Với sự tăng trưởng số lượng đầy ấn tượng, gấp 15 lần trong vòng 9 năm (1999 - 2008), các DN Việt Nam đã thể hiện sức sống mãnh liệt của mình. Chiếm 97% trong số khoảng hơn 400 nghìn DN đang hoạt động trong nền kinh tế Việt Nam, các DN vừa và nhỏ được ghi nhận là động lực cho sự phát triển của Việt Nam thời gian qua.
Tuy nhiên, nguồn động lực này chưa phát huy được sức đẩy như mong muốn, do tác động của khủng hoảng, suy thoái kinh tế cũng như những tồn tại vốn có trong môi trường kinh doanh Việt Nam và hạn chế nội tại của các DN vừa và nhỏ.
Những khó khăn như thiếu vốn, khó tiếp cận đất đai làm mặt bằng kinh doanh, công nghệ lạc hậu, năng lực cạnh tranh yếu, trình độ quản trị doanh nghiệp hạn chế, khó khăn trong tiếp cận thị trường... đang cản trở các DN vừa và nhỏ Việt Nam bứt phá, xứng đáng là lực lượng sức mạnh của dân tộc trên con đường phát triển mới.
Vừa qua, trong khủng hoảng, Chính phủ đã công bố một loạt các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện giúp đỡ doanh nghiệp, bằng cách bơm vốn, dỡ bỏ các thủ tục hành chính cản chân DN... Liệu các chính sách đó đã đủ cho một sự bứt phá vươn lên của DN?
Và các DN Việt Nam đã tiếp cận được bao nhiêu những sự hỗ trợ đó từ Nhà nước? Điều gì đằng sau sự tồn tại, thậm chí gia tăng các DN vừa và nhỏ Việt Nam, thay vì dự báo 80% DN vừa và nhỏ gặp khó, trong đó 20% sẽ biến mất?
Bối cảnh kinh tế hậu khủng hoảng khiến cho yêu cầu định dạng bức tranh, định vị chỗ đứng của DN vừa và nhỏ trong nền kinh tế Việt Nam trở nên ngày càng bức thiết. Soi lại thực trạng DN vừa và nhỏ Việt Nam, nhận dạng cái mạnh, cái yếu, để từ đó, Chính phủ tiếp sức, DN vượt lên chính mình để phát triển lực lượng này đông và mạnh.
Với mong muốn góp một góc nhìn, một tiếng nói để cùng gỡ khó cho DN vừa và nhỏ, Tuần Việt Nam phối hợp với Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp - Nông thôn (IIPSARD) tổ chức bàn tròn: Đối thoại chính sách về con đường phát triển cho DN vừa và nhỏ Việt Nam lúc 14h30 ngày 27/1.
Ba vị khách mời từ các góc độ khác nhau: đại diện cơ quan quản lý nhà nước, đại diện Hiệp hội DN vừa và nhỏ, và một người nghiên cứu có nhiều năm gắn bó với DN sẽ cùng trao đổi, chất vấn về các vấn đề phát triển của DN vừa và nhỏ Việt Nam và vai trò của Chính phủ trong sự phát triển đó.
Ngay bây giờ, mời bạn đọc đặt câu hỏi cho ba vị khách mời:
- Ông Lê Danh Vĩnh - Thứ trưởng Bộ Công thương Việt Nam
- Ông Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ Việt Nam
- Bà Phạm Chi Lan - Chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Bàn tròn trực tuyến đã kết thúc sau hơn 2 giờ đồng hồ trò chuyện. Tuần Việt Nam sẽ gửi đến độc giả toàn văn nội dung bàn tròn trong thời gian sớm nhất. Chân thành cảm ơn độc giả đã gửi câu hỏi và theo dõi cuộc trao đổi.
Nhà nước không can thiệp việc kinh doanh của doanh nghiệp
Tác giả: Tuần Việt Nam
Bài đã được xuất bản.: 30/01/2010 09:00 GMT+7
Điều hành không phải là can thiệp vào hoạt động của DN. Đó là việc của các chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc. Lãnh đạo Bộ không hề can thiệp hoạt động của DN, Thứ trưởng Lê Danh Vĩnh nói tại buổi trực tuyến về con đường phát triển của DN vừa nhỏ.
Nhà báo Phương Loan: Với sự tăng trưởng số lượng đầy ấn tượng, gấp 15 lần trong vòng 9 năm, các DN Việt Nam đã thể hiện được sức sống mãnh liệt của mình. DN vừa và nhỏ được ghi nhận là động lực cho sự phát triển của Việt Nam trong thời gian qua, tuy nhiên nguồn động lực này chưa phát huy được sức đẩy như mong muốn do nhiều yếu tố như tác động của cuộc khủng hoảng, suy thoái kinh tế cũng như tồn tại vốn có của môi trường kinh doanh Việt Nam và hạn chế nội tại của các DN vừa và nhỏ.
Tuần Việt Nam phối hợp với Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp - Nông thôn (IPSARD) tổ chức bàn tròn về con đường phát triển cho DN vừa và nhỏ ViệtNam với 3 vị khách mời :
- Ông Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam,
- Bà Phạm Chi Lan - chuyên gia kinh tế, nguyên Phó chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam,
- Ông Lê Danh Vĩnh - Thứ trưởng Bộ Công thương Việt Nam.
