Vẫn phải nhập đường
Kết quả khảo sát, phân tích của Agroinfo, Bộ NN&PTNT cho thấy, thực trạng cung không đáp ứng được cầu của thị trường đường trong nước là có thực.
Báo cáo phân tích, diện tích trồng mía tại các vùng nguyên liệu chính ở các khu vực Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung, Đồng bằng sông Cửu Long và khu vực Đông Nam Bộ đang có xu hướng thu hẹp dần. Riêng giai đoạn 2001 – 2008, diện tích trồng mía trên cả nước giảm 1,13 phần trăm/năm.
Diện tích trồng mía suy giảm chủ yếu do thu nhập từ trồng mía thấp hơn thu nhập từ các loại cây trồng khác trong khi công việc nặng nhọc hơn. Sự thu hẹp diện tích trồng mía đã ảnh hưởng tới sản lượng mía đường hàng năm. Trong năm 2008, sản lượng mía ở hầu hết các khu vực, đặc biệt là ở Đông Nam Bộ bị suy giảm 33,9 phần trăm.
Điều này dẫn đến nguồn nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy không ổn định, kéo theo sức ép về nguồn cung trong khi nhu cầu của thị trường trong nước luôn tăng cao.
Theo đánh giá của các chuyên gia Agroinfo, giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung đường trên thị trường rất nan giải nhất là khi các nhà máy của Việt Nam chưa thực sự hiệu quả.
Dù hoạt động hết công suất thì các nhà máy cũng chỉ có thể sản xuất được khoảng một triệu tấn đường thành phẩm trong khi nhu cầu thực tế ước tính 1,2 triệu tấn. Chính vì vậy hàng năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu để bù đắp lượng đường thiếu hụt.
Theo nhận định của các chuyên gia thuộc Agroinfo, cơn sốt giá đường có thể sẽ dịu đi từ cuối tháng Chín này khi các nhà máy đường trong nước đồng loạt bước vào sản xuất và cơ quan chức năng cấp hạn ngạch nhập khẩu bổ sung cho các doanh nghiệp sử dụng lượng đường lớn.
“Cơn sốt giá đường sẽ dịu bớt nhưng giá đường sẽ vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao trong quý 4 năm nay” - Đại diện Agroinfo nhận định.
Giá đường Việt Nam gấp đôi thế giới
Từ năm 2008 đến nay, cùng với xu hướng tăng giá chung của nhiều mặt hàng, đường thô cũng liên tục tăng giá và giữ ở mức xấp xỉ 600USD/tấn.
Tại Việt Nam, giá đường luôn ở ngưỡng cao hơn giá thế giới. Tính riêng giá đường trắng tinh luyện (RE) mà các doanh nghiệp tại Hà Nội phải mua trong giai đoạn 2007/2008 luôn dao động ở mức 590 – 600 USD/tấn trong khi giá của mặt hàng này tại Thái Lan và Anh chỉ dao động từ 250 đến 370 USD/tấn.
Điều này cho thấy giá đường RE do Việt Nam sản xuất có giá cao gấp đôi giá đường trên thị trường thế giới. Trong khi giá các mặt hàng trên thị trường thế giới có xu hướng giảm thì từ tháng 4/2009 đến nay, giá đường RE trên thị trường trong nước lại tăng đột biến và chưa có dấu hiệu chững lại.
Về việc giá đường nhảy vọt, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam - Võ Thành Đàng cho biết, từ tháng Ba đến nay giá đường thế giới liên tục tăng. Giá đường trong nước cũng tăng tương ứng. Giá đường ở Việt Nam đang trong quá trình phục hồi giá chứ không phải là tăng quá cao so với các nước xung quanh.
Nếu tính theo công thức trước đây, một kg đường bằng ba kg gạo thì nay một kg đường đã có giá tương đương giá của một kg gạo. Ở Trung Quốc hiện giá đường bán buôn ở mức 15.000 - 16.000 đồng/kg. Thái Lan, giá bán buôn ở mức 12.500 - 13.000 đồng/kg.
Ông Đàng cũng cho biết, Hiệp hội cũng vừa có kiến nghị gửi Chính phủ về việc cần có nghị định về mía đường. Nếu nghị định này ra đời thì các địa phương sẽ dựa vào đó để vận hành, giúp ổn định ngành mía đường.