Theo thông báo, bộ trên sẽ đưa ra các quy định mới để điều tiết hệ thống xuất khẩu mới, trong đó quy định cách thức nộp đơn dự thầu và cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm quản lý. Các quy định mới cũng bao gồm việc hạn chế khối lượng gạo xuất khẩu của mỗi công ty để đảm bảo tối đa các nhà xuất khẩu được lợi từ hệ thống này. Tuy nhiên, thông báo không cho biết chi tiết cụ thể về mức thuế xuất khẩu, vừa được tăng lên 2.000 bảng Ai Cập/tấn (365 USD) hồi tháng 7/09.
Dự kiến trong tuần tới, bộ trên sẽ mở thầu xuất khẩu 100.000 tấn gạo giao trong tháng 12/09.
Tháng 3/08, Ai Cập đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo, có hiệu lực đến hết tháng 10/2010, để kiểm soát mức tăng giá các mặt hàng thiết yếu trên thị trường trong nước. Tuy nhiên, hệ thống vừa mới được xây dựng hồi tháng 2/09 cho phép các công ty bán gạo cho nước ngoài nếu khối lượng xuất khẩu tương đương với khối lượng bán cho nhà nước trong các cuộc đấu thầu. Việc này đã hình thành thị trường giấy phép xuất khẩu gạo, bởi một số nhà giao dịch không xuất khẩu gạo đã bán giấy phép giành được trong quá trình đấu thầu cho các nhà xuất khẩu. Kết quả là giá gạo trong nước giảm mạnh, do giới giao dịch bỏ thầu với mức giá thấp để họ có thể giành được giấy phép, và sau đó bán lại cho các nhà xuất khẩu.
Hệ thống mới vừa công bố ngày 13/10 phá vỡ mối liên hệ giữa các công ty tham gia đấu thầu bán gạo nhà nước với hệ thống xuất khẩu, bởi các nhà xuất khẩu không còn phải bán gạo cho nhà nước để giành được giấy phép. Bộ trưởng Rachid Mohamed Rachid cho biết khung pháp lý này đảm bảo rằng người dân Ai Cập có thể mua gạo ở mức giá thấp và cùng lúc đó vẫn duy trì công suất của các nhà máy xay xát và khuyến khích họ đẩy mạnh hoạt động. Các cơ sở xay xát gạo của Ai Cập phàn nàn rằng việc giá cả trong nước sụt giảm như là hệ quả của lệnh cấm xuất khẩu và hệ thống gắn việc xuất khẩu với việc mua gạo của nhà nước đã khiến họ bị thua lỗ nặng.
Lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ai Cập còn là một phần trong chính sách của chính phủ nước này nhằm hạn chế nông dân trồng lúa để bảo vệ nguồn nước. Một thành viên hội đồng xuất khẩu nông sản Ai Cập cho biết hiện nước này có kế hoạch giảm khoảng 1/3 diện tích lúa xuống 1,1 triệu feddan (462.000 ha) trong niên vụ 2010/2011. Trong khi đó, nguồn cung nước của Ai Cập chỉ vào khoảng 860 m3/người/năm, thấp hơn rất nhiều so với ngưỡng bị coi là nghèo 1.000 m3/người/năm, trong đó nông nghiệp đã chiếm hơn 80%.