Có lớn mà không mạnh
Câu hỏi đầu tiên xin dành cho ông Cao Sỹ Kiêm: Các nghiên cứu đã chỉ rõ là một khu vực DN vừa và nhỏ lớn mạnh là đặc điểm quan trọng của nền kinh tế thành công. Với Việt Nam, sau 10 năm ra đời và hoạt động của luật DN, chúng ta đã có một lực lượng DN vừa và nhỏ lớn mạnh hay chưa?
Ông Cao Sỹ Kiêm: DN Việt Nam có lớn nhưng không mạnh. Các DN vừa và nhỏ Việt Nam phát triển rất nhanh sau thời gian ngắn, nhất là sau khi luật DN Việt Nam ra đời. Khu vực này chiếm 95-97% tổng số DN của nước ta, sử dụng 50% lượng lao động và làm ra khoảng 40% hàng tiêu dùng XK và đóng góp gần 20% GDP.
Thời gian qua, tốc độ phát triển DN tương đối tốt, vị trí tương đối rõ, nhưng lại không mạnh về điểm. Phần lớn DN Việt Nam nhỏ và vừa có vốn rất ít, vốn tự có, vốn điều lệ rất ít, huy động bên ngoài hạn chế, tiếp cận thị trường vốn không đủ điều kiện, năng lực tự huy động không có... Vốn là cái khó khăn nhất và cũng là cái yếu nhất của DN.
Về trình độ công nghệ, phần lớn DN từ thủ công đi lên hoặc có tiếp cận được khoa học công nghệ nước ngoài thì cũng là thế hệ sau, gần như cuối chót lạc hậu.
Về tay nghề, chúng ta đào tạo không kịp, lực lượng lao động qua đào tạo cũng chỉ khoảng 20-30%. Ngay cả với tỷ lệ 20-30% đó cũng là đào tạo kiểu kỹ thuật đơn giản, ngắn ngày, thao tác cho nhuần nhuyễn, chứ kỹ thuật công nghệ cao cũng chưa có nhiều.
Bên cạnh đó, khả năng quản lý, nhận biết về kinh doanh thị trường thế giới và trong nước, luật lệ văn hóa kinh doanh, xúc tiến thương mại và quảng bá thương mại còn rất hạn chế.
Nói như thế để thấy rằng bức tranh DN vừa và nhỏ Việt Nam có những điểm mạnh thì rất mạnh còn những điểm yếu thì rất yếu.
Nhà báo Phương Loan: Cách đây chưa lâu, bà Chi Lan có nhận xét: Việt Nam chưa có DN Thánh Gióng. Thực tế, DN vừa và nhỏ Việt Nam chiếm tới 97% tổng số DN. Tại sao chúng ta lại có ít DN lớn đến thế và nhất là những DN đi từ DN nhỏ đi lên?
Bà Phạm Chi Lan: Thực ra các DN đi từ nhỏ đến lớn phải có một quá trình, như một đứa trẻ sinh ra phải có quá trình từ bú sữa mẹ rồi lớn dần lên, biết ăn uống rồi trưởng thành người lớn được.
Ở các nước, kinh nghiệm chung cho thấy các DN từ nhỏ trở thành DN lớn phải mất một thời gian 1 thập kỷ. Tổ chức lao động thế giới ILO đã tổng kết thì sau 10 năm có một số DN nhỏ vượt lên thành DN lớn, và đóng góp vào sự phát triển của đất nước lớn hơn.
Ở Việt Nam, DN ra đời sau 10 năm có khá ít DN lớn, còn đa phần là quy mô vừa và nhỏ. Thậm chí có DN không thể tồn tại được, rút ra khỏi thịt trường.
Điều này có hai nguyên nhân: Trước hết là ở chính bản thân các doanh nghiệp như ông Cao Sỹ Kiêm đã nêu. Các DN tuy đông về số lượng nhưng DN vừa nhỏ lại vừa yếu nữa. Trong cái yếu đó, nhiều DN không đủ sức vươn lên thành DN Thánh Gióng.
Một nguyên nhân khác cũng không kém phần quan trọng là môi trường để cho các DN Việt Nam trưởng thành. Cũng giống như những cây nhỏ chúng ta trồng nếu có đất tốt, được tưới tắm có ánh sáng thì phát triển tốt, còn những cây vào những vùng đất cằn cỗi lại không chăm bón, không có người chắm sóc tử tế, thậm chí bỏ mặc nó thì khó phát triển được,
DN Việt Nam cũng vậy. Môi trường kinh doanh ở nước ta thực sự có nhiều mặt chưa thuận lợi và đặc biệt tiếp cận các nguồn lực đối với các DN vừa và nhỏ là vô cùng khó khăn.
Không có nguồn lực cho nên cũng có những người tài ba kinh doanh nhưng bị bó tay bó chân Họ không thể làm được những quy mô như mong muốn.
Ai cũng biết về mặt nguyên lý là nếu trưởng thành quy mô lớn hơn thì sẽ kinh tế hơn. Khị đến một quy mô nhất định thì khả năng lớn hơn rất nhiều nhưng không vượt qua ngưỡng đó thì không thể lớn lên được. Đây là vấn đề của chúng ta,
Liên quan đến môi trường kinh doanh, một yếu tố rất quan trọng là vai trò của chính phủ, sự quan tâm cơ chế chính sách các mặt của chính phủ.
Nhà báo Phương Loan: Đứng trên góc độ của một người quản lý, Thứ trưởng Lê Danh Vĩnh đánh giá như thế nào về sự quan tâm của NN đối với DN vừa và nhỏ-lực lượng được đánh giá là đóng vai trò tiên phong trong phát triển kinh tế và tự do hóa kinh doanh của Việt Nam?
Ông Lê Danh Vĩnh: Tôi cho rằng, trong nền kinh tế ngay cả các nước có quy mô phát triển cao như Nhật Bản, Tây Âu và Bắc Mỹ nhưng họ vẫn chú trọng phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) bởi vì SME và doanh nghiệp lớn bổ sung và hỗ trợ cho nhau trong việc sử dụng nguồn lao động và sản xuất các sản phẩm mà các doanh nghiệp lớn không làm được.
Ở nước ta, đảng và nhà nước luôn quan tâm đến DN, đặc biệt là SME bởi vì ở nước ta hầu hết là SME, ít có DN quy mô lớn.
Khi nước nghèo, nhà nước đầu tư vào DN, sở hữu thuộc DNNN nhưng khi ta dần chuyển sang nền kinh tế thị trường hội nhập kinh tế quốc tế, chúng ta chủ trương đa dạng hóa loại hình DN, đa dạng hóa hình thức sở hữu; DN làm ăn có hiệu quả thì phát triển, DN nào làm ăn không hiệu quả thì khó khăn.
Đối với SME, vừa rồi Chính phủ ban bành Nghị định 56 về giải pháp hỗ trợ SME là bước đi đúng hướng. sự hỗ trợ của nhà nước từ tài chính, cung cấp thông tin, đào tạo nhân lực, chính sách hỗ trợ để sử dụng KHCN, nguồn lực cán bộ khoa học kĩ thuật nước ngoài. SME không có điều kiện đi ra nước ngoài nhiều thì nhà nước hỗ trợ thông tin, ứng dụng thương mại điện tử trong làm ăn với nước ngoài hiệu quả hơn và kém chi phí hơn.
Méo mó phân bổ nguồn lực do lịch sử!
Nhà báo Phương Loan: Để DN phát triển được thì điều quan trọng nhất là khả năng tiếp cận được các nguồn lực của XH. Tuy nhiên có những đánh giá cho rằng bầu sữa nhà nước vẫn ưu ái chủ yếu cho các tập đoàn kinh tế nhà nước, trong khi lực lượng đông đảo các SME vẫn tiếp cận hạn chế với các nguồn lực kinh tế dù chúng ta khẳng định ưu tiên DN vừa và nhỏ?
Ông Lê Danh Vĩnh: So sánh giữa DN lớn đặc biệt là DNNN với SME thì có những ý kiến khác nhau. Tôi cho rằng, từ khi chúng ta chuyển sang kinh tế thị trường, về cơ bản, ngân sách nhà nước lo cho xây dựng kết cấu hạ tầng... Về lâu dài, nó sẽ không giống như thời chiến tranh, bao cấp, với các DN sở hữu nhà nước, muốn mua máy bay thì nhà nước mua, xây dựng nhà máy điện thì nhà nước xây, đường sắt cầu cảng do nhà nước làm.
Ta chủ trương cổ phần hóa DNNN và chỉ giữ một số DN quan trọng chứ không phải là mãi mãi DNNN quản lý.
Tại thời điểm này các DN khác không được lợi thế như DNNN nên họ cũng có những suy bì nhưng đó là do lịch sử.
Nhà nước đang cổ phần hóa các DN. Ngay trong Bộ Công Thương cũng đang tiến hành cổ phần hóa các DN theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ chứ không có ý giữ lại cho nhà nước sở hữu.
Bà Phạm Chi Lan: Tôi nghĩ ở nước ta, cho đến bây giờ vẫn còn những méo mó trong cách phân bổ nguồn lực. Ở ta, nhà nước tập trung điều hành rất nhiều lĩnh vực kinh tế tập trung nguồn lực trong tay mình.
Ví dụ, đất đai thuộc sở hữu toàn dân nhưng đại diện là nhà nước cho nên phân bổ đất đai ở đâu thì tất cả người dân và doanh nghiệp đề xuất với nhà nước. Cấp cho mình sử dụng, giao đất hay cho thuê dưới dạng nào là tiếp cận đất của nhà nước.
Một phần cũng do lịch sử để lại như ông Vĩnh vừa nêu nhưng một phần khác chúng ta đang giao cho DNNN sử dụng nhiều hơn.
Thẳng thắn mà nói thì mỗi khi cần một khoảng đất nào, về bất kỳ các địa phương nào thì thấy các DNNN dễ dàng tiếp cận, có thể lấy được hàng chục, thậm chí hàng trăm hecta đất để tổ chức sản xuất kinh doanh của mình. Có nơi địa phương giao đất nhưng các DN không sử dụng và kết quả là như vừa rồi như ở đồng bằng sông Cửu Long quyết định thu hồi đất giao cho một tập đoàn kinh tế nhà nước vì giao đất 5-6 năm rồi nhưng không sử dụng, tạo sự lãng phí rất lớn.
Thử hỏi, các DN tư nhân nhất là các SME có ai có thể thế được không?
