Theo báo cáo quy hoạch sử dụng đất trồng lúa đến năm 2020, tầm nhìn 2030 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 1995 đến 2008 sản xuất lúa gạo được cải thiện đáng kể, diện tích gieo trồng, năng suất và sản lượng lúa đều tăng khá. Về diện tích gieo trồng, năm 1995 đạt trên 6,7 triệu ha, năm 2008 đạt 7,4 triệu ha, tốc độ tăng bình quân đạt 0,7%/năm.
Tuy nhiên, theo Bộ NNPTNT, những năm gần đây cùng với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đất trồng lúa ngày càng giảm do phải dành diện tích cho phát triển công nghiệp, kết cấu hạ tầng và đô thị hóa.
Bộ NNPTNT đang xây dựng Đề án quy hoạch sử dụng đất lúa đến năm 2020, tầm nhìn 2030 với mục tiêu đất trồng lúa phải được quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả. Còn theo thông tin từ hội nghị An ninh lương thực Việt Nam vừa diễn ra tuần trước do Bộ NN&PTNT và Viện chính sách lương thực quốc tế IFPRI tổ chức thì trong thời gian qua , nước ta đã đạt được những thành tích tương đối nôi bật về an ninh lương thực. Việt Nam là nước có tỷ lệ diện tích đất trên đầu người ít nhất Châu Á(trừ Băng- la- đét) nhưng lại là nước xuất khẩu gạo lớn. Nhưng làm thế nào để bảo vệ được thành tựu đó thì rất cần có chính sách toàn diện.
Gần đây, đại đa số các nhà kinh tế thế giới đều đưa ra kết luận : giá dầu, giá lương thực tăng không phải do cung thiếu mà chủ yếu là do đầu cơ của các tập đoàn, các công ty đa quốc gia. Khi giá lương thực năm 2007 có xu hướng tăng đột biến thì ngay lập tức việc này đã bị kiểm soát và trở lại bình ổn. Theo ông Nguyễn Đăng Quý, một đại biểu tham dự hội thảo nói trên cho rằng giá đất ở đô thị Việt Nam hiện nay quá cao so với khu vực và thế giới và thậm chí còn cao hơn cả một số nước có giá bất động sản cao vào loại nhất, nhì thế giới như Nhật Bản- mà nguyên nhân chính lại là do đầu cơ và do quá trình đô thị hoá…
Phải có quy hoạch sử dụng đất trồng lúa chung, đất quy hoạch phải đúng và tiến hành tổng điều tra lại hiện trạng sử dụng đất trồng lúa hiện nay, không được cấp phép sai quy định việc sử dụng đất, nhất là đất trồng lúa đang là một vấn đề hết sức cấp thiết, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Diện tích trồng lúa của Việt Nam đã thu nhỏ dần từ 4,47 triệu ha vào năm 2000 xuống còn 4,1 triệu ha. Tính trung bình mỗi năm nước ta mất 59.000 ha diện tích đất lúa. Việc biến mất của mỗi ha đất trồng lúa có thể ảnh hưởng đến từ 10-13 lao động. Hậu quả là khoảng 53% hộ dân bị lấy mất đất trồng lúa thiệt hại về tài chính, trong đó có 34% hộ đã nhìn thấy mức sống bị giảm sút đáng kể. Đây là những ý kiến của ông Suresh Babu, Giám đốc chương trình IFPRI đưa ra tại hội thảo nói trên. Ông Suresh Babu cũng cho rằng mặc dù kinh tế Việt Nam đã trải qua các năm phát triển và tăng trưởng mạnh nhưng có thể Việt Nam vẫn phải đối diện với nạn đói. Mặc dù là nước đứng thứ hai trên thế giới về xuất khẩu gạo nhưng hiện Việt Nam vẫn có khoảng 1 triệu người, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sống không đủ lương thực, khoai sắn vẫn là món ăn hàng ngày của họ.
Quá trình đô thị hoá, công nghiệp hoá ở Việt Nam đã và đang góp phần làm thu nhỏ diện tích “bờ xôi ruộng mật ” của người nông dân nói riêng và quốc gia nói chung. Nhiều diện tích đất trồng lúa đã bị khai hoá một cách ồ ạt mà không hề báo cáo lên chính phủ. Để gìn giữ đất đai phục vụ cho nhu cầu lương thực trong nước và xuất khẩu ngay từ hôm nay rất cần có những việc cần làm ngay. Theo như ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục trồng trọt thì an ninh lương thực là vấn đề cấp quốc gia cần được ưu tiên.