Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tỷ phú... cót ép!
04 | 12 | 2008
Nghe “đồn” về cơ sở sản xuất cót ép của gia đình ông Lê Xuân Trung ở đội 9, xã Thiệu Dương (Thiệu Hoá - Thanh Hoá) đã lâu, nay mới có dịp về thăm và chúng tôi không khỏi khâm phục ý chí, cách làm ăn của ông.
Vạn sự khởi đầu nan

Sau 5 năm tham gia quân ngũ, năm 1981, ông Trung trở về quê hương. Gia đình đông con, chỉ sống nhờ mấy sào ruộng nên cuộc sống thiếu thốn trăm bề. Quyết tâm tìm hướng làm ăn, ông vay anh em, bạn bè 5 triệu đồng, mua máy xay xát gạo. Thế nhưng, thu nhập không lo được cho 4 đứa con ăn học. Cuộc sống khó khăn khiến ông bao đêm trăn trở. Cũng từ những đêm gần như thức trắng đó, ông phát hiện ra mặt hàng cót ép có nhiều triển vọng. Quê ông vốn là làng nghề làm cót ép truyền thống nên nguyên liệu sẵn có, nguồn lao động dồi dào. Ông quyết định bán máy xay xát để có tiền thuê mặt bằng mở xưởng sản xuất.

Năm 1993, xưởng sản xuất cót ép ra đời, đánh dấu bước ngoặt lớn trong cuộc đời ông. Mới đi vào sản xuất, ông hăm hở tự tin vào khả năng thành công. Nào ngờ mẻ hàng đầu tiên, khi vừa mang cót ra phơi thì gặp trời mưa, cót bị hỏng, vợ chồng ông mất trắng mấy triệu đồng, phải mang sổ đỏ thế chấp ngân hàng vay thêm vốn duy trì sản xuất.

Bước ngoặt

Hiểu rằng muốn duy trì và phát triển sản xuất phải có bạn hàng, ông Trung rong ruổi khắp các tỉnh, thành tìm mối làm ăn. Sau khi tham khảo cách làm của một số cơ sở sản xuất cót ép, ông nhận thấy tuy số cơ sở nhiều nhưng kiểu dáng nghèo nàn và chất lượng kém. Nắm được hạn chế đó, ông quyết định đổi mới trang thiết bị, nhập thêm máy ép, máy cắt hiện đại và mua một chiếc xe tải chuyên chở hàng. Để khắc phục tình trạng cót bị ẩm mốc, mất keo khi trời mưa, ông xây dựng khu nhà chuyên sấy sản phẩm. Nguồn nguyên liệu (nứa, vầu) để làm cót cũng được chọn lọc kỹ lưỡng. Nhờ hướng đi đúng và trọng chữ Tín, sản phẩm cót ép của ông Trung ngày càng chiếm được niềm tin của khách hàng. Công việc làm ăn vào guồng thuận lợi, ông có điều kiện mở rộng sản xuất, đầu tư thêm máy móc hiện đại. Từ cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, đến đầu năm 2003, xưởng sản xuất của vợ chồng ông đã trở thành cơ sở lớn nhất nhì trong tỉnh, trung bình mỗi ngày nhập hàng trăm triệu đồng nguyên liệu sản xuất. Ngoài ra, ông còn đầu tư 300 triệu đồng xây dựng trạm điện phục vụ 2 máy ép công suất lớn.

Hiện, sản phẩm cót ép của gia đình ông đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành như: Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Nghệ An, TP. Hồ Chí Minh... ông Trung cho biết: “Gia đình tôi hiện có 3 cơ sở sản xuất và 3 xe tải chạy hàng, vốn lưu động khoảng 2 tỷ đồng. Đầu năm 2007, tôi mở thêm xưởng chế biến gỗ, nhận sản xuất các mặt hàng gia dụng như: đũa, thang giường, bột giấy...”. Xưởng sản xuất của ông tạo việc làm cho gần 60 lao động địa phương với mức lương 1,5 - 2 triệu đồng/người/tháng.

Ông Nguyễn Vũ Lương, Chủ tịch UBND xã Thiệu Dương cho biết: “Cơ sở sản xuất của ông Trung là một trong những điển hình của xã bởi cơ sở luôn kinh doanh có lãi và chấp hành tốt chủ trương, chính sách của địa phương”.

Chia tay ông Trung, lòng tôi dâng lên niềm cảm phục người đàn ông đã qua tuổi ngũ tuần nhưng giàu ý chí và nghị lực, góp phần làm rạng rỡ mảnh đất xứ Thanh giàu truyền thống.



Nguồn: www.kinhtenongthon.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường