Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nông dân tiếp cận siêu thị
04 | 05 | 2009
Lần đầu tiên, ba nhà bán lẻ lớn nhất Việt Nam cùng gặp gỡ với đại diện các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và khu vực miền Đông Nam bộ để tìm đường đưa nông sản vào siêu thị.

Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh & Hỗ trợ Doanh nghiệp TPHCM (BSA) đã hỗ trợ để đạt được điều này.

Gặp nhau làm ngơ

Nghịch lý hiện nay: Trong khi các hệ thống siêu thị có nhu cầu rất lớn về các mặt hàng rau, củ, quả tươi sống, nông dân lại không thể đưa sản phẩm của mình vào siêu thị.

Đại diện Coop Mart, Big C và Metro cùng cho biết, nhu cầu tiêu thụ hàng tươi sống rau, củ, quả tại các hệ thống siêu thị này rất lớn, riêng Coop Mart mỗi ngày tiêu thụ 70 tấn các loại. Trong khi đó,  với đa phần nông dân, siêu thị vẫn còn là lãnh địa xa lạ.

“Từ trước đến giờ, dù rất muốn đưa hàng vô siêu thị, tụi tui không biết cách nào…”- ông Nguyễn Văn Sơn- Chủ nhiệm HTX Trường Thịnh (huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) bày tỏ.

Ông Sơn cho biết HTX Trường Thịnh có diện tích 200 ha, trồng bốn loại cây chính là cam, chanh, ổi và nhãn. Mỗi loại cây thu hoạch từ 20 đến 40 tấn/ngày. Tất cả đều phải bán cho thương lái từ Hà Nội, Hải Phòng vào thu mua với giá trồi sụt bất thường.

Ông Đỗ Văn Huynh-Phó Chủ nhiệm HTX Thanh Nghĩa (Đơn Dương, Lâm Đồng) cho biết, mỗi ngày HTX Thanh Nghĩa thu hoạch từ 7 - 10 nghìn tấn rau, củ, quả các loại và đều phải bán cho thương lái. Những khi thị trường ế ẩm, thương lái bỏ của chạy lấy người, xã viên phải nhổ bỏ rau làm phân bón để lấy đất trồng vụ tiếp theo.

Ông Huynh tâm sự, cách đây vài năm, đại diện HTX Thanh Nghĩa cũng làm việc với Coop Mart, họ đồng ý mua mỗi ngày hai tấn với nhiều loại rau, nhưng yêu cầu HTX phải tự tổ chức xe chở đến giao tận kho của Coop Mart. Với điều kiện này, chúng tôi không sao đáp ứng nổi.     

Theo các nhà phân phối, đặc điểm sản xuất manh mún, thiếu tập trung chuyên canh của nông dân và việc tổ chức sản xuất không đúng quy trình nông nghiệp an toàn (GAP) là những nguyên nhân chính khiến nhiều sản phẩm của nông dân không vào được siêu thị. Một điểm yếu rất cơ bản khác của nông dân là thiếu kinh nghiệm và thông tin thị trường cũng như kinh phí tiếp thị sản phẩm.

Vượt lên chính mình

Theo ông Nguyễn Lâm Viên- Tổng GĐ Cty Vinamit, muốn sản phẩm được chấp nhận tại các hệ thống phân phối quy mô lớn, điều đầu tiên là nông dân phải tự liên kết lại với nhau, cùng đầu tư và cùng hưởng lợi.

Bà Hạnh Thu-Phó TGĐ Saigon Coop (đơn vị chủ quản hệ thống Coop Mart) xác nhận các siêu thị không thể đi thu mua của từng hộ nông dân. Muốn sản phẩm của nông dân vào siêu thị nông dân phải thông qua các tổ chức tại địa phương làm đầu mối hoặc làm cầu nối, chẳng hạn như các HTX hoặc cơ quan xúc tiến thương mại…

Bà Hạnh Thu cũng cho biết, thông qua Sở NN&PTNT TPHCM, Coop Mart ký hợp đồng thu mua rau an toàn với một số HTX sản xuất rau tại khu vực ngoại thành thành phố.

Coop Mart cũng đầu tư một dây chuyền đóng gói rau an toàn tại ấp Đình, huyện Củ Chi và chuyển giao công nghệ, quy trình xử lý, đóng gói theo quy cách.

Nhờ vậy, mỗi ngày nơi đây cung cấp cho Coop Mart năm tấn rau an toàn các loại. Sắp tới đây Coop Mart cũng đầu tư thêm một dây chuyền đóng gói tương tự cho một HTX khác ở huyện Hóc Môn.

Cùng với Coop Mart, Big C và Metro cũng đang mở rộng phạm vi hỗ trợ, hướng dẫn nông dân tại các địa phương sản xuất sạch, an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm ngày càng nâng cao tỷ lệ nông sản nội trong các siêu thị trong nước đồng thời xuất khẩu. 

Chung tay xây dựng thương hiệu nông sản Việt là phương châm hành động của Dự án Thông tin Thị trường Nông nghiệp Việt Nam (Vamip) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Canada tài trợ.

Vamip được triển khai từ năm 2008 tại nhiều địa phương, với mục tiêu xây dựng thương hiệu cho các loại nông sản, trong đó có các loại trái cây đặc sản như thanh long Chợ Gạo (Tiền Giang), thanh long Bình Thuận, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (Tiền Giang), xoài cát Hòa Lộc Sông Hậu…          



Nguồn: www.tienphong.vn
Báo cáo phân tích thị trường