Số 1 trên thị trường thế giới
Hiệp Hội hồ tiêu Việt Nam cho biết, hiện nay, hồ tiêu Việt Nam đã có mặt tại 73 nước trên thế giới. Sản lượng xuất khẩu chiếm khoảng 50% lượng hồ tiêu xuất khẩu toàn cầu, khẳng định vị trí số 1 trên thị trường quốc tế. Hồ tiêu được trồng tại nhiều địa phương trong nước, từ Quảng Trị đến Kiên Giang, nhưng có 6 tỉnh trọng điểm là Đồng Nai, Đắk Lắk, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước, Gia Lai và Đăk Nông. Những địa phương này đã góp phần đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới. Có đến 50% lượng hạt tiêu xuất khẩu được bán trực tiếp cho các nhà máy chế biến gia vị tại nhiều nước. Các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam đã và đang trở thành một mắt xích trong chuỗi phân phối toàn cầu, khả năng chi phối giá cả thị trường cũng được nâng cao. Một dấu hiệu rất tích cực nữa là những nước sản xuất hồ tiêu lớn trong khu vực như Indonesia, Malaysia... đã đặt vấn đề hợp tác, phát triển, bảo đảm giá có lợi cho người trồng và các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, song hiện nay, hồ tiêu Việt Nam vẫn đang đứng trước nhiều vướng mắc, đó là: sản xuất hồ tiêu còn theo hướng nhỏ lẻ, chưa có quy mô; việc tìm kiếm và phát triển thị trường tiêu thụ còn thiếu tính chủ động dẫn đến giá cả thường thấp hơn so với các nước khác. Điển hình, năm 2008, giá hạt tiêu đen liên tục biến động từ 73.500 đồng/kg trong những tháng đầu năm giảm dần còn 54.500 đồng/kg vào giữa năm và xuống còn 30.000 đồng/kg vào cuối năm. Sang các tháng đầu năm 2009, giá hồ tiêu giảm xuống còn trên dưới 30.000 đồng/kg. Ngoài nguyên nhân do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế, theo ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, còn một nguyên nhân khác là hiện nay các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn chưa biết làm ăn theo đúng quy luật kinh doanh, nghĩa là bán cái chúng ta có chứ chưa bán cái khách hàng cần, dẫn tới sản phẩm bị ép giá.
Tìm thương hiệu hồ tiêu Bà Rịa - Vũng Tàu
Trước thực trạng ngành hồ tiêu Việt Nam chưa phát triển với tiềm năng sẵn có, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa có đề nghị cần xây dựng thương hiệu cho các vùng trồng tiêu, trong đó có Bà Rịa – Vũng Tàu.
Bà Rịa – Vũng Tàu hiện có 7.500ha hồ tiêu, tập trung chủ yếu ở các huyện: Châu Đức, Xuyên Mộc, Tân Thành… Hàng năm, toàn tỉnh xuất ra thị trường khoảng hơn 10.000 tấn hạt tiêu, trong đó, xuất khẩu chiếm hơn 50% sản lượng. Mặc dù mấy năm trước, tỉnh đã có kế hoạch xây dựng thương hiệu cho hồ tiêu nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được, do thời gian qua, dịch bệnh trên cây tiêu đã xảy ra khá nghiêm trọng, làm cho diện tích cây tiêu sụt giảm, sản lượng và chất lượng hạt tiêu cũng giảm đáng kể.
Châu Đức là huyện có diện tích trồng tiêu lớn nhất của tỉnh với 5.951ha, sản lượng đạt 6.703 tấn/năm, chiếm hơn 66% tổng sản lượng. Hạt tiêu Châu Đức đã được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Được biết, UBND huyện Châu Đức và ngành nông nghiệp tỉnh đã có định hướng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm hạt tiêu của huyện cũng như thương hiệu chung của tỉnh nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Hiện nay, hồ tiêu BR-VT tiêu thụ chủ yếu ở dạng tiêu đen, chế biến hạt tiêu trắng chưa phát triển, chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp xuất khẩu, vì thế lợi nhuận thu về cho bà con nông dân còn thấp.
Để xây dựng thương hiệu hạt tiêu của tỉnh, hiện nay ngành nông nghiệp tỉnh đang tập trung vào việc quy hoạch và phát triển vùng trồng tiêu chất lượng cao, trong đó, chọn Châu Đức là địa bàn trồng tiêu chủ lực. Với định hướng trên, hi vọng trong vài năm tới, hồ tiêu của Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ xây dựng được thương hiệu và đứng vững trên thị trường.