Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Gia nhập WTO: Đánh giá những tác động
06 | 09 | 2007
Gia nhập WTO, Việt Nam đã chấp nhận thực hiện các cam kết mở cửa thị trường và các quy định, luật lệ WTO. Tuy nhiên, do mức độ cam kết cũng như khả năng cạnh tranh khác nhau nên cơ hội và thách thức đối với từng nhóm hàng hoá và từng ngành dịch vụ của Việt Nam khác nhau.
Gia nhập WTO, Việt Nam đã chấp nhận thực hiện các cam kết mở cửa thị trường và các quy định, luật lệ WTO. Tuy nhiên, do mức độ cam kết cũng như khả năng cạnh tranh khác nhau nên cơ hội và thách thức đối với từng nhóm hàng hoá và từng ngành dịch vụ của Việt Nam khác nhau.

Đánh giá tác động của việc gia nhập nhằm đưa ra các khuyến nghị đang là yêu cầu bức thiết hiện nay. Chúng tôi xin giới thiệu đến độc giả những kết quả đánh giá bước đầu của các chuyên gia trong nước và chuyên gia tư vấn quốc tế trong lĩnh vực hội nhập về tác động của việc Việt Nam gia nhập WTO, cũng như những khuyến nghị của họ nhằm tận dụng tốt nhất những cơ hội mà WTO đem lại.

Do vấn đề được đề cập trong khuôn khổ một số báo nên những ý kiến được giới thiệu chỉ phản ánh ở một số khía cạnh tác động liên quan đến cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam, môi trường thương mại, các quy định về kinh tế phi thị trường, về an toàn thực phẩm.

Gia tăng xuất khẩu sản phẩm có lợi thế cạnh tranh

(Ông Vũ Bá Phú, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Công Thương)

"Với tư cách là thành viên của WTO, hàng hoá và dịch vụ xuất khẩu của Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn chủ yếu là do những hỗ trợ trực tiếp có tính trợ cấp của Chính phủ sẽ phải hạn chế sử dụng. Vì vậy, cơ cấu hàng xuất và dịch vụ xuất khẩu của Việt Nam phải chuyển dịch trên định hướng của Chính phủ, lợi thế so sánh, nhu cầu của thị trường thế giới và xu hướng dịch chuyển sản xuất giữa các khu vực trên thế giới.

Dựa vào những căn cứ đã nêu ở trên, trong giai đoạn đến 2010, cần có những chính sách tập trung phát triển xuất khẩu những hàng hoá và dịch vụ như sau. Đối với nhóm hàng hoá sản phẩm công nghiệp và chế biến cần tập trung nâng cao kim ngạch xuất khẩu những sản phẩm dưới đây:

Sản phẩm điện tử và máy tính là nhóm sản phẩm có thể sản xuất với quy mô lớn, tận dụng nguồn nhân lực dồi dào có chi phí thấp nhưng đáp ứng được yêu cầu của ngành để phục vụ xuất khẩu. Cơ cấu sản phẩm trong nhóm này cũng cần tập trung vào các sản phẩm tinh vi, có hàm lượng giá trị tăng và giá trị xuất khẩu cao như: chip điện tử, màn hình tinh thể lỏng, tivi plasma... Để sản xuất ra các sản phẩm này đòi hỏi các dự án phải có vốn đầu tư lớn, máy móc thiết bị hiện đại, vì vậy để thực hiện định hướng này đòi hỏi phải dựa vào các dự án vốn FDI.

Sản phẩm dệt may, da giày là sản phẩm Việt Nam có thể thực hiện được các đơn hàng đòi hỏi mức độ tinh xảo cao. Chính vì vậy cơ cấu của nhóm sản phẩm này cần chuyển sang tập trung vào khâu thiết kế, các đơn hàng giá FOB và phát triển các dự án sản xuất nguyên, phụ liệu ở trong nước để hạ giá thành, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu.

Cần phát triển đồ nội thất, dụng cụ nhà bếp, cặp, túi xách và các đồ gia dụng khác thuộc nhóm dệt may và giày dép.

Thực phẩm chế biến cần tập trung giải quyết một số hạn chế cơ bản của ngành đó là công nghệ chế biến, PR và marketing cho sản phẩm, và một trong những giải pháp cơ bản đó là thu hút nhiều hơn nữa các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất, chế biến thực phẩm xuất khẩu.

Nhóm sản phẩm phần mềm là sản phẩm rất đa dạng từ thiết kế các siêu vi mạch, gói phần mềm ứng dụng chuẩn hoá đến phần mềm kinh doanh theo yêu cầu của khách hàng và phần mềm công nghiệp sử dụng trong các nhà máy... Để kim ngạch xuất khẩu sản phẩm này được nhanh chóng nâng cao cần cải thiện một số hạn chế hiện nay là ngoại ngữ và trình độ quốc tế hoá của các lập trình viên.

Đối với hàng thủ công mỹ nghệ, trong thời gian ngắn và trung hạn việc lựa chọn sản xuất và xuất khẩu mặt hàng này là một trong những lựa chọn tối ưu của nước ta. Do vậy, khâu thiết kế và kiểu dáng sản phẩm cần bắt nhịp được nhu cầu của thị trường.

Nhóm hàng nông, lâm và thuỷ sản, về cơ bản, cơ cấu hàng xuất khẩu theo định hướng của Chính phủ đến năm 2010 đã khá hợp lý. Khuyến nghị về chuyển đổi cơ cấu đối với nhóm này chủ yếu là tập trung nâng cao hàm lượng chế biến, đồng thời giảm tối đa hàm lượng xuất khẩu thô đối với nhóm sản phẩm này.

Trong lĩnh vực dịch vụ, căn cứ vào những lợi thế so sánh hiện tại, định hướng phát triển ngành của Chính phủ và lộ trình mở cửa thị trường dịch vụ với WTO, trong số danh mục định hướng xuất khẩu dịch vụ của Chính phủ, giai đoạn tới cần tập trung đẩy mạnh xuất khẩu các dịch vụ sau: vận tải hàng không phấn đấu giai đoạn 2006-2010 đạt kim ngạch xuất khẩu trên 17%/năm. Điều kiện để có thể đạt được mục tiêu đối với ngành dịch vụ này là phải nâng cao sức cạnh tranh và xây dựng, quảng bá rộng rãi thương hiệu của ngành.

 


Nguồn: vneconomy
Báo cáo phân tích thị trường