Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
TP Hồ Chí Minh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp
12 | 09 | 2007
Bên cạnh thế mạnh về công nghiệp, thương mại, dịch vụ, TP Hồ Chí Minh còn có vùng nông thôn hết sức phong phú và đa dạng về thổ nhưỡng, ngành nghề, lao động, nơi sinh sống của gần hai triệu dân; đồng thời là nơi bảo đảm môi sinh và cân bằng sinh thái cho một đô thị lớn.
Kết quả bước đầu

TP Hồ Chí Minh có vùng nông nghiệp, nông thôn ngoại thành khá lớn, chiếm 50% diện tích tự nhiên của thành phố. Tuy chỉ chiếm 1% GDP của kinh tế thành phố, nhưng nông nghiệp, nông thôn ngoại thành có tầm quan trọng đặc biệt. Ðây là căn cứ kháng chiến, là vùng nghèo, nơi sinh sống của gần hai triệu người làm nông nghiệp, chịu bao đau khổ trong suốt 30 năm chiến tranh, trong đó biết bao gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình chính sách, người có công.

Trước yêu cầu mở rộng thành phố, đô thị hóa, nông nghiệp ngoại thành đã chuyển sang sản xuất nông sản hàng hóa có giá trị kinh tế hướng tới nền nông nghiệp sinh thái và kỹ thuật cao, phù hợp với chiến lược phát triển đô thị văn minh, hiện đại, bền vững về môi trường. Với định hướng đúng đắn đó, mấy năm qua, nông thôn ngoại thành đã có những đổi thay lớn lao; chính người nông dân sinh sống hằng ngày ở đây và bà con xa xứ trở về thăm lại vùng quê không khỏi ngỡ ngàng. Ðã lùi xa về dĩ vãng một vùng nông thôn ngoại thành với hàng vạn ha đất hoang hóa, đầy rẫy mìn, bom, hàng rào kẽm gai. Ðã lùi xa cảnh nông thôn là một "vành đai trắng" nơi đất thép Củ Chi, rừng sát Cần Giờ, vùng bưng phèn Láng Le Bình Chánh bặt tiếng chim muông.

Thành tựu nổi bật nhất, quyết định nhất đối với nông nghiệp thành phố là sự chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng nông nghiệp hàng hóa, năng suất cao, phát triển bền vững...

Không giống như vùng nông nghiệp trù phú thẳng cánh cò bay của đồng bằng sông Cửu Long, đất nông nghiệp TP Hồ Chí Minh có hơn 50% là đất phèn mặn và gần 20% là đất xám, không thuận lợi phát triển nông nghiệp. Diện tích đất nông nghiệp thành phố giảm liên tục suốt 10 năm qua, mỗi năm khoảng 1.000 ha do quá trình đô thị hóa. Trong khi đó, diện tích đất trồng trọt vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất (66% tổng diện tích) lại chủ yếu trồng lúa năng suất thấp. Qua thống kê nhiều năm liền cho thấy, trồng lúa ở đất nông nghiệp TP Hồ Chí Minh thì đưa lại năng suất thấp nhất (6,76 triệu đồng/ha/năm); trong khi đó, trồng cây công nghiệp năng suất gấp 4 lần, cây rau gấp 5 lần, cây hằng năm gấp 13 lần và nuôi tôm sú gấp 20 lần. Thành phố đã đề ra chủ trương chuyển một phần đất nông nghiệp nhiễm mặn, độc canh cây lúa năng suất thấp sang nuôi trồng các loại cây, con có giá trị kinh tế cao. Thí dụ, vùng rau sạch an toàn 9.000 ha đã hình thành, thu nhập hơn 100 triệu đồng/ha/năm. Ðặc biệt ấn tượng là sự chuyển dịch từ cây lúa năng suất thấp sang nuôi thủy sản nhất là nuôi tôm sú. Năm năm qua diện tích trồng lúa giảm 30.000 ha (38,6%). Nhà Bè, Cần Giờ có đất nông nghiệp nhiều nhất, năng suất lúa lại thấp nhất (2 tấn/ha) đã đi đầu trong việc chuyển sang nuôi tôm. Diện tích nuôi trồng thủy sản tăng từ 1.900 ha (năm 2000) lên gần 6.000 ha đưa lại giá trị sản lượng thủy sản tăng 796%. Ngoài ra, còn có 60 cơ sở ươm giống, sản xuất tôm giống tại huyện Nhà Bè, Cần Giờ, cung cấp giống cho thành phố và các tỉnh bạn.

