Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hồ Xuân Hùng là một trong những người “chắp bút” giúp Ban soạn thảo xây dựng Nghị quyết 26 – NQ/T.Ư (sau đây gọi là Nghị quyết 26) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Khi được hỏi về tâm tư trong năm đầu thực hiện quyết sách lớn của Đảng, ông Hồ Xuân Hùng cho biết: “Trong Nghị quyết 26 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 7, nhiều vấn đề của cuộc sống, của nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam trong thời kỳ hội nhập đã được đặt ra cụ thể để tập trung thảo luận và giải quyết. Việc chuẩn bị cho ra đời Nghị quyết cũng rất công phu. Tôi tin rằng, khi chúng ta đưa cuộc sống vào Nghị quyết một cách có chiều sâu thì nhất định Nghị quyết sẽ vào được cuộc sống”.
- Nghị quyết 26 ra đời từ những bức xúc trong nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Vậy, khi được thông qua thì những bức xúc ấy được giải quyết như thế nào?
Nghị quyết này không phải chỉ giải đáp, giải quyết những vấn đề bức xúc mà còn đặt ra những vấn đề chiến lược lâu dài cho Đảng ta đến năm 2020 đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Vì vậy, chương trình hành động của Chính phủ cũng như trong Nghị quyết nói rất rõ những việc trước mắt cần làm tới năm 2010 và những năm từ 2010-2020. Ngay từ năm 2009, chúng ta phải tạo được những “cú hích”: Tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc; Dồn sức đầu tư vào những vùng trọng điểm, vùng khó khăn như 61 huyện nghèo, nơi có trên 50% hộ đói; Phải có ngay chính sách để bảo đảm lợi ích cho người trồng lương thực; Trong quý I/2009, Bộ NN&PTNT phải trình ngay được một tiêu chí về nông thôn mới. Hiện nay, Bộ Chính trị đang chuẩn bị nghe và cho ý kiến về việc thành lập Ban chỉ đạo cấp Trung ương để chọn điểm, định hướng xây dựng mô hình nông thôn mới ở Việt Nam. Tôi được biết kế hoạch này do đồng chí Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang làm Trưởng ban chỉ đạo.
Tôi cho rằng, nếu không làm được những điều này và tạo bước chuyển trông thấy trong năm 2009 thì tôi rất sợ Nghị quyết này vẫn là những Nghị quyết được nhắc đi, nhắc lại.
- Trong quá trình soạn thảo cũng như thông qua Nghị quyết, sức ép từ phía người dân đối với sự thay đổi cơ chế, chính sách là rất lớn. Hiện nay, sức ép đó có còn lớn không?
Sức ép vẫn lớn vì một số vấn đề được thảo luận trong quá trình chuẩn bị cho Trung ương thông qua Nghị quyết được nêu ra, nhưng tôi chưa hy vọng trong thời gian ngắn có thể giải quyết được. Ví dụ vấn đề bức xúc hiện nay là đất đai. Nếu không sửa luật thì vấn đề không được giải quyết căn cơ, nhưng sửa luật thì cần phải có thời gian rất dài. Vấn đề đào tạo, chuyển nghề cho nông dân cũng vậy. Chúng ta không thể làm ngay được trong một vài năm trong khi nhu cầu việc làm của người dân lại “bức xúc” ngay tức khắc, nhất là trong bối cảnh suy thoái kinh tế. Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các làng nghề đang lâm vào tình trạng phá sản. Như vậy, Tổ thư ký và Ban soạn thảo đã dự báo đúng vấn đề, nhưng cho đến bây giờ, giải pháp cho những vấn đề đó vẫn đang là một áp lực nặng nề.
- Vậy, trong năm 2009, Bộ NN&PTNT cần có những định hướng mới nào để đối phó?
Trong năm 2009, bên cạnh việc triển khai Nghị quyết Trung ương 7, chúng ta cần đặt vấn đề xử lý một số vấn đề nóng, bức xúc mà dự báo chưa “đến nơi, đến chốn”, ví dụ như suy thoái kinh tế. Khi chuẩn bị Nghị quyết là thời kỳ đang lạm phát chứ không phải thời kỳ suy thoái và thường thì suy thoái còn nguy hiểm hơn rất nhiều. Ngay chuyện làng nghề, nếu không có giải pháp tốt để cứu làng nghề thì 11 triệu lao động sẽ mất việc hoặc chí ít cũng một nửa số đó. Như vậy, đó không chỉ còn là vấn đề của ngành công nghiệp mà còn là vấn đề xã hội - chính trị. Cho nên, trong 5 nhóm giải pháp của Chính phủ đưa ra và gói giải cứu 6 tỷ USD, tôi nghĩ, Bộ NN&PTNT và các bộ liên quan cũng phải trình Chính phủ có ngay những giải pháp để đảm bảo việc làm cho nông dân. Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang trình Chính phủ những giải pháp để giải cứu làng nghề.
- Khi Bộ NN&PTNT “chào hàng” Nghị quyết 26 với cộng đồng các nhà tài trợ, điều khiến họ băn khoăn lớn là khả năng thực thi ở cấp cơ sở và trực tiếp là người dân. Ông có thấy lo ngại về điều này?
Băn khoăn của các nhà tài trợ nước ngoài là đúng. Có hai vấn đề ở địa phương: Thủ tục hành chính để thực thi các yêu cầu của Chính phủ xuống dưới cơ sở còn nhiều vấn đề phải bàn và Chương trình hành động của Chính phủ là chương trình khung ở tầm quốc gia, còn mỗi địa phương phải lựa cho mình một chương trình phù hợp. Nếu chính quyền địa phương không năng động, chủ động mà chỉ photo lại những cái đó của Chính phủ thì sẽ rất khó thành công.
- Với những chính sách đưa ra tới thời điểm này, theo ông, trong năm 2009, người dân sẽ được hưởng lợi gì?
Những người dân ở những vùng khó khăn sẽ được hưởng lợi trước tiên. Dù chưa được công bố rộng rãi ra bên ngoài, nhưng sự chuẩn bị của Chính phủ là dồn sức vào những vùng khó khăn, trong đó ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là thủy lợi dành cho nông nghiệp và dân sinh; Chương trình nước sạch, y tế, giáo dục, đặc biệt là chương trình xóa 230.000 nhà tạm của cả nước. Đó là những lợi ích có thể thấy ngay trong năm 2009. Việc hoàn thiện các chính sách theo tinh thần của Trung ương có thể hoàn thành cơ bản trong năm 2009. Như vậy, đến hết 2010, khi kết thúc nhiệm kỳ Trung ương 10, một số việc của Nghị quyết này đã được thực hiện và người dân có thể trông thấy.
- Xin cảm ơn ông!./.