Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nắm chắc bán buôn, sẽ khống chế được thị trường
05 | 06 | 2008
Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, ông Vũ Vinh Phú cho rằng việc buông lỏng quản lý ở khâu bán buôn đang tạo sự đứt đoạn của hệ thống phân phối, sự thiếu minh bạch và bất hợp lý của giá cả thị trường.
“Buông” bán buôn

Ba tiêu chuẩn về phân phối để có thể khống chế được thị trường nói chung và thị trường bán lẻ nói riêng - theo ông Phú: thứ nhất là lực lượng phải tương đối áp đảo, ít nhất chiếm 50-60% thị phần; thứ hai là phải tổ chức mua hàng tận gốc; thứ ba là khi có biến động phải tung ra đúng thời điểm.

Thực tế, về lực lượng thị trường thì hiện nay chiếm xấp xỉ 90% vẫn là các kênh phân phối truyền thống như chợ, bách hoá, cửa hàng, bán rong. Còn mạng lưới chuyên nghiệp là các siêu thị, trung tâm thương mại hiện mới chiếm từ 10-12% trong phân phối bán lẻ.

 

Trong khi không còn cơ quan vật giá ở các địa phương mà các đơn vị quản lý thị trường thường chỉ tập trung vào việc chống buôn lậu nên việc quản lý về bán buôn, về số lượng, giá cả hàng hoá hiện nay gần như bỏ trống, buông lỏng.

Ông Phú lấy ví dụ thị trường xi măng. Với phương thức mua đứt bán đoạn cho các đại lý cấp 1, cấp 2 mà không có sự quản lý chặt chẽ từ sản xuất đến chân công trình đang là một bất cập lớn. Giá cả thị trường sẽ lên ngay lập tức nếu các đại lý này đồng loạt găm hàng.

Mua bán kiểu “ú tim”

Bờ đê khu vực Chương Dương - Bác Cổ là nơi giao dịch mua bán các loại cá, tôm tép… từ ngoại tỉnh vào Hà Nội. Tại đây, tư thương mua toàn bộ hàng rồi đưa vào chợ Long Châu (quận Ba Đình) bán chênh lệch từ 50-70.000 đồng/kg tôm…

Hiện tượng này theo ông Phú, chỉ là một quan sát dễ thấy nhất về sự lợi dụng thao túng, chi phối giá cả thị trường của các đầu mối bán buôn, dẫn tới cả người sản xuất và người tiêu dùng đều chịu thiệt.

Điều đáng nói là, việc ép giá của các thương lái, sự mập mờ, thiếu công khai minh bạch trong mua bán, giao dịch giữa các đầu mối phân phối lớn với bên sản xuất đang trở nên phổ biến.

Ngay cả ở lĩnh vực siêu thị hiện nay cũng có hiện tượng: siêu thị lớn thì ép giá nhà cung cấp, siêu thị nhỏ thì bị nhà cung cấp ép giá. Cùng với đó, vấn đề chiết khấu hàng hoá tại đây cũng rất đáng báo động.

Ở nước ngoài, phân phối hàng trong siêu thị có quy định rõ: giá mua + chiết khấu hợp lý = giá bán ra. Nếu nhà phân phối “ăn” chiết khấu 20% là đã rất nguy hiểm và thiệt cho người tiêu dùng rồi nhưng ở ta hiện nay, chiết khấu hàng vào những siêu thị lớn có khi lên đến 30%, ông Phú nói.

Phải để sản xuất và tiêu dùng gặp nhau

Mô tả ảnh.
Chợ đầu mối hoa quả khu vực Long Biên là "đầu vào" lớn nhất của hoa quả cho thị trường Hà Nội - Ảnh: N.N

Ông Alain Cany - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Unicham) trong lần trao đổi về các giải pháp chống lạm phát ở nước ta cách đây chưa lâu đã nhận xét, hệ thống bán lẻ, từ sản xuất đến mua hàng tại VN chưa minh bạch. Giá cả tăng do có quá nhiều trung gian trong cung cấp hàng hoá tiêu dùng.

Từ đó, ông đề nghị, cần phải mở ra những nơi, có những cách để người sản xuất và người tiêu dùng có thể gặp gỡ nhau. Có như vậy giá cả mới hợp lý và người tiêu dùng mới có lợi hơn.

Đồng quan điểm trên, ông Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng, phải tổ chức, thiết lập lại hệ thống phân phối đồng thời mở rộng các chuỗi siêu thị đảm bảo hàng từ nhà máy, trang trại, vùng nguyên liệu phải được đưa thẳng đến các điểm bán lẻ.

Mà trước hết, Hà Nội cần tận dụng được mạng lưới phân phối của các tổng công ty nhà nước, trong đó hiện có hàng trăm điểm bán lẻ của Tổng Công ty Lương thực cắm chân rết tại các phường, quận mà đến nay, khoảng 30% số này đang để cho thuê, liên doanh hay kinh doanh các mặt hàng sai mục đích, ngoài lương thực thực phẩm.

Cùng với đó, Nhà nước cần đầu tư cho ra đời các sàn giao dịch nông sản, thực phẩm. Sự công khai, minh bạch trong giao dịch tại đây, đảm bảo lập tức giá cả sẽ xuống.

Đừng bắt DN làm kinh tế lẫn với chính trị

Với quan điểm “không có dự trữ thì đừng nói là lưu thông bình thường”, ông Phú cho rằng, việc dự trữ, xây dựng quỹ hàng hoá đủ mạnh cho các trường hợp đột biến là nhiệm vụ của Nhà nước.

“Cái nào dự trữ chiến lược thì giao các tổng công ty nhà nước đảm nhiệm, quản lý chặt chẽ, còn cái nào kinh doanh, phải để DN tự cân đối. Còn không thể cấm DN không được tăng giá nếu họ hạch toán đầy đủ mà vẫn không chịu nổi giá thành.

Chỉ cấm việc tăng giá bất hợp lý, các loại đầu cơ, đầu nậu lớn. Mà ở đây, vai trò điều tiết, quản lý, kiểm tra, kiểm soát của Bộ Công thương, UBND các tỉnh, thành phố phải đóng vai trò nhạc trưởng” - ông Phú nhấn mạnh.



Nguồn: VietNamNet
Báo cáo phân tích thị trường