Phong trào nuôi bò sữa ở thành phố những năm qua cũng phát triển mạnh, hiện có hơn 59 nghìn con, chiếm 60% tổng số đàn trong cả nước. Phần lớn các hộ nuôi bò sữa ở quy mô hợp lý, đưa lại lợi nhuận cao (quy mô năm con/hộ cho lợi nhuận 80 triệu đồng/năm).

Ngoài ra còn phát triển ngành nghề mới cây - hoa - cá cảnh đưa lại lợi nhuận khá cao. TP Hồ Chí Minh không chỉ là trung tâm sản xuất hoa - cây cảnh lâu năm mà còn là thị trường tiêu thụ hoa - cây cảnh lớn nhất nước với diện tích 1.000 ha. Mỗi năm, TP Hồ Chí Minh xuất khẩu hoa cảnh đạt doanh thu hàng nghìn tỷ đồng. Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế và giao lưu văn hóa thì hoa, cây cảnh Việt Nam đã trở thành hàng hóa và thật sự trở thành một nghề trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn TP Hồ Chí Minh.

Ngoài cây cảnh, hoa cảnh thì TP Hồ Chí Minh còn được xem là trung tâm sản xuất, xuất nhập khẩu cá cảnh lớn nhất nước với hơn 500 hộ sản xuất, cho năng suất khoảng gần 40 triệu con cá cảnh/năm, tập trung ở địa bàn các quận 8, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh. Nghề nuôi cá cảnh ở TP Hồ Chí Minh đã phát triển mạnh vài năm trở lại đây. Nhiều hộ nuôi cá cảnh thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Ngoài tiêu thụ trong nước thì cá cảnh Việt Nam đã vươn ra thị trường thế giới, doanh thu hằng năm đạt hơn 5 triệu USD. Thành phố đã quy hoạch phát triển nghề cây cảnh - hoa cảnh - cá cảnh từ khâu sản xuất, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm. Từ nay đến năm 2010, thành phố phấn đấu doanh thu cây cảnh - hoa cảnh chiếm tỷ trọng 10-15% thu nhập của nông nghiệp thành phố, nghề nuôi cá cảnh đạt kim ngạch xuất khẩu 50 triệu USD.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp đã tạo ra vùng nông nghiệp sinh thái như vùng lúa cao sản Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, vùng rau cao cấp Hóc Môn - Củ Chi, vùng cây ăn trái dọc sông Sài Gòn, Ðồng Nai, vùng nuôi bò sữa tập trung ở Củ Chi - Hóc Môn, vùng nuôi trồng thủy sản Cần Giờ.

Cần giải pháp đồng bộ

Tuy nhiên, chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp còn chậm và thiếu ổn định, chưa thoát khỏi độc canh và thuần nông. Cây lúa vẫn chiếm 72% diện tích gieo trồng (rau 13,9%, cây công nghiệp 11,5%). Nếu tính nông dân đang trồng các loại cây có năng suất thấp (dưới 26 triệu đồng/ha/năm) thì diện tích các loại cây này còn chiếm tới 82% tổng diện tích gieo trồng và 60% số hộ nông dân tham gia. Tác động của một thành phố trung tâm công nghiệp lớn để thúc đẩy sự phát triển vùng nông nghiệp và nông thôn ngoại thành chưa tương xứng. Công nghiệp nhất là công nghiệp chế biến, tiểu thủ công nghiệp, cụm công nghiệp, thương mại dịch vụ phát triển còn chậm, còn chiếm tỷ lệ nhỏ trong kinh tế nông nghiệp thành phố. Chậm chuyển dịch lao động nông nghiệp sang các ngành khác nhất là ở khu vực đô thị hóa. Ðội ngũ lao động nông nghiệp chưa được đào tạo để bổ sung cho lực lượng lao động công nghiệp, dịch vụ của thành phố. Khoảng cách về các điều kiện sinh sống của nhân dân nội thành và ngoại thành chưa được thu hẹp, khoảng cách giàu nghèo giữa nội thành và ngoại thành đang có chiều hướng tăng lên.

Bước vào thời kỳ mới, thành phố tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, cải thiện đời sống, nâng cao trình độ văn hóa, xây dựng nếp sống mới phù hợp quá trình đô thị hóa ngày càng mạnh mẽ. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thủy sản tiếp tục chuyển dịch theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất tập trung tạo ra những nông sản chủ lực của thành phố với khối lượng hàng hóa lớn, phù hợp điều kiện đô thị.

Ðể thực hiện được mục tiêu nêu trên, thành phố vạch lộ trình từng bước ưu tiên hình thành các vùng sản xuất giống cây, giống con chất lượng cao của khu vực Nam Bộ, gắn chọn giống, tạo giống, bình tuyển giống với thị trường tiêu thụ. Cơ cấu sản phẩm nông nghiệp cũng ưu tiên chuyển dịch từ sản phẩm hàng hóa sang sản phẩm giống cây, giống con, tăng diện tích rau sạch phục vụ tiêu thụ trong thành phố và các khu công nghiệp. Tăng khối lượng hàng hóa cây cảnh, hoa cảnh, cá cảnh phục vụ xuất khẩu. Xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp làm dịch vụ du lịch sinh thái phục vụ nghỉ ngơi giải trí của người dân nội thành và du khách, giúp nông dân làm giàu tại chỗ.

Bài toán cấp bách đối với nông nghiệp thành phố là trong năm năm tới, chuyển đổi 24 nghìn ha đất trồng lúa hiệu quả thấp sang nuôi trồng các loại cây, con hiệu quả kinh tế cao hơn. Giải pháp cơ bản là phát triển các dịch vụ công để cung cấp thông tin về thị trường, thú y, bảo vệ thực vật, hỗ trợ cho nông dân nâng cao hiệu quả kinh doanh, giảm rủi ro. Trong điều kiện các hộ canh tác có diện tích ruộng nhỏ, để nâng cao sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa, trước hết cần áp dụng kỹ thuật mới, nâng cao trình độ lao động của nông dân, sao cho nhiều hộ có cùng một sản phẩm, cùng một kỹ thuật canh tác, cùng thu hoạch, cùng đưa ra thị trường nhất là có đủ hàng cho những đơn hàng xuất khẩu. Thành phố cần đầu tư phát triển khoa học công nghệ gắn với đào tạo nguồn nhân lực làm cơ sở bảo đảm cho sản xuất nông nghiệp đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao. Ðó là điều kiện không thể thiếu để nông dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Phát triển nghề cây - hoa - cá cảnh là mũi chiến lược trong tổng thể quy hoạch phát triển nói riêng và kinh tế thành phố nói chung. Từ đó có chế độ chính sách đối với ngành này, đưa ngành cây - hoa - cá cảnh phát triển ngang tầm với các nước trong khu vực, tham gia thị trường thế giới. Nhu cầu trong nước và xuất khẩu cây - hoa - cá cảnh là rất lớn, tiềm năng phát triển còn nhiều; chương trình cây - hoa - cá cảnh nếu thực hiện tốt sẽ thúc đẩy phát triển một ngành nghề mới mang đậm nét văn hóa dân tộc.


(Nguồn: Nhân dân)
Báo cáo phân tích thị trường