Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Triển vọng xuất khẩu
06 | 03 | 2009
Giá gạo xuất khẩu trong 2 tháng qua cũng đạt mức khá. Nếu như tháng 1 trung bình đạt 396 USD/tấn thì tháng 2 tăng lên trên 400 USD/tấn, nhờ đó kim ngạch xuất khẩu gạo tháng 2 đạt 270 triệu USD. Dự báo giá gạo thế giới tiếp tục tăng lên do Trung Quốc năm nay bị hạn nặng, nhiều khả năng phải tăng nhập khẩu lương thực. Do sức mua của thị trường này rất lớn nên khi tăng mua sẽ đẩy cầu trên thị trường lương thực thế giới.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu tháng 2 ước đạt 4,3 tỷ USD, tăng hơn 25% so với tháng 1. Tính chung 2 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 8 tỷ USD.
Xuất khẩu gạo tăng đột biến.

Trong nhóm ngành hàng xuất khẩu, nhóm hàng nông lâm thủy sản có mức tăng cao nhất- 10,4%. Đáng chú ý là mặt hàng gạo có mức tăng đột biến. Hai tháng qua, nhiều hợp đồng xuất khẩu gạo đã được các doanh nghiệp ký kết với tổng khối lượng gần 1 triệu tấn, tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Các mặt hàng thuộc nhóm nông, lâm thủy sản khác cũng có mức tăng khá là: hạt tiêu tăng tới 186% về lượng và tăng hơn 30% về giá trị, cà phê tăng gần 31% về giá trị...

Tính chung kim ngạch xuất khẩu 2 tháng qua của cả nước giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, mức giảm này là chấp nhận được bởi nếu so sánh với các nước xuất khẩu lớn trên thế giới và trong khu vực thì tốc độ giảm kim ngạch của Việt Nam vẫn ở mức thấp nhất, như Nhật Bản xuất khẩu tháng 1 giảm gần một nửa so với cùng kỳ, Trung Quốc giảm hơn 17%, Singapore giảm gần 35%...

Phân tích kỹ thị trường thế giới 2 tháng đầu năm cho thấy, một số mặt hàng có thế mạnh của nước ta và chiếm thị phần lớn trên thị trường thế giới bắt đầu tăng giá trở lại so với cuối năm 2008. Đây là lợi thế doanh nghiệp cần tận dụng, chủ động liên kết và có sự thống nhất cao trong xuất bán như: cùng giảm bán ra khi giá thế giới hạ sẽ duy trì được giá bán có lợi nhất. Riêng đối với người nông dân, cần phân tích và cập nhật thông tin, không nên bán ồ ạt nông sản trước các thông tin không xác thực của tư thương để tránh bị thua thiệt.

Vốn không phải là vấn đề lớn
Đối với các mặt hàng có xu hướng tăng thấp thì điều cần nhất đối với doanh nghiệp lúc này là liên kết cùng chia sẻ đơn hàng để cùng tồn tại, vượt qua giai đoạn khó khăn. Điều này đang được các doanh nghiệp dệt may thực hiện khá tốt.

Ông Vũ Đức Giang, Tổng giám đốc Tổng Công ty Dệt may Việt Nam, cho biết: “Đây là chủ trương lớn trong thực hiện báo cáo chiến lược 2009. Việc này đã đi vào đời sống của các doanh nghiệp và đây cũng là bước đột phá tạo điều kiện cho các doanh nghiệp không có thị trường, không có đơn hàng trong bối cảnh nền kinh tế bị suy thoái. Ví dụ, May 10 vừa rồi đứng ra chủ trì và triển khai một số nhiệm vụ mà tập đoàn chỉ đạo hỗ trợ đưa các đơn hàng đến những doanh nghiệp trong hệ thống vệ tinh của May 10...”.

Theo phản ánh của doanh nghiệp, hiện nay vốn không phải là vấn đề lớn, nhất là từ khi Chính phủ triển khai giải pháp hỗ trợ 1 tỷ USD bù lãi suất cho doanh nghiệp, những chính sách ưu đãi xuất khẩu, điều cần nhất hiện nay là xúc tiến tìm kiếm, phân khúc thị trường, các thị trường ít bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới.

Ông Vũ Thanh Sơn, Tổng giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hapro, kiến nghị: “Một số thị trường xuất khẩu mới như Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ và Tây Á, đang có lợi thế. Tuy nhiên, đây là những thị trường mới và xa về địa lý, nên doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của thành phố trong việc mở văn phòng đại diện xúc tiến thương mại tại thị trường này”.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công thương, Nguyễn Thành Biên cho biết: “Chúng tôi sẽ ưu tiên những chương trình xúc tiến thương mại tạo ra các đơn hàng mới, hợp đồng mới, không chung chung như trước nữa. Chúng ta đang thực hiện nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ cho nên giải quyết về xúc tiến thương mại phải có sự đặc cách và cấp bách, hiệu quả phải đo đếm được, lượng hóa yêu cầu”.

Hiện khó khăn lớn nhất là thông tin và dự báo cung cầu, giá cả thị trường. Dự báo luôn là vấn đề khó và càng khó khăn hơn trong bối cảnh nền kinh tế thế giới thay đổi nhanh chóng như hiện nay, đòi hỏi sự đầu tư thích đáng cả con người và phương tiện. Thế nhưng, công tác này ở Việt Nam quá yếu và thiếu.

Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, thậm chí những thông tin dự báo của các bộ, ngành cơ quan có sự sao chép, quá chung chung và không chuyên sâu, không có tác dụng nhiều cho doanh nghiệp. Đây là yếu kém cần khắc phục ngay để hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả hơn./.



Nguồn: vovnews.vn
Báo cáo phân tích thị trường