So sánh các khu công nghiệp chẳng hạn. Chúng ta có rất nhiều khu công nghiệp được hình thành cho đến bây giờ phần đất sử dụng chỉ khoảng 50% trong khi đó các SME muốn hình thành cụm DN thì gặp nhiều khó khăn trong việc xin đất. Đó cũng là nghịch lý trên thực tế. Con số mà vừa rồi UB kinh tế của QH đưa ra qua giám sát các DNNN, tập đoàn kinh tế cũng cho thấy bình quân các DNNN vẫn đang sử dụng 50-60% nguồn lực của đất nước mình về nhiều mặt.
Tất nhiên về tín dụng bây giờ thuộc hệ thống ngân hàng là chính nhưng tín dụng chỉ là một phần. Còn đất đai, tài nguyên khác, thậm chí cả quyền kinh doanh... Có những lĩnh vực kinh doanh nhất định kể cả khu vực tư nhân của chúng ta có những trưởng thành đủ khả năng làm được nhưng nhà nước ưu tiên cho các DNNN nhiều hơn.
Bản thân nhà nước cũng là một nhà đầu tư lớn. Trên nhiều lĩnh vực bằng tiền ngân sách, ODA thu hút được vào thì trong hầu hết những công trình nhà nước đầu tư hoặc mua sắm của nhà nước thì nhà nước dành sân đó cho các DNNN chứ không mua từ các SME. Đó là thiệt thòi cho SME bởi vì khi họ tiếp cận nguồn lực khó khăn, mở rộng thị trường, đầu ra ở một khu vực thị trường lớn như vậy mà họ cũng không tiếp cận được.
Có thể nói rằng, phân bổ nguồn lực là vấn đề bức xúc của tôi.
Không chỉ là vấn đề không công bằng trong phân bổ nguồn lực còn có vấn đề về vấn đề hiệu quả sử dụng.
Trên thực tế, có nhiều DNNN chưa sử dụng nguồn lực hiệu quả. Qua các con số kiểm toán NN đưa ra thì thấy hiệu quả, tỷ suất lợi nhuận của các DNNN còn nhiều hạn chế. Nếu như tính hết đất đai mà họ sử dụng thì tỷ suất lợi nhuận còn thấp hơn nhiều.
Trong khi đó, nếu giao cho SME làm thì tôi nghĩ có thể họ có thể làm tốt, hiệu quả cao hơn nhiều.
Mặt khác, về mặt xã hội, DNNN lại không phải là nơi tạo ra nhiều công ăn việc làm cho lao động. Việt Nam cũng như nhiều nước khác rất coi trọng SME, quan tâm tới sự phát triển của họ cũng vì một lý do là SME tạo ra nhiều việc làm cho người dân.
Mỗi năm, chúng ta phải giải quyết việc làm cho một triệu lao động thì hầu hết 90% số việc làm đó lại do SME tạo ra.
Vì thế, ở đây có độ vênh giữa đầu tư rót nguồn lực cho một khu vực không tạo ra được công ăn việc làm nhiều lắm cho người dân với một khu vực tạo ra việc làm cho hàng triệu con người thì lại không được tiếp cận nguồn lực đầy đủ. Khu vực đó nếu được tiếp cận nguồn lực đầy đủ thì hàng triệu người không những có công ăn việc làm mà còn có thể còn có thu nhập cao hơn, đời sống càng ngày càng tốt đẹp hơn.
Ông Cao Sỹ Kiêm: Tôi thấy phân bổ nguồn lực giữa số lượng và kết quả mang lại chưa phản ánh đầy đủ, nguyên nhân hay điểm mốc mấu chốt ở đâu, theo tôi có 3 lĩnh vực: một là về nhận thức, hai là chính sách, ba là cách điều hành.
Về nhận thức, nếu chúng ta khảo sát kỹ, phân tích cho đầy đủ, thu thập nhiều thông tin để chúng ta xác định vị trí, ví dụ như lớn hay nhỏ, anh nào đóng góp nhiều, anh nào đóng góp ít tạo lên cái sử dụng lao động tốt, đóng góp nhiều cho XH... Trong nền kinh tế thị trường, mục tiêu là phát triển kinh tế sao cho có hiệu quả. Nơi nào chúng ta thấy có hiệu quả thì phân bổ nhiều hơn.
Từ những phân tích để chúng ta tìm ra những cái chốt để phân bổ, kể cả sức cạnh tranh. Nếu không, chúng ta không có chính sách đúng được.
Chính sách là tạo ra điều kiện cho những người thụ hưởng, những đơn vị được tiếp cận chủ trương, chính sách này có hiệu quả cao nhất.
Nếu chúng ta nhận định, đánh giá bên trên không đúng không sát, không đúng không đủ thì phân bổ này hoặc là không trúng, mơ hồ, hiệu quả không cao.
Có hai cái trên rồi nhưng điều hành không tương xứng, thì dụ như bộ máy để tạo lên những điều kiện có thông tin, số liệu phương pháp để truyền tải cái này không tương xứng không đủ năng lực đáp ứng thì chắc chắn rằng chính sách có đúng, nhận thức rõ ràng nhưng khả năng điều hành không được thì chắc chắn rằng sẽ hạn chế hiệu quả chính sách chúng ta đưa ra, cái chốt chính ở chỗ đó.
Có những cái lúc đầu tư rất nhiều nhưng hiệu quả không cao, có lúc thấy là hiệu quả cao nhưng không được đáp ứng, đó là vấn đề cần nghiên cứu thấu đáo, phân tích triệt để để chúng ta có chính sách phân bổ đúng và hiệu quả cao trong nền kinh tế thị trường.
