Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nhãn xuồng lên GAP
02 | 11 | 2009
Sau vườn nhãn tiêu Huế của DNTN Ngọc Ngân ở Cái Bè - Tiền Giang, vườn nhãn xuồng cơm vàng 5 ha của trang trại Kỹ Việt ở Tân Hiệp, Bình Long, Bình Phước là vườn nhãn thứ 2 của VN được cấp chứng chỉ GlobalGAP.

LÀM GAP KHÔNG KHÓ

Đến trung tâm xã Tân Hiệp, qua Trung tâm Bảo trợ xã hội của Sở Lao động TB - XH TP Hồ Chí Minh, chúng tôi phải đi tiếp vài km đường đất ngoằn ngoèo nữa mới tới được vườn nhãn xuồng rộng 5 ha của trang trại Kỹ Việt.

Tưởng lạ hóa ra quen, tôi và anh hai Rõ, người quản lý trang trại đã từng gặp nhau tại An Giang vào năm 1994, năm ấy, An Giang là tỉnh đầu tiên trong cả nước vinh danh các “Hai Lúa” và trong số 20 nông dân đợt đầu được phong tặng danh hiệu nông dân sản xuất giỏi ấy có anh Hai Rõ. Ở Châu Thành, An Giang, Hai Rõ có biệt danh là “người trồng lúa dạo” vì hễ có ai cho thuê ruộng là anh nhận liền và làm rất hiệu quả. Làm GAP quốc tế có khó không? – Không khó, anh trả lời ngay cái rẹc - mấy ổng bày cho tôi cách phân lô, đánh số thì việc ấy chúng tôi đã làm ngay từ khi sang được đất bắt đầu trồng cây, chỉ có điều việc phân lô trước đây không có biển báo nên chỉ có chúng tôi biết, còn giờ thì cắm biển lên ai cũng biết; mấy ổng bày cho cách ghi chép ví như hôm nay xài thuốc gì, phân gì ở lô nào, tình trạng của cây ra sao… những chuyện ấy chúng tôi đã ghi chép từ… trước giải phóng, bởi nếu không ghi chép thì làm sao đúc rút được kinh nghiệm để đi trồng lúa dạo được, vậy nên đến khi các ổng đòi coi sổ sách ghi chép trong 2 năm, tôi đưa luôn cả chồng 10 năm, các ông chịu luôn.

MUỐN THẮNG CHỈ CÓ THỂ LÀ ĐẶC SẢN

Ông chủ trang trại Kỹ Việt, anh Lê Hiếu Hữu, cũng từng là cán bộ khuyến nông rồi cán bộ tiếp thị cho một công ty vật tư NN nước ngoài. Có điều kiện đi học hỏi nhiều nơi anh tự đúc kết – Trái cây VN muốn thắng ở nước ngoài chỉ có thể là đặc sản. Hun đúc ý tưởng ấy nên từ năm 1999 anh đã cùng một người bạn gầy dựng trang trại này. Mười năm qua cũng là 10 năm chìm nổi với thị trường nhãn bởi có năm giá lên đến 12.000 – 15.000 đ/kg, nhưng có năm chỉ còn 1.500 – 2.000 đ/kg, thậm chí 800 đ/kg. Riêng tại Tân Hiệp này cũng đã có gần 100 ha nhãn bị đốn hạ, chỉ còn lại duy nhất vườn nhãn của anh nhờ vào chất lượng Xuồng cơm vàng chính hiệu nên giá “vẫn còn đường thở”. Một điều bất ngờ khác, trong cơn đại dịch “bệnh đầu lân” đang làm tiêu điều các vườn nhãn giống tiêu da bò thì với giống Xuồng cơm vàng lại không hề hấn gì.

- Bỏ ra hơn 100 triệu lấy tờ giấy, ông tính bao giờ gỡ vốn? Tôi hỏi.

- Chưa biết, nhưng chắc chắn là không lâu đâu, bởi không có GlobalGAP thì các thương lái nhãn cho chợ đầu mối Thủ Đức, cho Nông Pênh đã giành nhau. Thế nhưng cái đích của tôi không phải là thị trường trong nước mà là thị trường châu Âu, Nhật Bản. Tôi biết chắc rằng với trọng lượng 40-50 quả/kg, với chất lượng ngon như xuồng cơm vàng của ta thì khi ra nước ngoài sẽ không có đối thủ. Nếu nhãn giống Indo của Thái đã từng hất nhãn tiêu da bò của ta ra khỏi thị trường Trung Quốc thì tôi cũng tin sẽ có ngày nhãn xuồng cơm vàng của ra hất nhãn Indo khỏi các thị trường cao cấp.

Rất tự tin với xuồng cơm vàng, với kỹ thuật canh nông của người Việt Nam (lấy tên trang trại là Kỹ Việt), hy vọng Xuồng Cơm Vàng đưa dân tộc VN đến gần hơn với bạn bè thế giới.



Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam
Báo cáo phân tích thị trường