Danh mục lĩnh vực cấm và hạn chế đầu tư là nội dung được các nhà đầu tư nước ngoài hiện đang rất quan tâm. Ông có thể nói rõ hơn về những lĩnh vực kinh doanh mà nhà đầu tư nước ngoài bị hạn chế?
Thực ra, danh mục hạn chế đầu tư nước ngoài đã được khống chế ngay tại Nghị định 108/2006/NĐ-CP ngày 22/09/2006. Những lĩnh vực này gọi là lĩnh vực đầu tư có điều kiện. Có 14 lĩnh vực trong đó có ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông, các dịch vụ liên quan đến tài chính, hàng hải, quảng cáo, kinh doanh bất động sản... được quy định hạn chế đối với nhà đầu tư nước ngoài. Những lĩnh vực này hoàn toàn phù hợp với cam kết của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng như trong hiệp định song phương.
Trong hạn chế đầu tư nước ngoài có hai mảng. Một là những danh mục đó được mô tả những điều kiện cụ thể. Ví dụ như lĩnh vực hàng hải khống chế nhà đầu tư nước ngoài không được sở hữu quá 49%. Còn lĩnh vực bảo hiểm, chúng ta chỉ quy định đối với đầu tư 100% vốn nước ngoài và khống chế bằng định lượng, tức là chúng ta cho quota về hình thức đó.
Hoặc ở ngành viễn thông, mức khống chế liên quan đến lĩnh vực kinh doanh về đường trục, trong đó nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu không quá 51%. Như vậy, chúng ta kiểm soát và bảo hộ cho các nhà đầu tư trong nước đối với những ngành đó.
Mảng thứ hai trong danh mục đó lại không mô tả điều kiện cụ thể. Điều đó có nghĩa là Nhà nước dựa vào chiến lược và quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội để có thể cho mở hoặc không mở cho nhà đầu tư nước ngoài. Tôi lấy ví dụ như lĩnh vực dầu khí và khai khoáng. Chúng ta không đưa ra một điều kiện gì. Cho nên những lĩnh vực đó chúng ta chỉ cam kết nền, chung, trọn gói và không bị trói bởi cam kết quốc tế.
Liệu khi không đưa ra những yêu cầu cụ thể như thế sẽ tạo ra kẽ hở để cơ quan cấp phép dựa vào đó có thể có những đòi hỏi thêm từ doanh nghiệp?
Nếu chúng ta cam kết ngay thì vô hình chung sẽ tự làm mất đi quyền được bảo lưu của mình. Do đó có một số lĩnh vực Việt Nam không đưa ra điều kiện cụ thể nào, trừ vấn đề trong quá trình đàm phán WTO bắt buộc phải đưa ra như mức sở hữu 49%, hợp đồng hợp tác kinh doanh, không kinh doanh mạng đường trục, hay lĩnh vực tiếp cận thị trường thì Việt Nam khống chế. Còn lĩnh vực khác, hệ thống pháp luật có thể bổ sung, sửa đổi.
Đối với việc không mô tả điều kiện cụ thể khiến cho nhà đầu tư nghĩ rằng điều đó tạo ra kẽ hở trong giải quyết thủ tục hành chính thì chúng tôi cho đó là một phương diện khác. Còn đấu tranh chống tham nhũng, cải cách hành chính chúng ta sẽ sử dụng biện pháp khác chứ không phải vì thế mà bỏ đi một trận địa, bỏ đi cơ hội của mình. Bởi vì không phải chúng ta bảo lưu cho doanh nghiệp nhà nước mà ở đây là bảo lưu quyền lợi của Việt Nam. Trong các lĩnh vực như ngân hàng, dầu khí,... thường thì yếu tố công nghệ, trình độ quản lý đóng vai trò quan trọng nhưng chúng ta lại hạn chế nhà đầu tư nước ngoài có tỉ lệ sở hữu lớn.
Điều đó có vô hình chung làm cho quá trình cổ phần hoá không mang tính thực chất?
Để tạo ra sự cạnh tranh không nhất thiết phải có sự đầu tư của nước ngoài. Thực tế, có một số lĩnh vực chúng ta đã tạo được cạnh tranh. Lĩnh vực ngân hàng liên quan đến đầu tư tài chính thì mình phải nắm một phần để đảm bảo an ninh tài chính hay như dầu khí để đảm bảo an ninh về năng lượng. Tất cả đòi hỏi chúng ta phải tính toán kỹ lưỡng.
Đối với trường hợp doanh nghiệp hoạt động đa ngành nghề thì việc áp dụng danh mục các lĩnh vực doanh nghiệp nước ngoài có thể tham gia sẽ như thế nào?
Cái đó phải tính. Nếu như thị phần lĩnh vực đó chiếm phần lớn thì có thể coi đó là lĩnh vực chính. Bên cạnh đó, chúng ta có Luật Cạnh tranh, theo đó nếu nhà đầu tư nước ngoài mua lại một doanh nghiệp mà chiếm tới 50% thị phần trên thị trường thì sẽ bị hạn chế, không cho phép.
Như vậy có thể hiểu là cơ quan chức năng sẽ chọn ngành chủ lực của doanh nghiệp và quy định mức độ hạn chế theo ngành nghề đó?
Chắc chắn là phải như thế.
Ông có thể cho biết danh mục các lĩnh vực cấm và hạn chế đầu tư sớm nhất bao giờ sẽ có?
Danh mục chúng tôi hiện nay đang cho dịch và điều quan trọng là phải dịch thống nhất giữa các bộ, ngành. Chắc chỉ một tháng nữa bởi vì nhà đầu tư đang trông chờ.