Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Doanh nghiệp sữa sẵn sàng chịu lỗ
15 | 09 | 2009
Ngày 20/9, lần đầu tiên Hà Nội sẽ tổ chức Ngày Sữa học đường tại Công viên nước Hồ Tây và trong năm học này sẽ trợ giá để cấp sữa cho hơn 10.000 HS trên địa bàn Thủ đô. Nhiều chuyên gia, chủ DN sữa... cho rằng, Đề án Sữa học đường cần sớm khởi động lại.

Ngày uống sữa miễn phí

Ông Tạ Văn Tường - Giám đốc Trung tâm Phát triển Chăn nuôi Gia súc lớn Hà Nội cho biết, không đợi đề án của Chính phủ, Hà Nội đã chủ động triển khai chương trình Sữa học đường ngay từ năm học 2009 - 2010.

Do nguồn kinh phí có hạn nên việc triển khai sẽ làm trên phạm vi hẹp. Theo đó, hơn 10.000 học sinh khối tiểu học của 16 trường mẫu giáo và tiểu học trên địa bàn thành phố sẽ được uống sữa có trợ giá của Nhà nước.

Thời gian hỗ trợ cho trẻ uống sữa là ba tháng. Ngân sách thành phố sẽ hỗ trợ 30 phần trăm kinh phí, còn lại do phụ huynh học sinh đóng góp.

Trước mắt, sẽ tổ chức uống sữa miễn phí cho các em học sinh khối lớp 1, 2, 3 của hai trường tiểu học Nhật Tân và Quảng An (quận Tây Hồ) trong năm ngày 14, 16, 18, 21, 23 tháng 9/2009. Mỗi em được phát miễn phí một hộp sữa 110 ml, uống vào 16 giờ hàng ngày.

Ngoài ra, sáng 20/9 tới, tại Công viên nước Hồ Tây, thành phố sẽ tổ chức Ngày Sữa học đường với sự tham gia của hơn 2.000 học sinh, phụ huynh của hai trường tiểu học Nhật Tân và Quảng An và 200 khách mời.

Tất cả người dân đến công viên vào thời gian này cũng sẽ được uống sữa thoải mái. “Hôm đó là ngày nghỉ nên chúng tôi dự tính sẽ có thêm khoảng 1.000 người dân cùng dự” - Ông Tường nói, các đơn vị cung ứng đã cam kết bán sữa bằng giá thành sản xuất. Một hộp sữa có thể rẻ hơn từ 10- 15 phần trăm so với giá bán lẻ trên thị trường.

Học sinh Tiểu học Quang Trung Hà Nội uống sữa sau giờ học. Ảnh: Hồng Vĩnh

DN sữa sẵn sàng chịu lỗ

Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Sữa Quốc tế Nguyễn Tuấn Khải cho biết, việc ra đời Đề án Sữa học đường là vô cùng cần thiết. Do vậy, Cty sẵn sàng tham gia, thậm chí trong hai ba năm đầu chịu lỗ 4 - 5 phần trăm cũng chấp nhận.

Điều lo ngại của ông Khải chính là do chưa có một chương trình tổng thể từ Chính phủ nên ngay các trường học cũng còn đủng đỉnh. “Người ta cứ nghĩ chúng tôi đi bán sữa mà không hiểu hết ý nghĩa của cả Đề án Sữa học đường.

Chúng tôi rất muốn tiết kiệm mọi thứ để có mức giá sữa thấp nhất cho các em. Tuy nhiên, nhiều khi đưa sữa vào trường học lại phải quà cáp cho các thầy, thêm chi phí phát sinh. Chúng ta phải có chương trình tổng thể của Chính phủ để làm sao tiết kiệm chi phí nhất, đưa sữa giá thấp nhất đến các cháu học sinh”- Ông Khải nói.

Thêm vào đó, theo ông Khải, nếu có Đề án Sữa học đường thì giá sữa tại Việt Nam chắc chắn hạ và bình ổn, bởi, các doanh nghiệp sữa trong nước sẽ đưa ra mức giá cạnh tranh, người dân sẽ hiểu hơn rõ về giá trị của sữa bò tươi trong nước, không tiếp tục chạy theo sữa bột ngoại.

Bà Bùi Thị Hương, Giám đốc Đối ngoại Cty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) cho biết, Vinamilk sẵn sàng góp sức cùng Chính phủ và các bộ, ngành triển khai đề án này.

“Tham gia chương trình Sữa học đường, chúng tôi sẽ đưa ra mức giá thấp nhất có thể, tính toán làm sao đủ chi phí sản xuất là được, chứ không tính đến lợi nhuận, với mục tiêu trẻ em Việt Nam cũng được uống sữa tươi như các nước trong khu vực”- Bà Hương nói.

Bà Hương cũng cho rằng, Đề án Sữa học đường là một chương trình lớn, không thể một doanh nghiệp nào tự đứng ra làm được. Do vậy, phải có chương trình của Chính phủ và sự vào cuộc của các bộ, ngành liên quan thì đề án mới thành công và nhân rộng được ra toàn quốc. 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội Nguyễn Đăng Vang:

Chưa ai ngồi ngẫm nghĩ đề án này

Tôi đi thăm Nhật Bản và thấy chương trình Sữa học đường của họ rất tốt. Thế giới đã làm và chúng ta đã thấy. Tuy nhiên, tại Việt Nam, không ai ngồi ngẫm nghĩ và cũng có thể chưa kịp nhận thức về điều này.

Chúng ta đã có tiền nhưng vấn đề là tổ chức thực hiện. Mấy lần tôi muốn thúc đẩy lại Đề án Sữa học đường, nhưng chưa được bởi các bộ, ngành đều không mặn mà tham gia.

Theo tôi, Bộ Y tế, GD&ĐT và LĐ-TB&XH phải phối hợp mà làm, chứ bộ nào cũng coi không phải việc của mình thì rất khó.

Tôi cho rằng, phải có một chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển tầm vóc người Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu.



Theo www.tienphong.vn
Báo cáo phân tích thị trường