Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giấy "thông hành" cho vú sữa Lò Rèn
19 | 06 | 2008
Mới đây, vú sữa Lò Rèn (Vĩnh Kim, Tiền Giang) đã được cấp giấy chứng nhận Global GAP (thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu) - chứng nhận trên phạm vi toàn cầu về chất lượng và an toàn thực phẩm.

Dự kiến sẽ có thêm nhiều loại trái cây được cấp giấy chứng nhận.

Tưởng khó...!

Từ cuối năm 2007 đến nay, được sự tài trợ kinh phí của Metro Cash & Carry VN và hỗ trợ kỹ thuật của Sở Khoa học - công nghệ Tiền Giang, 33 hộ nông dân trồng vú sữa thuộc HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim bắt đầu tham gia mô hình sản xuất theo qui trình Global GAP. Nửa năm sau chỉ còn 19 hộ (trồng 7ha vú sữa) chấp nhận đi theo con đường sản xuất tiên tiến. Số còn lại "rơi rụng" vì không thể thực hiện nổi 236 yêu cầu khắt khe của Global GAP.

Ông Đoàn Văn Mỹ ở ấp Thạnh Hòa, xã Long Hưng (huyện Châu Thành, Tiền Giang), nói: "Mới đầu tôi nghĩ sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế rất khó khăn, nhưng làm rồi mới thấy hấp dẫn, muốn bỏ cũng không được". Ông Mỹ nói sản xuất theo Global GAP hiểu một cách đơn giản và đầy đủ nhất là: đảm bảo chắc chắn vú sữa của mình an toàn cho người tiêu dùng, cho bản thân người sản xuất, cho môi trường và có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng".

An toàn cho mọi người

Ông Andrew Keenan, tổng giám đốc Công ty SGS VN, cho biết giấy chứng nhận cấp cho HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim được công nhận bởi Joint Accreditation Scheme of Australia and New Zealand (JAS-ANZ) có giá trị toàn cầu.

Metro xác định ĐBSCL là trọng điểm và đang tiếp tục hỗ trợ ba đơn vị khác thực hiện dự án Global GAP là: HTX bưởi Mỹ Hòa (Vĩnh Long), xoài cát Hòa Lộc ở Nông trường Sông Hậu (TP Cần Thơ) và sản phẩm rau an toàn của HTX Nhuận Đức (TP.HCM).

Để đáp ứng được bốn yêu cầu này, ông Mỹ và những hộ trồng vú sữa Lò Rèn khác của HTX Vĩnh Kim phải luôn thực hiện đúng qui trình sản xuất được hướng dẫn. Toàn bộ cây vú sữa trong vườn đều được đeo số thứ tự kèm sơ đồ quản lý. Để trái vú sữa có kích cỡ, trọng lượng, chất lượng đồng đều, người trồng phải loại bỏ khoảng 50% số lượng trái trên cây, chỉ giữ lại khoảng 300 trái/cây.

Khi trái to cỡ 5cm thì tiến hành bao trái chống côn trùng, sâu bọ tấn công và để giữ cho da trái vú sữa láng mịn khi thu hoạch. Tất cả vườn vú sữa đều có danh mục một số loại thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng và thời gian cách ly trước khi thu hoạch. Trong thời gian 2-3 tháng trước khi thu hoạch không phun thuốc nữa, nên gần như chắc chắn trong trái vú sữa không còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Mới đây HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim xuất 1 tấn vú sữa sang thị trường Nga và được đánh giá cao.

Ông Lê Văn Sơn, phó chủ nhiệm HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, cho biết khi thu hoạch, nông dân phải ghi rõ ngày nào thu hoạch cây nào, bao nhiêu trái rồi chuyển ra HTX đóng gói. Khi đóng gói xuất ra thị trường, HTX cũng ghi rõ số vú sữa này của vườn nào để làm cơ sở giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình tiêu thụ.

Ông Sơn khẳng định chỉ có vú sữa ở những vườn được sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP mới được xuất khẩu hoặc đưa vào hệ thống siêu thị Metro. Còn vú sữa được thu hoạch ở những vườn khác chỉ tiêu thụ nội địa theo cách truyền thống. Rõ ràng sự phân biệt này là cần thiết, sẽ góp phần kích thích nhiều nông dân khác thay đổi cách nghĩ, chuyển sang sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn Global GAP.




Nguồn: kinhte24h.com
Báo cáo phân tích thị trường