Sản xuất kinh doanh là việc của DN, không phải Nhà nước
Nhà báo Phương Loan: Thưa Thứ trưởng Lê Danh Vĩnh, dưới góc độ là người điều hành, quản lý, ông thấy nhà nước có thể đóng vai trò như thế nào để hỗ trợ cho các DN thực sự tiếp cận với các nguồn lực trong nước cũng như tiếp cận với thị trường trong và ngoài nước đặc biệt trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay?
Ông Lê Danh Vĩnh: Hiện nay vai trò chủ yếu của nhà nước, như Bộ Công thương trước hết là ban hành chính sách, xử lý quy hoạch các chiến lược, hỗ trợ thông tin cho các DN nhà nước và ngoài nhà nước. Đây là việc hàng ngày của chúng tôi, còn việc sản xuất kinh doanh là việc của DN.
Trong ngành công thương, có thể nói là các DN TƯ đến địa cung cấp 63%-64% GDP kể cả ngành xây dựng tính cả vào công nghiệp.
Chúng tôi điều hành không phải là can thiệp vào hoạt động của DN từ các tập đoàn hay các tổng công ty. Điều hành sản xuất kinh doanh là việc của các chủ tịch HDQT, Tổng giám đốc. Lãnh đạo Bộ không hề can thiệp hoạt động của DN. Phải nói như vậy cho rõ.
Ngay cả các tập đoàn cũng hoàn toàn độc lập với Bộ, trừ các lĩnh vực năng lượng, dầu khí là những lĩnh vực cốt yếu thì Bộ cũng có ý kiến, còn quản lý là quản lý toàn bộ nền kinh tế chứ không phải chỉ có DNNN.
Và đối với DN, chúng tôi cung cấp thông tin ví dụ như trang web về thị trường nước ngoài, thị trường xuất khẩu, cung cấp công cụ cho các DN trực tuyến. DN không phải đến Bộ để xin mà đăng ký ngay trên mạng. Chúng tôi tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN làm ăn theo hướng Bộ chuyển từ nhà nước cai trị sang phục vụ. Bản thân anh em chúng tôi làm việc cần mẫn từ sáng tới chiều.
Còn tiếp
"Doanh nghiệp không phải lo lót quan chức"
Tác giả: Tuần Việt Nam
Bài đã được xuất bản.: 31/01/2010 06:00 GMT+7
Doanh nghiệp (DN) chỉ có nghĩa vụ đóng thuế cho nhà nước chứ không phải lo lót các quan chức các bộ ngành TƯ, địa phương và quan chức phải coi hỗ trợ DN là nghĩa vụ của mình, Thứ trưởng Lê Danh Vĩnh nói.
Bỏ tư duy ban phát
Nhà báo Phương Loan: Về chủ trương, chính sách, chúng ta ưu tiên cho SME tuy nhiên có một thực tế, chính sách đi vào cuộc sống không được bao nhiêu. Quan điểm của Thứ trưởng như thế nào?
Ông Lê Danh Vĩnh: Trong nền kinh tế bao cấp trước đây chúng ta có thói quen các quan chức, lãnh đạo các DN ban phát cho DN. Trong cơ chế kinh tế thị trường, các cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN làm ăn, coi các DN đóng vai trò động lực cho phát triển kinh tế.
Ta đã có bước chuyển về nhận thức nhưng đây đó vẫn còn những tàn dư của thời bao cấp tồn tại đây đó trong bộ máy nhà nước. Một bộ phận vẫn nghĩ việc giúp đỡ DN là công của cơ quan nhà nước. Đó là cách nghĩ sai. Chúng ta phải coi hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN là nghĩa vụ của các quan chức nhà nước, các bộ ngành TƯ và địa phương.
Nhà báo Phương Loan: Theo ông, tư duy ban phát cho DN còn tồn tại hay không trong các cơ quan quản lý nhà nước?
Ông Lê Danh Vĩnh: Khi chúng ta chuyển sang kinh tế thị trường, ngân sách nhà nước chủ yếu tập trung phát triển hạ tầng kinh tế xã hội của đất nước. Các DN kể cả DNNN đều vay vốn của ngân hang, tự tìm vốn để kinh doanh. Phần tài trợ từ ngân sách nhà nước còn rất hạn chế. Tư tưởng ban phát là tàn dư từ thời bao cấp, hiện nay đương nhiên vẫn còn nhưng không nhiều như trước đây.
Điều hành chưa vì dân, vì DN
Nhà báo Phương Loan: Thực tế làm việc nhiều với các DN, ông Cao Sỹ Kiêm và bà Phạm Chi Lan có thể nói gì từ góc nhìn DN về cách điều hành quản lý của nhà nước đối với các DN cũng như mối quan hệ nhà nước - doanh nghiệp hiện nay?
Ông Cao Sỹ Kiêm: Đúng là các chính sách, luật lệ của ta nhiều khi rất kịp thời, rất đúng, nhưng khi va vào thực tế chưa được như mong muốn, nhất là khi người ta trông đợi nhiều quá.
Có 3 nguyên nhân: Thứ nhất, chúng ta đưa ra những định hướng, chính sách chung rất nhanh nhưng cụ thể hóa thì rất chậm.
Thứ hai, thủ tục của chúng ta không được cải tiến nhanh. Nó đọng lại rất lâu. Những vấn đề ách bức làm khó khăn.
