Quá trình cài đặt Online Armor (OA) có thể đến hơn 30 phút, vì nó sẽ quét tất cả các chương trình trên máy tính để lập nên một sơ đồ bảo vệ của riêng nó. Ngay trong quá trình cài đặt, OA sẽ đưa ra danh sách các chương trình trong máy tính và yêu cầu bạn xác lập tính hợp pháp của các chương trình này. Bạn nên quan sát kỹ danh sách các ứng dụng do OA đưa ra để kiểm tra và “Block” những ứng dụng “lạ hoắc” mà bạn thấy nghi ngờ. Quy trình này cũng luôn hiện diện suốt trong quá trình hoạt động của OA và bạn có thể lặp lại quá trình "xét duyệt" này của OA bằng cách nhấn vào dòng chữ "Click here to run the Wizard" trên giao diện chính.
Sau đây là một số tính năng bảo vệ chính do OA cung cấp ở từng menu chức năng riêng biệt:
1. “General” cung cấp 4 tính năng bảo vệ chủ yếu sau:
- “Mail Shield” và “Spam Shield”: lọc thư và đưa ra cảnh báo về các e-mail nghi ngờ là thư rác.
- Web Shield: Lọc các nội dung mà OA cho là có mã độc đang xâm nhập vào máy tính khi bạn đang lướt web.
- Program Guard: yêu cầu bạn khẳng định tính hợp pháp của bất kỳ một ứng dụng nào đang được khởi động. Tính năng này tỏ ra rất hữu dụng để ngăn chặn các chương trình mã độc có khả năng tấn công máy tính bằng cách tự động chạy.
Để bảo vệ máy tính được an toàn khi lướt web, bạn đên đánh dấu chọn tất cả 4 tính năng trên trong giao diện “General”.
2. Programs: Liệt kê các ứng dụng đang chạy mà OA cho rằng có độ nhạy cảm cao, nhất là các ứng dụng liên quan đến web hoặc sử dụng hệ thống “Cache” có dính líu đến Internet.
3. IE Extensions: Liệt kê tất cả các ứng dụng dạng “Plug-in” được gắn kèm vào trình duyệt Internet Explorer. Chủ yếu là các “Toolbar” do đủ thứ ứng dụng Internet gắn “ăn theo” vào Internet Explorer.
4. Key Loggers: liệt kê toàn bộ các ứng dụng mà OA cho rằng có tính chất tương tự với các ứng dụng ghi nhận hoạt động bàn phím. Thông qua tính năng này, bạn có thể “vạch mặt” được một vài ứng dụng Key Logger nào đó đang âm thầm hoạt động trong máy tính.
5. Hosts: Nếu máy tính mà bạn đang sử dụng là một máy chủ thì OA sẽ liệt kê toàn bộ các IP đang truy cập vào máy.
6. Protected Sites: Nếu là người kỹ tính, bạn nên chịu khó bỏ thời gian để nhập vào đây địa chỉ các website mà bạn hay ghé thăm nhưng lại “nghi ngờ” về tính an toàn của nó.
7. Trusted Sites: Liệt kê danh sách các website mà bạn đang ghé thăm. Nếu bạn tỏ ra “tin tưởng” một website nào đó trong danh sách thì có thể chọn website đó và nhất nút “Trusted” để OA không cần lưu tâm đến website đó nữa. Nhưng nếu gặp phải một website mà bạn không tin tưởng lắm (lý do: tung pop-up, có quá nhiều quảng cáo…) thì nên cho nó một dấu “Untrusted” để OA giám sát website này kỹ lưỡng hơn.
8. History: Liệt kê toàn bộ những thông tin liên quan đến quá trình “Block” hoặc “Allow” của OA.
Khi đã làm quen với OA, bạn sẽ cảm thấy ngạc nhiên trước khả năng “đánh hơi” hiểm họa của nó, đặc biệt hiệu quả với những đoạn mã Active X đóng vai trò “trinh sát dò đường” và các kiểu mã độc khác đính kèm theo các website. Các phần mềm chống virus sẽ trở nên “nhàn nhã” hơn nhiều khi có sự hợp tác của OA.
OA có một nhược điểm nhỏ có thể gây khó chịu cho người dùng là nó sẽ tung ra khá nhiều cảnh báo yêu cầu bạn “Block” hoặc “Allow” khi nó đánh hơi được một website nào đó mà bạn đang truy cập đang tung vào máy tính nhiều đoạn mã thuộc dạng “nghi ngờ”.
Công ty Tall Emu Pty đang bán ra bản Online Armor 1.1.1 với giá là 39,95 USD. Bạn đọc quan tâm có thể vào đây để tải về bản dùng thử với dung lượng khoảng 5MB.