Giá lương thực, thực phẩm ổn định
Theo dự báo của ngành chức năng, sản lượng lúa năm 2009 ước đạt 37,4 triệu tấn (tiêu dùng trong nước khoảng 28,1 triệu tấn), lượng lúa dành cho xuất khẩu khoảng 10 triệu tấn. Hiện nay, tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, giá gạo nguyên liệu loại 1 là 4.800 đồng/kg, loại 2: 4.100-4.200 đồng/kg. Giá thực phẩm trong nước năm 2008 đã chịu nhiều tác động lớn bởi thiên tai, dịch bệnh, nên chỉ số giá nhóm hàng thực phẩm đã tăng 26,53%. Hiện nay, thời tiết khá thuận lợi cho khôi phục sản xuất nông nghiệp, diện tích và sản lượng rau xanh tăng mạnh. Ngoài ra, do giá thức ăn chăn nuôi giảm, dịch bệnh được khống chế, số lượng gia súc, gia cầm tăng bảo đảm nguồn cung..., nên giá thực phẩm nhìn chung ổn định hoặc giảm nhẹ. Những tháng đầu năm 2009, dự báo nhu cầu thực phẩm tăng mạnh dịp Tết, nên giá một số loại thực phẩm tươi sống sẽ tăng, song mức tăng không nhiều do nguồn cung dồi dào và đa dạng...
Nhu cầu tiêu thụ giảm
Việc thực hiện lộ trình tăng giá với một số loại hàng hóa "đầu vào" cho nhiều ngành sản xuất như điện, than... có thể tạo sức ép tăng giá với nhiều mặt hàng khác. Theo Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản, dự báo năm 2009, sản lượng than sạch khai thác khoảng 36 triệu tấn. Giá bán than cho các hộ lớn sẽ tiếp tục được điều chỉnh theo cơ chế thị trường; trong đó, do giá bán than cho sản xuất phân bón tăng theo lộ trình sẽ tác động đến chi phí sản xuất, nên giá bán phân bón trong nước có khả năng điều chỉnh tăng. Hiện nay, giá bán lẻ phân urê trên thị trường ở mức 5.500 đồng/kg, thấp hơn 200-700 đồng/kg so với tháng 12-2007, thấp hơn 4.500 đồng/kg so với mức giá ở tháng 7-2008. Giá bán phân bón giảm do tồn kho phân bón trong nước ở mức cao, tiêu thụ chậm. Mặc dù giá than cho sản xuất xi măng, giấy... sẽ tiếp tục tăng vào năm 2009, dự báo đây lại là những mặt hàng ít biến động. Riêng xi măng, nhu cầu tiêu thụ toàn xã hội sẽ tăng khoảng 11% so với năm 2008, ước đạt 44-45 triệu tấn. Với năng lực sản xuất hiện nay, thêm 18 dự án với công suất 20,47 triệu tấn đi vào sản xuất, thì cung - cầu xi măng được đáp ứng, do đó giá bán tiếp tục ổn định. Giá giấy trong nước tiếp tục xu hướng giảm trong thời gian tới do giá bột giấy, giá giấy thế giới giảm mạnh và tồn kho giấy các loại đến cuối năm 2008 còn khoảng 1,5 triệu tấn. Các chuyên gia kinh tế nhận định, giá cả hàng hóa năm 2009 không biến động mạnh như năm 2008. Do kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, kéo theo nhu cầu tiêu thụ giảm và làm giảm sức ép tăng giá nguyên, nhiên liệu. Thị trường tài chính, chứng khoán, bất động sản vẫn tiếp tục trầm lắng...
Cần ưu tiên hỗ trợ sản xuất
Bộ Công thương cho biết, năm 2009 các loại hàng hóa phục vụ tiêu dùng nội địa như thực phẩm, đồ uống, hàng dệt may, thuốc chữa bệnh; các sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu, sử dụng nhiều lao động như vật liệu xây dựng, cơ khí, chế tạo... phân bón sẽ được ưu tiên hỗ trợ sản xuất, nhằm thực hiện mục tiêu của Chính phủ về ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội. Một số sản phẩm công nghiệp đang tồn đọng như phôi thép, thép xây dựng, xi măng, phân bón, giấy, hóa chất cũng được hỗ trợ theo nguyên tắc cơ cấu lại thời hạn vay, thực hiện miễn giảm lãi suất các khoản vay có lãi suất cao theo chính sách của Chính phủ. Trong tháng 12-2008, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ chính sách hỗ trợ, khuyến khích sản xuất, chế tạo các sản phẩm công nghiệp đủ điều kiện thay thế hàng nhập khẩu. Bên cạnh đó, Bộ Công thương đang tích cực hoàn thành đề án đẩy mạnh xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu giai đoạn 2009-2010, trong đó chú trọng các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu; tiếp tục thực thi chính sách thay thế nhập khẩu với việc thúc đẩy các ngành công nghiệp phụ trợ, chế tạo và hóa dầu để tận dụng nguồn lực, công nghệ, vật tư, thiết bị máy móc sản xuất trong nước đủ tiêu chuẩn, giảm nhập siêu. Được biết, năm 2009 Bộ Công thương sẽ đẩy mạnh xúc tiến thương mại theo từng ngành hàng, từng hợp đồng xuất khẩu lớn, tiếp tục tăng cường theo các kênh chính thức và không chính thức, nhằm chủ động ứng phó với chính sách bảo hộ mậu dịch, dỡ bỏ các rào cản thuế và phi thuế để tăng xuất khẩu.
Để tăng xuất khẩu, giảm nhập siêu, Bộ Công thương sẽ triệt để khai thác lợi thế từ các hiệp định khu vực mậu dịch tự do (FTA); thúc đẩy việc ký kết Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản, các hiệp định khu vực mậu dịch tự do Asean với Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân, Ấn Độ và một số đối tác kinh tế quan trọng khác. Mặt khác, Bộ đang lập phương án cân đối nguồn nguyên liệu nhập khẩu, có chính sách khuyến khích gia công tăng kim ngạch xuất khẩu các ngành, nghề sử dụng nhiều lao động và vật tư trong nước; hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu theo phương thức giao hàng tại kho ngoại quan.