Mặc dù chúng ta đã quan tâm đến vấn đề này nhiều, chính phủ cũng có nhiều giải pháp nhưng theo tôi nó không nhanh được. Thủ tục còn ràng buộc rất nhiều.
Chính sách ra thì rất phấn khởi nhưng triển khai cứ vướng về cụ thể hóa và thủ tục.
Và thứ ba, điều hành, ý thức trách nhiệm phục vụ của một số cán bộ công quyền, chưa vì dân, vì DN, chưa tích cực khẩn trương và đôi khi có sự biến chất thoái hóa đạo đức làm cho chính sách không đến được DN, hoặc đến nhưng không đầy đủ.
3 cái đó, nếu không giải quyết được thì tình trạng chính sách đúng, chủ trương đầy đủ cũng khó vào được cuộc sống cụ thể. Và những người được thụ hưởng bị thiệt thòi.
Chính sách chưa sát thực tế
Bà Phạm Chi Lan: Tôi đồng ý có những nguyên nhân mà ông Cao Sỹ Kiêm vừa nêu nhưng tôi nghĩ một phần nữa là chính sách sở dĩ thiếu cụ thể và đòi hỏi hướng dẫn bởi vì ngay từ chất lượng chính sách ban đầu có thể thiếu sự nghiên cứu thấu đáo và nhất là thiếu việc tham vấn các đối tượng liên quan.
Ví dụ như Nghị định 56 mà ông Vĩnh vừa nêu, là một nghị định mà chúng ta trông chờ bao nhiêu để ra một khung khổ pháp lý trong đó thừa nhận vai trò của DN vừa và nhỏ, đưa ra những công cụ chính sách để hỗ trợ cho các SME phát triển. Thế nhưng trong quá trình soạn nghị định đó chưa tham vấn thấu đáo.
Nghị định ra đời, ngay từ đầu các DN đọc nó đã thấy bất khả thi. Đến lúc đi vào cuộc sống thì trong mười mấy công cụ Chính phủ đưa ra để hỗ trợ SME thì rốt cục sau mấy năm mới có được 2,3 công cụ thực hiện dần dần thôi. Có những công cụ gần như không bao giờ đi vào cuộc sống được.
Hai là, chính sách SME liên quan đến rất nhiều luật và chính sách liên quan khác. Nếu các luật, chính sách liên quan khác tương ứng không điều chỉnh thì sẽ không bao giờ có thể thực hiện được những điều trong nghị định đó nêu.
Ví dụ như cho SME tiếp cận với đất đai để có mặt bằng sản xuất kinh doanh nhưng trong khi luật đất đai lại có những quy định khác và quá trình của chúng ta để tiếp cận với đất đai còn khó như thế này thì vô hình chung, nó tước đi DN một công cụ tốt của chính phủ để thực hiện công việc này.
Tín dụng cũng vậy. Nghị định nêu ưu tiên về tín dụng cho SME nhưng lại có những quy định về tín dụng của luật tín dụng và các cách thức của ngân hàng ví dụ như về truyền thống, ngân hàng thích lấy đất đai, bất động sản làm vật thế chấp cho DN vay. Cái khó về đất đai, bất động sản lại làm thêm cái khó về tín dụng.
Vì thế, có những cái đề ra ý tưởng thì tốt đẹp nhưng khó đi vào cuộc sống được bởi nó không đủ độ sát với thực tế cuộc sống.
Các DN nói rằng nếu như được tham vấn họ chỉ đề nghị với nhà nước hỗ trợ họ vài ba điều thôi nhưng rất cốt lõi, để từ đó có thể tháo gỡ những vấn đề khác, ví dụ như về thủ tục hành chính như ông Cao Sỹ Kiêm vừa nêu.
Nói cách khác, người ta không cần Nhà nước cho những cái gì cụ thể, miễn là nhà nước làm sao để cho môi trường mở ra được và cách thức họ làm ăn... DN nói họ không cần phải giúp cụ thể. Chỉ cần Nhà nước đừng đưa ra những quy định có tính chất rào cản thì cũng là quý rồi.
DN không phải lo lót quan chức
Nhà báo Phương Loan: Thứ trưởng Vĩnh có ý kiến gì về góc nhìn của hai vị khách mời gắn bó với DN Việt Nam?
Ông Lê Danh Vĩnh: Đổi mới là một quá trình chúng ta chuyển từ nền kinh tế bao cấp sang nền kinh tế thị trường. Bản thân DN phải năng động sáng tạo và các quan chức nhà nước phải vì lợi ích kinh tế, coi DN là người đi đầu trong tạo sản phẩm công ăn việc làm thu nhập cho người lao động.
DN chỉ có nghĩa vụ đóng thuế cho nhà nước chứ không phải lo lót các quan chức các bộ ngành TƯ và địa phương.
Nhà báo Phương Loan: Trong trường hợp Bộ Công thương và các DNNN trực thuộc Bộ, mối quan hệ giữa Bộ và DN như thế nào, thưa ông?
Ông Lê Danh Vĩnh: Theo chủ trương cải cách thủ tục hành chính của nhà nước, Bộ Công Thương chúng tôi cũng là một trong những bộ đi đầu trong cải cách thủ tục và công bố lên mạng, báo chí những thủ tục mà Bộ đã tiến hành đối với các DN để rõ ràng, minh bạch. DN không phải chạy ngược chạy xuôi. Bộ cũng giám sát anh em làm sao công văn từ DN được giải quyết nhanh nhất.
