" được quy định cụ thể trong Ðiều 4 và Ðiều 5 của Quy chế, ban hành kèm theo Quyết định số 181. Các nội dung đều được niêm yết công khai, minh bạch tại nơi làm việc của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết công việc cùng với các quy định về phí, lệ phí rõ ràng, theo đúng nguyên tắc: thủ tục hành chính đơn giản, rõ ràng, đúng pháp luật; công khai phí, lệ phí và thời gian giải quyết công việc của tổ chức, công dân yêu cầu.
Thực hiện cơ chế "một cửa", cơ quan hành chính Nhà nước các cấp ở địa phương đã giải quyết cơ bản những yêu cầu của dân và doanh nghiệp trong các lĩnh vực đăng ký kinh doanh, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sở hữu đất, cấp giấy phép xây dựng, các quyết định về đầu tư, các lĩnh vực về đăng ký hộ khẩu, chính sách xã hội... Chất lượng và thời gian giải quyết công việc được nhanh hơn. Người dân chỉ cần đến một nơi, với thời gian đã được quy định để giải quyết công việc đúng nguyện vọng, không phải đi lại nhiều lần.
Ðể thực hiện được điều đó, các cấp chính quyền đã quan tâm đến việc chấn chỉnh tổ chức, bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và công chức. Hầu hết các địa phương đã rà soát lại cơ cấu tổ chức, bộ máy cho phù hợp. UBND các cấp tổ chức tốt bộ phận tiếp nhận và giải quyết mọi công việc của công dân.
Với cơ chế "một cửa", một số vướng mắc lớn về các thủ tục hành chính thành lập doanh nghiệp, cấp giấy phép đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cấp giấy đăng ký quyền sử dụng đất, cấp giấy phép xây dựng, các thủ tục về thuế, hải quan, xuất nhập khẩu, chính sách xã hội... đã được giải quyết. Ðây là những thủ tục có ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài. Khi thực hiện cơ chế "một cửa", các cấp chính quyền đã giải quyết một số việc quan trọng, như rà soát để sửa đổi bổ sung hoặc bãi bỏ một số thủ tục hành chính gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, bãi bỏ một số loại lệ phí không phù hợp làm tăng tính minh bạch của các loại công việc được giải quyết cho công dân và tổ chức.
Kết quả của việc thực hiện cơ chế "một cửa" đã làm cho các doanh nghiệp trong nước, các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng vào chính sách phát triển kinh tế của nước ta. Do đó Việt Nam được đánh giá là nước có nhiều nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, là một trong những quốc gia có tốc độ cải cách hành chính nhanh. Thực tế đã khẳng định địa phương nào cải cách hành chính nói chung và thực hiện nghiêm túc cơ chế "một cửa" nói riêng thì nơi đó phát triển kinh tế - xã hội tốt và bền vững.
Khẳng định chủ trương thực hiện cơ chế "một cửa" tại cơ quan hành chính Nhà nước, địa phương là hoàn toàn đúng đắn. Mục tiêu của việc làm này là hướng tới phục vụ người dân ngày càng tốt hơn, thực hiện một phương thức mới trong hoạt động của các cấp chính quyền là một chủ trương đúng đắn và nhất quán. Việc thực hiện cơ chế "một cửa" khẳng định sự chấp hành nghiêm túc chủ trương cải cách hành chính của Ðảng, Nhà nước nói chung.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được sau ba năm triển khai thực hiện cơ chế "một cửa" vẫn còn một số tồn tại, thiếu sót và những vướng mắc cần được khắc phục. Công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo một số địa phương chưa nghiêm túc, thiếu kiên quyết, thực hiện còn hình thức, chiếu lệ hoặc còn máy móc, thiếu sáng tạo, nên hiệu quả không cao. Hệ thống thể chế và cơ chế phối hợp còn yếu và thiếu cụ thể. Tính ổn định và đồng bộ của các văn bản quy phạm pháp luật chưa cao.
