Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
“Quyết định 28 giúp nhà máy đường có lãi”
22 | 06 | 2007
“Quyết định 28 giúp nhà máy đường có lãi”: Phỏng vấn ông Diệp Kỉnh Tần, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Thứ trưởng đánh giá thế nào về thông tin sau niên vụ 2006-2007 đã có hơn 90% doanh nghiệp mía đường hoạt động có lãi sau một thời gian dài thua lỗ?

Hiện nay tôi chưa có số liệu đầy đủ về kết quả hoạt động kinh doanh của 36 nhà máy đường trong niên vụ 2006-2007, song con số 90% nhà máy đường có lãi là chắc chắn.

Tôi đã đến nhiều nhà máy đường, thăm dò và nắm tình hình, bình quân mỗi nhà máy công suất 1.000-1.500 tấn mía/cây và đủ nguyên liệu thì lãi từ 10-15 tỷ đồng, cá biệt có nhà máy lãi 30-40 tỷ đồng. Một số nhà máy có khó khăn về tài chính là do chưa được xử lý theo Quyết định 28, cơ cấu lại tài chính để cổ phần hóa, do đó dù phát triển sản xuất cỡ nào đi nữa thì cũng vẫn thua lỗ.

Ví dụ Nhà máy Đường Sơn La năm nay công suất hoạt động đạt tới 180%, nhưng vẫn lỗ, vì tất cả đều là vốn vay và chịu áp lực lãi suất ngân hàng rất lớn.

Nguyên nhân chính dẫn tới kết quả hoạt động khả quan của các nhà máy đường thời gian qua là gì, thưa Thứ trưởng?

Năm nay là năm thứ ba ngành mía đường Việt Nam đã hoạt động có lãi, nguyên nhân cơ bản là do ngành đường đã thực hiện theo Quyết định 28 của Thủ tướng Chính phủ về cổ phần hóa, tạo cơ chế thông thoáng để các nhà máy đường hoạt động.

Đặc biệt năm nay, giá đường bình quân tại Việt Nam so với khu vực chênh lệch ít, chính vì vậy nạn buôn lậu đường năm qua không nhiều so với năm trước.

Bên cạnh đó cũng cần phải nhấn mạnh đến sự phát triển mạnh mẽ của các vùng mía nguyên liệu với diện tích tăng lên 20% đã đảm bảo cho hoạt động của 36 nhà máy đường đạt hơn 93% công suất thiết kế.

Xin Thứ trưởng nói rõ hơn hiệu quả của tiến trình cổ phần hóa các nhà máy đường theo Quyết định 28 của Thủ tướng Chính phủ?

Có thể nói, nếu không có Quyết định 28 chắc là ngành mía đường sẽ sụp đổ. Cho tới niên vụ 2006-2007, trong 36 nhà máy đường đang hoạt động có 32-33 nhà máy liên tục 3 năm sản xuất có hiệu quả. Đặc biệt, trong bối cảnh giá đường trước kia có khi lên tới 9.000 đồng/kg mà nhiều nhà máy vẫn kêu lỗ trong khi và giá đường năm nay xuống còn 6.300 đồng/kg nhưng các nhà máy thực sự có lãi.

Chúng tôi cũng theo dõi các nước trong khu vực thấy giá thành đường của chúng ta cao hơn các nước trong khu vực không đáng kể, ví như giá của họ khoảng 5.000 đồng/kg thì giá chúng ta hơn 5.500/kg một tý. Nếu tổ chức quản trị nhà máy hợp lý, mở rộng công suất chúng ta sẽ hạ được giá thành xuống thấp như Thái Lan, giữ vững được thị trường trong nước.

Theo cam kết khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thuế nhập khẩu đường sẽ giảm xuống mức 0% trong 5 năm nữa nhưng với tình hình hiện nay, tôi tin rằng các nhà máy đường có thể tồn tại được.

Để hoạt động hiệu quả hơn nữa, nhiều nhà máy đường đề nghị tiếp tục giảm tỷ trọng vốn Nhà nước trong doanh nghiệp, ý kiến của Thứ trưởng về vấn đề này ra sao?

Chủ trương của Chính phủ là cổ phần hóa các nhà máy đường, Nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối, thậm chí không giữ cổ phần. Hầu hết những nhà máy đường thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý (nằm trong 2 Tổng công ty) chúng tôi chỉ nắm giữ 30% và các nhà máy này cũng được khuyến khích nếu bán được thì bán đi.

Bộ cũng khuyến cáo các địa phương không nên chi phối các nhà máy đường mà nên bán cổ phần cho các nhà đầu tư, đấu giá công khai.

Vậy những nhà máy đường còn lại đang hoạt động thua lỗ sẽ được giải quyết ra sao, thưa Thứ trưởng?

Hiện cả nước còn 8 công ty mía đường đang phải sắp xếp, trong đó, có 4 công ty đủ điều kiện để sắp xếp cổ phần hóa, 3 công ty tình hình rất khó khăn. Trong số này, 2 công ty đã thực hiện qua công ty mua bán nợ, sau đó sẽ cổ phần hóa là Nhà máy đường Thới Bình, Kon Tum và Sơn La. Nếu được xử lý xong vấn đề nợ và tiến hành cổ phần hóa, các công ty này sẽ phát triển được nhờ sẵn có vùng nguyên liệu tương đối ổn định.

Một công ty có thể bán hoặc phá sản, đó là Mía đường Kiên Giang do nguyên liệu khó khăn và hoạt động không mấy hiệu quả trong mấy năm nay, niên vụ 2006-2007 cũng đóng cửa, không hoạt động.

VnEconomy

Báo cáo phân tích thị trường