Thông tin trên vừa được Vụ Chính sách thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết ngày 4/2. Theo đánh giá của Vụ này, việc dự trữ hàng hoá nhằm bình ổn thị trường của các doanh nghiệp thương mại được thực hiện khá tốt. Lượng cung hàng hoá đầy đủ nên giá cả hàng hoá Tết không tăng đột biến.
Giá các mặt hàng chỉ cao hơn ngày thường từ 10-30%, chủ yếu do ảnh hưởng của tình trạng lạm phát từ đầu năm 2008. Các doanh nghiệp tại Hà Nội đã bán ra lượng hàng trị giá khoảng 8.000 tỷ đồng, tăng 15% so với Tết năm 2008 nhưng phần tăng này là do giá hàng hoá tăng.
Tuy nhiên, vì sức mua kém nên hầu hết ở các địa phương, doanh thu bán hàng của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể đã không đạt kế hoạch dự trữ đề ra.
Tại Hà Nội, 7 doanh nghiệp được tạm ứng vốn để dự trữ các hàng thực phẩm thiết yếu chỉ tiêu thụ được 70% lượng hàng hoá này (1.276 tấn gạo, 1.404 tấn thịt gia súc, gia cầm, 1.214 lít dầu ăn, 2.569 nghìn quả trứng; 356,8 tấn thuỷ hải sản, 1.196 tấn thực phẩm chế biến).
Còn tại TP.HCM, 9 doanh nghiệp được vay vốn ưu đãi chỉ tiêu thụ được 86% lượng hàng (12.000 tấn gạo, 8.000 tấn đường, 9.800 tấn thịt gia súc gia cầm, 1.800 tấn thực phẩm chế biến, 15 triệu quả trứng gia cầm, 2.000 tấn dầu ăn ). Trong đó, hai doanh nghiệp lớn có mức vay vốn ưu đãi nhiều nhất là Tổng công ty Thương mại Sài Gòn được vay 190 tỷ đồng, chỉ đạt 89% kế hoạch và Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn được vay 66 tỷ đồng chỉ đạt 44% kế hoạch.
Hầu hết, các doanh nghiệp thương mại và thực phẩm đều bị sụt giảm doanh thu như Tổng công ty Thương mại Hà Nội, giảm 11%, siêu thị Metro, các doanh nghiệp thực phẩm như Intimex, Nhất Nam, Thái Dương, Phúc Thịnh... Chỉ có siêu thị Big C tăng doanh thu lên 46% so với Tết năm 2008.