Nguyên nhân của tình trạng trên có nhiều, song có thể khái quát ở mấy điểm chính sau:
Quyết tâm của cấp ủy và người đứng đầu địa phương chưa cao, xuất phát từ nhận thức chưa đầy đủ về cải cách hành chính, về cơ chế "một cửa". Còn tư duy làm việc theo cơ chế cũ, không muốn đụng chạm đến lợi ích cục bộ của một bộ phận cán bộ, công chức, ngành, lĩnh vực, do đó chần chừ, trì hoãn thực hiện các yêu cầu cải cách hành chính. Nhiều người chưa thật sự hướng tới phục vụ dân, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân và tổ chức, nên chưa kiên quyết, thiếu sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành.
Thiếu chính sách đãi ngộ phù hợp, khuyến khích cán bộ, công chức hành chính, đồng thời chưa có chế tài xử lý nghiêm những cá nhân, đơn vị gây cản trở hoặc không thực hiện cơ chế "một cửa". Do đó, chưa tạo được động lực thực hiện cơ chế "một cửa" một cách tốt nhất.
Các quy định của các bộ, ngành còn thiếu đồng bộ, chưa thống nhất, tính ổn định chưa cao nên còn nhiều thủ tục hành chính phức tạp, phiền hà cho tổ chức, công dân.
Quy định của Quyết định số 181 còn mang tính đồng loạt, chưa chú ý đến đặc điểm của các vùng miền và trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở, do đó khi thực hiện đồng loạt đã gặp phải một số vướng mắc như thiếu trụ sở, không đủ cán bộ, công chức đạt tiêu chuẩn...
Ðể tiếp tục thực hiện cơ chế "một cửa" đẩy mạnh cải cách hành chính ở nước ta hiện nay, cần làm tốt mấy việc chính sau:
Nhận thức thực hiện cơ chế "một cửa" là góp phần quan trọng thay đổi phương thức làm việc của cơ quan hành chính các cấp theo tinh thần cải cách hành chính, do đó phải thực hiện nghiêm túc các quy định của Quyết định số 181 về tổ chức nhân sự, nội dung, nguyên tắc, trách nhiệm và quy trình giải quyết công việc.
Bộ phận tiếp nhận và giải quyết công việc của dân cần bố trí cán bộ, công chức là những người có trình độ chuyên môn thuộc ngành, lĩnh vực làm việc ở bộ phận này.
Các cấp bố trí lịch làm việc công khai 8 giờ/ngày; 5 ngày/tuần để người dân biết rõ ngày, giờ làm việc để tiện liên hệ công tác. Công khai, minh bạch các thủ tục hành chính; phí, lệ phí, thời gian giải quyết công việc cho công dân, tổ chức tại nơi làm việc của cơ quan công quyền. Củng cố cơ sở vật chất, sửa chữa trụ sở bảo đảm đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu đã quy định trong Quyết định số 181.
Tiếp tục hoàn thiện Quyết định số 181 theo hướng thực hiện cơ chế "một cửa" ở tất cả các cấp chính quyền, địa phương đối với những lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến tổ chức, công dân.
Phân loại công việc giải quyết theo cơ chế "một cửa" ở các cấp gồm những lĩnh vực giải quyết ngay, không ghi giấy hẹn; những loại phải ghi giấy hẹn...
Tổ chức chỉ đạo thí điểm cơ chế "một cửa" liên thông giữa các cấp chính quyền trong việc giải quyết công việc cho tổ chức, công dân, tiến tới thực hiện liên thông ở tất cả các địa phương.
Căn cứ đặc điểm vùng miền để tổ chức thực hiện cơ chế "một cửa" cho phù hợp với một số huyện, xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa trên cơ sở công khai các thủ tục hành chính, phí, lệ phí và thời gian làm việc của cán bộ, công chức theo quy định của Nhà nước.
Tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy định trong Quyết định số 178/2003/QÐ-TTg ngày 3-9-2003 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Ðề án thường xuyên tuyên truyền Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2001-2010, xây dựng chuyên trang, chuyên mục ở các báo Trung ương, địa phương, các đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương nhằm nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội về chủ trương cải cách hành chính và thực hiện cơ chế "một cửa".