Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nhã Lộng trồng rau an toàn
04 | 12 | 2008
Vụ đông năm nay, cùng với những cây trồng truyền thống như ngô, khoai lang, xã Nhã Lộng (Phú Bình) còn phát triển mạnh các loại rau xanh với diện tích hơn 50ha, trong đó có 7ha rau an toàn với các loại như cải bắp, cải ngọt.

Mô hình sản xuất rau an toàn được Trạm khuyến nông huyện Phú Bình triển khai trên địa bàn 4 xóm thuộc xã Nhã Lộng, với 97 hộ dân tham gia. Thực hiện mô hình này, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên hỗ trợ 60% vốn đầu tư giống và 40% vốn cung cấp vật tư cho các hộ dân.

Được sự hướng dẫn về kỹ thuật trồng rau an toàn từ các cán bộ khuyến nông, 97 hộ dân đã thực hiện trồng rau an toàn theo đúng quy trình như: Dùng nguồn nước sạch xa các khu công nghiệp, bệnh viện, chuồng trại chăn nuôi; chỉ dùng phân chuồng đã hoai mục và các chế phẩm Enzim, phân hữu cơ PTS9, các loại thuốc bảo vệ thực vật vi sinh… Đặc biệt, khi có sâu bệnh thì thực hiện bắt sâu bằng phương pháp thủ công. Nhờ vậy, những ruộng rau an toàn phát triển rất tốt, năng suất bình quân đạt 1.000kg/sào, đạt trị giá tương đương 10 triệu đồng/sào.

Tuy nhiên, theo thống kê của xã Nhã Lộng, đợt mưa lũ đầu tháng 11 vừa qua đã làm thiệt hại 31ha rau của toàn xã, trong đó diện tích rau an toàn bị thiệt hại khoảng 10%. Ngay sau mưa lũ, cán bộ khuyến nông của huyện và xã cùng với Hội nông dân đã khắc phục hậu quả như khơi thông thoát nước, tỉa bớt lá gốc, vun xới lại, bổ sung phân chuồng mục… cho những ruộng rau an toàn, nhưng với những diện tích ngập sâu vẫn bị thiệt hại nặng. Điển hình như 3 sào rau của nhà bà Dương Thị Lượt ở xóm Đồi, do lụt lội nhiều ngày khiến những cây bắp cải chết rất nhiều ở thời điểm mới trồng được một tháng, những cây sống sót thì không phát triển được. Bà Lượt cho biết, ruộng bắp cải của gia đình bà chỉ bán được 1.500 – 2.000 đồng/cây, trong khi những diện tích không bị úng ngập có giá bán 10.000 đồng/cây.

Theo ông Dương Văn Nhưng, Chủ tịch UBND xã Nhã Lộng, bên cạnh khó khăn do thiên tai, hiện nay hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu còn hạn chế, nên bà con trồng rau phải đào thêm giếng để có nước tưới. Vì vậy, để có thể phát triển diện tích trồng rau an toàn, hệ thống kênh mương nội đồng ở đây cần được đầu tư nhiều hơn.

Bà Bùi Thị Hợp, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Phú Bình nhận định, mục tiêu trước mắt của chương trình sản xuất rau an toàn triển khai tại Nhã Lộng là mong giúp bà con nông dân làm quen dần với mô hình này, tiến tới nâng cao nhận thức của người sản xuất trong việc đảm bảo bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Cũng theo bà Hợp, Phú Bình có nhiều xã có tiềm năng phát triển trồng rau là Nhã Lộng, Đồng Liên, Điềm Thụy, Dương Thành, Tân Đức, Thanh Ninh và Thị trấn Hương Sơn. Song, để có thể nhân rộng mô hình trồng rau an toàn từ Nhã Lộng ra các xã, bà con nông dân cần được đầu tư vốn và kiến thức khoa học kỹ thuật nhiều hơn nữa.



Nguồn: Báo Thái Nguyên
Báo cáo phân tích thị trường