Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đông Âu có thực sự hấp dẫn với doanh nghiệp xuất khẩu cá tra?
02 | 03 | 2009
Với cá tra, thị trường các nước phát triển sẽ có mức lợi nhuận hấp dẫn hơn các thị trường mới nổi đang đối mặt với sự bấp bênh của đồng nội tệ và khả năng thanh toán.

Theo thống kê Hải quan, năm 2008, cho dù gặp khó khăn, Việt Nam vẫn xuất khẩu hơn 640 nghìn tấn cá tra, basa các loại, đạt 1,453 tỉ USD, duy trì mức tăng trưởng 66% khối lượng và 48% giá trị.

Nếu nhìn vào con số thống kê, có thể nhận ra sự tăng trưởng vượt bậc này nhờ vào cả hai yếu tố: Sự xuất hiện ấn tượng của các thị trường mới và sự tăng trưởng mạnh mẽ tại một số thị trường tiêu thụ truyền thống.

Hai thị trường mới nhưng đã có những bước tăng vọt trong những năm gần đây là Nga và Ukraina đều có mức tăng trưởng mạnh mẽ, lần lượt trở thành thị trường tiêu thụ lớn thứ 2 và 3 của cá tra Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Nga tăng 142,5% về khối lưuợng và tăng gấp đôi về giá trị, đạt 188 triệu USD. Xuất khẩu sang Ukraina tăng 223% về khối lượng và 249% giá trị.

Năm 2008 xuất khẩu cá tra đánh dấu sự nổi lên của thị trường Ai Cập với tỷ lệ tăng trưởng 324,6% về giá trị và 224,3% về khối lượng, vượt qua cả Trung Quốc và Mỹ, trở thành thị trường tiêu thụ lớn thư 4 của Việt Nam.

Thị trường Đông Âu bấp bênh

Với cá tra Việt Nam, Đông Âu và các nước vùng Baltic một vài năm gần đây tỏ ra là thị trường giàu tiềm năng, cùng với sự mở rộng liên tục của EU về phía Đông.

Bên cạnh tập quán tiêu thụ cá nước ngọt, các thị trường Đông Âu, với lợi thế nhân công giá rẻ tương đối so với phần còn lại của châu Âu, ưu thế về giao thông cả đường bộ lẫn đường biển chính là môi trường thuận lợi để phát triển mạnh công nghiệp chế biến. Một số lượng không nhỏ các nhà máy chế biến được vận hành nhờ vào nguyên liệu nhập khẩu. Đây chính là nguồn tiêu thụ khổng lồ lượng thủy sản nguyên liệu nói chung và cá tra nói riêng của Việt Nam bị gạt ra khỏi các thị trường lớn bởi các rào cản kỹ thuật.

Tuy nhiên khu vực này vẫn đang chứa đựng những vấn đề cơ bản cả ngắn hạn và dài hạn.

Thứ nhất, ngay trong năm 2009 tới, bản thân các nước này cũng đang gặp những vấn đề nội tại, đồng nội tệ liên tục mất giá, nhiều nước đã phải chấp nhận phá giá đồng nội tệ. Chẳng hạn chỉ trong vòng 6 tháng, đồng tiền của Rumani đã mất giá tới hơn 30% so với đồng USD/ Tình trạng này sẽ ép giá sản phẩm nhập khẩu xuống khá thấp, và kéo theo đó là sự suy giảm lợi nhuận biên.

Thứ hai, trong bối cảnh suy thoái kinh tế, sự sụp đổ tiêu dùng các nước lớn làm cho đầu ra của hệ thống này chưa có gì đảm bảo. Cần nhắc lại rằng sự phục hồi của các nước đang phát triển sau các cuộc khủng hoảng nói chung đều phụ thuộc vào tăng trưởng xuất khẩu sang các nước giàu.

Thứ ba, về mặt dài hạn sự cạnh tranh tại thị trường này sẽ gia tăng mạnh. Lợi thế về điều kiện tự nhiên và giá nhân công về cơ bản đã mang lại cho sản phẩm pangasius của Việt Nam ưu thế về giá tại tại các thị trường. Tuy vậy với điều kiện thiên nhiên và sản phẩm có nhiều điểm tương tự Việt Nam, có thể nhìn thấy trước, trong tương lại không xa, Trung Quốc sẽ đặt áp lực cạnh tranh không nhỏ lên các sản phẩm của Việt Nam. Trên thực tế, sản phẩm từ Trung Quốc hiện có giá chênh lệch với Việt Nam không nhiều và tuy thị phần nhỏ nhưng đang tăng trưởng rất mạnh. (Phụ lục 4)

Các thị trường tiêu thụ truyền thống sẽ tăng trưởng tốt

Có một vài lý do để hy vọng các thị trường tiêu thụ lớn tại các nước phát triển như Mỹ, Anh, … có lẽ sẽ trở nên hấp dẫn hơn so với các thị trường mới nổi trong năm 2009.

Thứ nhất là sự chuyển hướng của người dùng cuối sang các sản phẩm giá rẻ. Hiệu ứng này đã được ghi nhận ở Mỹ với hàng dệt may, khi theo thống kê nhập khẩu hàng may mặc của Mỹ giảm 14% trong tháng 11 và 12/2008, nhưng lượng hàng nhập khẩu từ Bangladesh, Trung Quốc và Việt Nam lại tăng.

Với riêng thi trường châu Âu, với chính sách hạn chế đánh bắt và giá thành cá đánh bắt khá cao, thì cá tra có thể vẫn tiếp tục duy trì lợi thế này. sự chuyển đổi nhu cầu tiêu thụ từ các loại cá thịt trắng với giá khá đắt sang cá tra với giá rẻ hơn.

Thứ hai là sự phục hồi nhu cầu nguyên liệu của các nhà máy chế biến. Nguyên liệu thủy sản, vốn có thời gian bảo quản không dài. Do vậy có thể hy vọng vào sự phục hồi nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu thủy sản từ Việt Nam của các thị trường lớn như Mỹ, Anh, Tây Ban Nha… sau khi đã sử dụng đáng kể số nguyên liệu dự trữ cho các nhà máy chế biến.

Chúng tôi cho rằng, hy vọng lợi nhuận từ các thị trường tiêu dùng lớn kể trên là rất đáng chú ý cho ngành cá tra Việt Nam trong năm 2009.

Viễn cảnh đầu tư 2009

Các thị trường tiêu thụ của các nước phát triển có thể sẽ có mức lợi nhuận hấp dẫn hơn các thị trường mới nổi, vốn đang phải đối mặt với sự bấp bênh của đồng nội tệ và khả năng thanh toán.

Với dự đoán về tương lai bấp bênh của các đồng nội tệ khu vực Đông Âu so với các đồng tiền mạnh như euro và USD, thị trường Đông Âu chưa chắc đã là thị trường hấp dẫn về mặt lợi nhuận, ngay cả trong trường hợp doanh số có tăng, ít nhất là trong năm 2009.

Các nhà đầu tư có lẽ nên có sự cân nhắc với quyết định đầu tư vào ngành thủy sản tại thời điểm hiện tại, khi mà các điều kiện của thị trường tiêu thụ hoàn toàn chưa rõ ràng.



Nguồn: cafef
Báo cáo phân tích thị trường