Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đại gia cây cảnh
26 | 05 | 2008
Đến TP Vĩnh Yên - tôi hỏi thăm vào Cty CP dịch vụ Tiến Đạt - người chỉ đường hỏi lại ngay - Tìm đại gia cây cảnh hả? Đại gia đó là ông Nguyễn Văn Phiến - GĐ Cty CP dịch vụ Tiến Đạt.

Tôi như lạc trong rừng cây cảnh mênh mông 16 ha, với đủ loại cây, kiểu dáng khác nhau của Cty CP dịch vụ Tiến Đạt mà chủ nhân là ông Nguyễn Văn Phiến.

Năm 1998, ông Phiến nhận lời mời của hãng Coca - Cola sang thăm nước Pháp, tình cờ một lần ngồi uống cà phê tại Vườn sinh thái Pháp. Ông Phiến tròn xoe mắt, vì thấy có một cây đa mà trị giá tới... 1 triệu USD! Ông nghĩ, cây này nước mình thiếu gì, mà sao lại đắt thế? Trong đầu ông loé lên suy nghĩ: Tại sao mình lại không xây dựng một vườn sinh thái giống họ, và còn "thật" hơn họ? Để mọi người đến thăm và ngắm nhìn những loại cây mà nó vốn rất quen thuộc trong vườn nhà?

Về nước, ông đi tìm và thu gom các loại cây. Lúc này, ông không bận tâm đến công việc ở nhà hàng nữa. Ông giao phó tất cả cho cậu con trai của mình. Người ta thấy ông mang về sau mỗi chuyến đi là những gốc cây xù xì, đen đúa, có cây như cành củi khô, chẳng có tí mầm sống nào. Hàng ngày, ông cặm cụi ở bên những gốc cây chăm sóc, nâng niu, bón phân, tưới nước... chẳng khác nào người cha chăm những đứa con của mình. Khi những mầm non đâm chồi, ông ra sức uốn nắn, cắt tỉa tạo dáng hình cho từng cây. Trong bữa ăn, giấc ngủ của ông, luôn có hình ảnh của những chồi non...


Tôi nhớ, có ai đó đã từng nói "Chỉ có thể là nghệ sĩ sinh vật cảnh nếu họ biết biến những sản phẩm sinh vật ấy, thành những tác phẩm nghệ thuật sống động được cảm nhận không chỉ từ vẻ đẹp về hình thức, mà còn là cái đẹp có hồn, có nhựa sống. ở đấy, phải có sự gặp gỡ hòa hợp giữa thiên nhiên với con người".


Năm 2003 - khi phong trào xây dựng khu sinh thái phát triển - ông lập dự án xin 16 ha đất để thực hiện ước mơ của mình. Ông dự kiến sẽ dùng 11 ha mặt nước để xây dựng nhà hàng nổi, du thuyền, bể bơi, cà phê, ca nhạc, Internet, và phòng uống trà. Còn lại, 5 ha ông dùng vào việc trưng bày cây cảnh. Sau một thời gian thu gom, lúc này ông đã sưu tầm được hơn 100 chủng loại cây quý hiếm, nhiều cây có tuổi thọ trên 100 năm...

Khi thăm vườn, được nghe ông kể về nghệ thuật và thú chơi cây mới thấy người ta gọi ông là "đại gia" cây cảnh quả không ngoa. "Chơi cây cảnh là thú chơi tao nhã, nó thể hiện tính nhân văn cao quý, tính thẩm mĩ độc đáo, tính sáng tạo không ngừng... Đặc biệt, nó còn giúp cho con người gần gũi và yêu thiên nhiên hơn. Cây sẽ không có hồn, không có thân hình uyển chuyển, mềm mại, nếu như nó thiếu đi bàn tay chăm sóc của con người" - ông Phiến nói.

Nhìn vườn cây, tôi hiểu được bao nhiêu tâm tư, tình cảm của ông đều gửi gắm vào cây. Ông chỉ và giải thích cho tôi những thế cây tiêu biểu như: thế ngũ phúc là cây có bốn cành một ngọn năm tán, mỗi tán chìa ra một hướng, dáng cây là biểu tượng của năm điều (Phúc, Lộc, Thọ, Khang, Ninh), thế huynh đệ là cây có một gốc hai thân, độ to nhỏ gần bằng nhau, kề sát nhau. Mỗi thân có năm tán đan xen nhau, ngọn cây nhỏ ngả sang cây lớn biểu hiện sự âu yếm, tình ruột thịt.

Còn rất nhiều thế cây trong vườn nhà ông mà dân chơi cây cảnh vẫn gọi như: thế long ẩn, thế lão mai, thế phượng vũ long, thế long giáng, thế tứ quý, thế tam đa... với những thân hình uyển chuyển lúc thăng, lúc giáng, lúc trực, lúc siêu... Mỗi cây một dáng vẻ khác nhau, được quần tụ trong một không gian xanh bao la lộng lẫy. Ngoài những cây mà dân chơi cây cảnh rất chuộng và được xếp vào bộ "Tam đa" như cây sung (Phúc), cây lộc vừng (Lộc), cây vạn tuế (Thọ), còn có rất nhiều cây như ổi, mít, sanh, si... mà giá của nó từ... vài triệu đồng đến hàng chục triệu đồng mỗi cây!

Tôi hỏi ông: Căn cứ vào đâu để định giá trị của cây? Ông Phiến nói: "Căn cứ vào dáng cây, loại cây, tuổi cây để định giá". Tuổi cây càng cao thì càng quý, gốc càng to thì chứng tỏ: cây càng nhiều tuổi và đặc biệt nếu gốc có nhiều rễ nổi, rễ sum suê thì giá trị càng cao". Tôi ngước mắt nhìn vườn cây của ông, nếu nhẩm tính nhanh cũng lên đến... bạc tỷ?

Có rất nhiều dân chơi cây cảnh đã tìm đến ông Phiến để được chiêm ngưỡng, ngắm nhìn và học hỏi kinh nghiệm của ông. Cũng đã có không ít người gạ ông Phiến "sang tên" cho họ một số cây quý, nhưng ông... chỉ cười! Ông nói: "Con người tạo dựng và chơi cây cảnh cũng giống như tạo dựng cuộc đời, tâm hồn, trí tuệ của mình. Nó giúp ta hướng tới cái đẹp, cái thiện. Chỉ có thể chiêm ngưỡng, ngắm nhìn, chứ không thể... mua bán, trao đổi được!"

Chính ông không ngờ rằng, có một ngày, người ta lại biết đến ông và gọi ông là "đại gia" cây cảnh. Đấy cũng là lúc chính ông Phiến nhận ra: Cây là một phần máu thịt, là hơi thở trong cuộc sống và tâm hồn ông.



Nguồn: www.dddn.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường