Hỏi: Giá cao-su của Việt Nam liên tục tăng cao. Đây chắc hẳn là tín hiệu đáng mừng, thưa Thứ trưởng?
Trả lời: Giá cao-su cao như thế này trước mắt là đáng mừng. Nhưng về lâu dài chúng ta phải tính đến chuyện hạn chế việc xuất khẩu nguyên liệu thô, mà phải phát triển cho được ngành công nghiệp chế biến các sản phẩm từ cao-su.
Hỏi: Giá cao-su ngất ngưởng đang kích thích người nông dân bỏ cây trồng truyền thống, chuyển sang trồng cây cao-su. Điều này đã gián tiếp phá vỡ vùng nguyên liệu của các ngành khác. Chắc chắn chúng ta không khuyến khích điều này, thưa ông?
Trả lời: Vâng, đúng thế! Vấn đề quan trọng ở đây là chúng ta phải làm tốt công tác cảnh báo và dự báo. Trước mắt là giải thích, tuyên truyền cho người nông dân hiểu rằng, giá cao-su xuất khẩu hiện nay phụ thuộc nhiều vào tình hình thế giới. Năm nay được giá không có nghĩa là các năm sau cũng sẽ được như vậy. Người dân không nên lạc quan quá mức vì nếu giá có biến động, chính họ lại là người đầu tiên chịu thiệt.
Hỏi: Vậy theo Thứ trưởng, diện tích cao-su như hiện nay là vừa đủ hay cần mở rộng thêm?
Trả lời: Tôi cho rằng, diện tích hơn 500.000 ha cao-su như hiện nay là phù hợp. Vấn đề cơ bản là tính toán làm sao nâng cao được năng suất chứ như năng suất hiện chỉ 1.400 kg/ha là quá thấp. Phải phấn đấu lên mức 1.700 - 2.000kg/ha. Phải giải thích cho người dân hiểu không nên mở rộng, quảng canh mà chỉ nên chú trọng đầu tư thâm canh tăng năng suất.
Hỏi: Gia nhập WTO, ngành cao-su có những khó khăn và thuận lợi gì, thưa Thứ trưởng?
Trả lời: Hội nhập với nền kinh tế toàn cầu, tôi cho rằng ngành cao-su là một trong những ngành có lợi thế lớn. Cao-su thiên nhiên với nhiều ưu điểm trong việc chế biến được nhiều loại sản phẩm xuất khẩu đang được các nước có nền công nghiệp phát triển ưa chuộng. Vì vậy việc xuất khẩu cao-su thiên nhiên như hiện nay sẽ còn thuận lợi ít nhất 2-3 năm nữa.
Về khó khăn, theo tội, do chúng ta chỉ xuất khẩu nguyên liệu thô nên mang lại giá trị gia tăng, lợi thế cạnh tranh thấp. Nếu chúng ta chế biến thành phẩm thì bắt buộc phải nhập thêm máy móc, dụng cụ tiền tiến, đào tạo con người... Cái khó nữa là diện tích cao-su của ta tuy nhiều, nhưng manh mún, không tập trung... gây bất tiện cho nhà nông, doanh nghiệp trong việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, tăng năng suất.
Hỏi: Vậy ngành cao-su cần làm gì để khi hòa nhập, nhưng không bi hòa tan?
Trả lời: Theo tôi, ngay từ bây giờ ngành cao-su phải nhanh chóng có kế hoạch chế biến, sản xuất các sản phẩm từ nguyên liệu cao-su thiên nhiên; Tập trung đầu tư phát triển ngành công nghiệp chế biến, tiến tới hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô như thời gian qua. Từ bước khởi đầu này, tiếp theo phải huy động cho được nhiều nguồn vốn, chú trọng đầu tư công nghệ mới, đa dạng hóa sản phẩm, tạo sức cạnh tranh cao.
Hỏi: Trước tình hình đó, Bộ Thương mại có hỗ trợ gì cho ngành cao-su Việt Nam?
Trả lời: Chúng tôi thường xuyên cung cấp tất cả những thông tin về thị trường, cung cầu, khả năng đối phó cạnh tranh với các nước... Kết hợp với Hiệp hội cao-su Việt Nam, chúng tôi đang triển khai các chương trình hỗ trợ thông tin hiệu quả giúp ngành giảm thiểu các rủi ro trong kinh doanh.
* Xin cám ơn Thứ trưởng!