Nhà báo Phương Loan: Với các cán bộ ngành Công thương và Bộ Công thương, ông đã nhìn thấy sự đổi mới về tư duy, cách quản lý điều hành DN?
Ông Lê Danh Vĩnh: Có thể nói rằng so với yêu cầu phát triển kinh tế thì ta còn có những bước tiến chậm.
Năm 2001, tôi đi sang các nước châu Phi thì thấy những cải cách của chúng ta so với các nước châu Phi là một trời một vực. Các nước châu Phi giành độc lập dân tộc từ những năm 60 nhưng họ vẫn loay hoay tìm con đường phát triển kinh tế và thủ tục còn rất phức tạp nhiêu khê. Bản thân họ chiến tranh liên miên, chính trị không ổn định.
So với họ thì chúng ta có những bước tiến rất lớn nhưng so với nhu cầu phát triển kinh tế nhanh và bền vững thì kể cả các quan chức Bộ ngành và DN vẫn còn phải phấn đấu nhiều hơn nữa để làm sao nền kinh tế của chúng ta phát triển đồng đều thuận lợi như thế thì DN của chúng ta mới làm ăn tốt hơn, đóng góp cho nền kinh tế nhiều hơn.
DN dựa quan hệ không phải việc của Bộ Công thương
Nhà báo Phương Loan: Có những phản ánh cho là các DN ngay cả SME tiếp cận được dự án và nguồn lực tài chính còn phải dựa vào nhiều mối quan hệ. DN muốn làm ăn ở Việt Nam phải dựa vào quan hệ?
Thứ trưởng Lê Danh Vĩnh: Tôi cho đó là dự án đầu tư. Ngay trong Bộ chúng tôi, xây dựng trụ sở phải thông qua đấu thầu. Tôi là người phụ trách nên yêu cầu anh em tuân thủ các văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu.
Trong suốt 13 năm làm lãnh đạo bộ, nếu dự án đầu tư thì là việc của DN, chúng tôi không can thiệp.
Riêng với năng lượng, nhà nước thực hiện kiểm soát nguồn dầu khí, than cho nên phải làm sao sử dụng có hiệu quả. Còn với các lĩnh vực khác DN hoạt động theo cơ chế thị trường. Đó là việc của DN không phải việc của Bộ chúng tôi.
Đi đêm, hầu cánh do không minh bạch
Nhà báo Phương Loan: Với kinh nghiệm làm việc thực tế với các DN, theo ông Kiêm, thực tế có chuyện phần DN Việt Nam dựa vào quan hệ để sản xuất kinh doanh?
Ông Cao Sỹ Kiêm: Thực tế này mình phải phân tích ở khía cạnh khác. Thí dụ như cơ chế của mình không rõ ràng không minh bạch, công khai rồi cách điều hành không kiên quyết, kiểm tra phát hiện không kịp thời, xử lý không nghiêm. Tất cả những cái đó làm cho kiểu đi đêm, thương lượng,.. ngoài quy định là có.
Có nhiều nguyên nhân: cơ chế chính sách điều hành và những con người cụ thể ứng vào từng nguyên nhân chúng ta phải xử lý. Nếu bảo có một nguyên nhân hay chỉ thực hiện một biện pháp giải quyết một đoạn nào đó thì không được. Phải phân tích toàn diện.
Chừng nào chính sách của chúng ta không rõ ràng, không sát không phù hợp, người thực hiện không đúng không nghiêm, phát hiện không kịp thời, xử lý không nghiêm thì tình trạng đi đêm, hầu cánh vẫn còn.
Nhà báo Phương Loan: Bà Chi Lan có bổ sung gì không ạ?
Bà Phạm Chi Lan: Bộ Công thương giữ cho các dự án tốt đẹp như vậy thì thật là quý. Tuy nhiên phải nói là trên thực tế nhiều cơ quan nhà nước của chúng ta ở TƯ và địa phương đang phụ trách nhiều dự án đầu tư.
Nói không xa, con số đưa ra ở Quốc hội cho biết mỗi năm nhà nước chúng ta là chủ đầu tư của hàng chực nghìn dự án khác nhau, thành ra chuyện DN phải chạy dự án, đi đêm thế này thế khác thì có thể là có.
Có thể lĩnh vực mà ông Vĩnh phụ trách thì không, nhưng số dự án nhà nước còn rất lớn. Ví dụ như chuyện xây dựng các nhà máy điện, các công trình xây dựng lớn nhỏ ở nước ta còn rất nhiều.
Công chức "mang tiếng"
Ông Lê Danh Vĩnh: Nhà nước có đưa vốn ra đâu?
Bà Phạm Chi Lan: Ý tôi là tuy nhà nước không đưa vốn nhưng doanh nghiệp thực hiện các dự án đó muốn tham gia vào bằng nguồn tiền một phần có gốc của nhà nước, như chúng ta dành tiền vay của WB, ADB đầu tư vào dự án.
Ông Lê Danh Vĩnh: Nhưng vốn ODA là nhà nước vay về và cho DN vay lại. Bản thân DN phải tính toán hiệu quả. DN phải tự xử lý chứ chúng tôi không xử lý gì cả.
Tập đoàn còn nói là họ trực thuộc Thủ tướng, chứ không trực thuộc Bộ. Tôi làm Thứ trưởng 13 năm cũng chưa phụ trách dự án nào cả, chỉ trừ các trường, các cục, các viện thuộc bộ.
