Khu vực Nhà nước vẫn chi phối mạnh
Một số nhận xét được đưa ra là bảng xếp hạng VNR500 năm 2008 tiếp tục chứng kiến sự chi phối mạnh mẽ bởi khu vực Nhà nước. Các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước vẫn tiếp tục nắm giữ vai trò chủ lực trong nền kinh tế Việt Nam. Điều này được thể hiện bằng những thứ hạng cao trong Bảng xếp hạng VNR 500 cũng như tỷ lệ 45% số doanh nghiệp được xếp hạng.
Bảng xếp hạng phản ánh đúng những biến động tương đối mạnh từ nền kinh tế Việt Nam tác động tới khu vực doanh nghiệp lớn. Đã có 21,5% doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng VNR 500 năm 2007 bị loại khỏi VNR 500 năm 2008. Một điểm nữa là khối doanh nghiệp tư nhân mặc dù có những bước phát triển đáng khích lệ, song vẫn chưa đủ mạnh, thể hiện ở sự góp mặt của trên 24% số doanh nghiệp trong danh sách 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều doanh nghiệp tư nhân nằm trong bảng xếp hạng thuộc về nhóm ngành chế tạo và sản xuất, lĩnh vực có tính cạnh tranh cao trong môi trường cạnh tranh toàn cầu.
Bày tỏ vinh dự khi được lọt vào tốp 500 VNR, tuy nhiên ông Ngô Hữu Hoàn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần thương mại- Xuất nhập khẩu Thiên Nam cũng chia sẻ ý kiến ban tổ chức nên đánh giá nhiều hơn về tiêu chí chất lượng và hiệu quả. VNR 500 mới chỉ đánh giá về doanh thu nhưng lợi nhuận mới chính là trọng tâm phấn đấu của doanh nghiệp.
Tốp 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam về doanh thu được xếp hạng dựa trên các nguyên tắc khoa học, độc lập và tuân thủ theo các chuẩn mực quốc tế (dựa trên mô hình Fortune 500 của Hoa Kỳ). Đây là lần xếp hạng thứ hai do Công ty VietNam Report thực hiện. Bảng xếp hạng được xây dựng dựa trên cơ sở dữ liệu của Vietnam Report và kết quả nghiên cứu số liệu điều tra mới nhất về hơn 150.000 doanh nghiệp trên toàn quốc từ các cơ quan chức năng (Tổng cục Thống kê, Thuế, Tổng cục hải quan...).
Cơ cấu lại để ...“lách”
Theo ông Vũ Khoan, các doanh nghiệp nên lưu ý đến những biến động kinh tế vĩ mô và kinh tế thế giới để chủ động trong bối cảnh khó khăn. Hơn lúc nào hết phải cơ cấu lại nền kinh tế ở tầm vĩ mô và vi mô. Nếu không chúng ta sẽ mãi là yếu kém, mãi là tụt hậu. Ở tầm doanh nghiệp có 5 vấn đề cần cơ cấu lại, đó là: cơ cấu lại vốn, tổ chức, công nghệ, mặt hàng, thị trường và nguồn nhân lực.
“Kinh tế 2009 không chỉ có những khó khăn mà còn những thuận lợi, chúng ta phải nhìn nhận để tin tưởng vào sự phát triển của doanh nghiệp lớn Việt Nam”, tiến sĩ Đinh Văn Ân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nhận định. Những thuận lợi đó là nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc đối phó với khủng hoảng, Chính phủ có nhiều giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, quan trọng nhất là chính sách kích cầu đầu tư để tạo điều kiện cho doanh nghiệp lớn nói riêng và doanh nghiệp Việt Nam nói chung.
Tiến sĩ Đinh Văn Ân cũng cho rằng thị trường nội địa là thị trường rất giàu tiềm năng. Việt Nam là thị trường mới nổi, vì vậy để phát triển thị trường cần sự tham gia nỗ lực của nhiều chủ thể khác nhau, cả Chính phủ và bản thân doanh nghiệp.
Tại diễn đàn, Trưởng ban Nghiên cứu Chính sách Kinh tế vĩ mô, thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, ông Nguyễn Đình Cung đặc biệt nhấn mạnh đến yếu tố quản trị công ty là yếu tố kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp lớn Việt Nam. Hiện nay, ở Việt Nam việc bảo vệ nhà đầu tư và cổ đông, nhất là cổ đông thiểu số rất kém. Doanh nghiệp nhà nước chiếm tỷ lệ lớn trong các doanh nghiệp lớn lại rất “đóng”, không thu hút vốn từ bên ngoài, trừ cổ phần hoá bằng cách huy động vốn từ bên ngoài.
Chính những yếu tố này không tạo được lòng tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp khó tập trung, tích tụ được vốn để nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh. Theo ông Cung, những cổ đông lớn, người quản lý của công ty phải nhận thức được quản trị tốt với sự phát triển lâu dài để thiết lập một khung quản trị cân bằng quyền lực và lợi ích giữa các bên và tự giác thực hiện khung quản lý đó.