Về việc Hiệp hội Mía đường Việt Nam khẳng định không thiếu đường cho sản xuất, trao đổi với Tiền Phong, ông Xuân cho rằng từ trước đến nay Hiệp hội này luôn nói thế nhưng thực tế hiện nay là không có đủ đường để bán cho các nhà máy trong khi giá đường cao ngất ngưởng.
Còn nếu Hiệp hội nói còn tới 100.000 tấn đường tồn kho thì vậy số đường đó đâu mà lại để doanh nghiệp kêu khó mua? Hiệp hội mới đứng về phía bảo vệ các nhà máy
Ông cũng cho biết trước những phản ánh của doanh nghiệp về tình hình thiếu đường trên thị trường, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị Bộ NN&PTNT có chỉ đạo, vận động các doanh nghiệp mía đường tìm mọi cách đáp ứng đủ nhu cầu của các cơ sở sử dụng đường lớn.
“Với trách nhiệm quản lý của mình thì Bộ và Hiệp hội phải có trách nhiệm trong việc cung ứng, đảm bảo cho doanh nghiệp đủ nguyên liệu để sản xuất. Bộ NN&PTNT cũng xem xét tình hình, cân đối lại rồi đưa ra con số chính thức về tình hình cung ứng đường để dựa vào đó Bộ Công Thương xem xét cấp thêm hạn ngạch nhập khẩu để đảm bảo cung ứng cho thị trường trong nước, giải tỏa bức xúc hiện nay”- Ông Xuân nói.
Sẽ cho nhập thêm 10.000 tấn đường?!
Đại diện Vụ Thị trường trong nước cũng cho biết Bộ Công Thương dự kiến sẽ cho phép các doanh nghiệp nhập bổ sung từ 8.000 đến 10.000 tấn đường để phục vụ sản xuất.
“Tuy nhiên trước khi có quyết định chính thức cần có thêm ý kiến của Bộ NN&PTNT nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được hồi âm từ phía Bộ NN&PTNT. Việc cấp phép này cần thực hiện sớm vì nếu không đến khi doanh nghiệp nhập được đường về thì tình hình trong nước đã khác”- Ông Xuân cho biết.
Trước đánh giá của Hiệp hội Mía đường về việc các doanh nghiệp sử dụng đường lớn không chủ động trong việc ký hợp đồng từ đầu năm dẫn đến việc thiếu đường thì mới ùa ra kêu, ông Nguyễn Tuấn Khải, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sữa Quốc tế (IDP) khẳng định trên thị trường hiện nay có hàng nghìn doanh nghiệp sử dụng đường lớn trong khi chỉ có trên 30 doanh nghiệp sản xuất đường.
Theo ông Khải, vấn đề của ngành mía đường hiện nay là nằm ở hệ thống phân phối chưa hợp lý. Bên cạnh đó việc ký hợp đồng giao hàng kỳ hạn với các nhà máy đường đôi khi cũng không hề dễ do các doanh nghiệp nhiều khi cũng không dám cam kết vì chưa rõ năm nay có được mùa hay không.
Đại diện Cty Cổ phần Sữa Quốc tế và một số doanh nghiệp ngành sữa khác cũng cho biết đang phải cố gắng cầm cự với hy vọng từ nay đến đầu tháng 10 tình hình cung cấp đường trên thị trường sẽ được cải thiện nếu không chắc chắn việc giảm hoặc tạm ngừng sản xuất là có thể xảy ra.
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo một doanh nghiệp sử dụng đường lớn ở Hà Nội cũng cho rằng tình hình khan hiếm đường từ nay đến ngày 15/10, thời điểm các nhà máy đường phía Bắc đi vào sản xuất, sẽ giảm đi nhưng không phải là hết hẳn do những người đầu cơ sẽ tùy liệu tình hình để đẩy mạnh ra hay tiếp tục găm hàng trong kho ra bán.