Các cục, các viện mua sắm gì thì phải qua đấu thầu cạnh tranh.
Tôi nói thật, hiện nay ngay trong cơ quan Bộ nhiều công chức thấy vất vả quá, thậm chí ngay cả lãnh đạo cũng xin ra khỏi cơ quan nhà nước. Đương nhiên công ăn việc làm là quyền của họ nhưng người ta cũng thấy làm ở trong cơ quan nhà nước vất vả nhưng thu nhập hạn chế. Người ta có năng lực nên xin ra các DN nước ngoài, DN tư nhân, công ty cổ phần..
Chúng tôi theo chủ trương của Đảng, của Chính phủ là cải cách thủ tục hành chính tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN, không có chuyện vòi vĩnh. Chúng tôi không phân bổ nguồn lực. Cái này phải hỏi thêm Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư...
Ở Bộ chúng tôi có ông 29 tuổi đã làm vụ phó nhưng thấy thu nhập thấp, làm ở bộ máy NN chán xung phong nghỉ, vừa rồi có một cục phó cục cạnh tranh xin ra khỏi cơ quan vì lý do thu nhập thấp mà lại mang tiếng thế này thế kia.
Tôi hỏi tại sao họ xin ra khỏi cơ quan. Họ nói thu nhập thấp, làm việc vất vả lại bị mang tiếng trong khi họ thực sự cần mẫn với chức trách của mình.
Tất nhiên là cũng có bộ phận này bộ phận kia nhưng nếu nói tất cả bộ máy đều nhũng nhiễu thì nhiều người bị oan, chứ không phải một vài người.
Bà Phạm Chi Lan: Tôi nghĩ là không có ai kết luận tất cả bộ máy đều nhũng nhiễu, hư hỏng hết vì nếu cả bộ máy hư hỏng hết cả thì đất nước này đã tan hoang không được như bây giờ.
Thế nhưng tình trạng người dân, DN gặp khó khăn trong hoạt động đầu tư, những thủ tục giấy tờ khác của nhà nước là một thực tế. Ở các diễn đàn của Quốc hội cũng hay đề cập đến chứ không phải là không.
Các dự án đầu tư của nhà nước, nếu nhìn vào các báo cáo kiểm toán, dù là phạm vi kiểm toán nhà nước trên một số lĩnh vực thì có thể thấy là kiểm toán "sờ đến đâu thì có sai phạm đến đó".
Thanh tra nhà nước, thanh tra của ngành tài chính cũng vậy, Khi đi thanh tra hoạt động ở các nơi cũng thấy có không ít vấn đề.
Ở đây có thể có những khu vực tốt hơn, trong sạch như ông Vĩnh nêu. nhưng ở đây chúng ta đang bàn đến một cái chung trên đất nước này. Nếu không, chúng ta không đặt ra nhu cầu bức bách như hiện nay về cải cách hành chính, hệ thống luật pháp, vì lợi ích chung của đất nước.
Liên quan đến đồng tiền phải minh bạch
Nhà báo Phương Loan: Thứ trưởng có thể chia sẻ bí quyết hoặc kinh nghiệm nào của Bộ Công Thương để tạo môi trường minh bạch như thế để mọi thứ rõ ràng giữa trách nhiệm của DN và chính phủ cũng như hỗ trợ DN phát triển công bằng bình đẳng trong cạnh tranh?
Ông Lê Danh Vĩnh: Trước đây, tôi là Thứ trưởng Bộ Thương mại. Khi vụ quota dệt may xảy ra, tôi được ông Trương Đình Tuyển giao cho phụ trách quota dệt may. Kinh nghiệm của tôi trong vụ điều hành quota dệt may là tất cả các tiêu chí phân bổ quota là phải công khai, lấy ý kiến của hiệp hội dệt may và các doanh nghiệp, sau khi thống nhất tiêu chí chúng tôi phân bổ trên mạng, các DN có thể tự tính quota cho mình. Nếu có chênh lệch giữa chúng tôi và DN tính, tôi có thể sẵn sàng đối chất, nhưng 2-3 năm rồi không thấy xảy ra chuyện đó. Hệ thống tính quota dệt may thời chúng tôi được Hoa kỳ đánh giá là một trong những hệ thống tiến bộ nhất của thế giới.
Kinh nghiệm của chúng tôi là liên quan đến thu nhập, đồng tiền phải minh bạch - là biện pháp để mọi người giám sát, mình không thể lạm dụng. nếu không công khai không minh bạch thì sẽ dẫn đến chuyện này chuyện kia.
Tôi nghĩ rằng đối với cán bộ, công chức, thu nhập chính đáng là bền vững lâu dài còn không chính đánh thì không thể bền vững lâu dài. Người nào có thu nhập không chính đáng thì không bền vững, con cái sẽ hư, anh thu nhập nhiều cũng bằng không. Tôi nghĩ là như vậy.
Không phải là mình thu nhập bằng bất cứ giá nào. Bố làm quan chức kiếm nhiều tiền, con cái dễ hư, vì tiền kiếm được phải tiêu,...
Hiện nay tôi phụ trách mảng tài chính của Bộ Công thương, biện pháp quan trọng nhất là công bố công khai những khoản thu chi ngân sách của Bộ, tiêu chí phân chia như thế nào cho các đơn vị thụ hưởng, phải công khai minh bạch.
Còn tiếp....