Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá tôm nguyên liệu cao- lợi hay hại?
09 | 12 | 2010
Theo các chuyên gia kinh tế, điều này đã có tác động trái chiều, người nuôi tôm vui mừng vì lợi nhuận lớn nhưng ngược lại, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu lại lo âu.

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty thủy sản Minh Phú (Cà Mau) cho biết, thời gian qua, nhiều thương lái Trung Quốc xuống tận Cà Mau kết hợp với các vựa để thu mua tôm. Họ đưa ra giá cao hơn các doanh nghiệp trong nước từ 30.000- 50.000 đồng/kg tôm sú để thu vét sạch nguyên liệu.

Có điều lạ là, theo ông Quang, số tôm nguyên liệu mua giá cao tại Việt Nam (VN) được thương nhân Trung Quốc đưa về nước bán thấp hơn nhiều so với giá tôm xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường này. Cùng cỡ tôm nguồn gốc từ Cà Mau, nhưng doanh nghiệp Việt Nam phải bán cao hơn 34.000 đồng/kg so với mức giá mà thương nhân Trung Quốc bán mới có lời.

Tại các tỉnh miền Trung tình hình cũng diễn biến tương tự. Từ giữa tháng 5, vào vụ thu hoạch tôm ở Khánh Hòa, Quảng Nam … cũng là lúc thương nhân Trung Quốc xuất hiện và đưa ra giá cao để mua tôm nguyên liệu làm giá tôm tăng nhanh chóng mặt. Nếu như lúc đầu vụ giá tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg chỉ có 45.000 đồng/kg thì giá hiện nay đã lên 65.000 đồng/kg. Với mức giá nguyên liệu cao như vậy, nhiều doanh nghiệp chế biến tôm ở miền Trung khẳng định, nếu cố sức mua vào làm hàng xuất khẩu thì chắc chắn lỗ vốn.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc mua vét nguyên liệu của một số thương nhân Trung Quốc không đơn thuần là vấn đề cạnh tranh thương mại. Bởi vì thời gian qua do thiếu nguyên liệu, giá tăng cao, nhiều nhà máy chế biến tôm trong nước đã phải đóng cửa, giảm công suất. Ông Nguyễn Thanh Đạm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Bạc Liêu nói, giá nguyên liệu tôm đã tăng 5- 10%, trong khi thị trường xuất khẩu vẫn còn nhiều khó khăn, khiến sản phẩm tôm Việt Nam mất tính cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, sở dĩ xảy ra hiện tượng thương lái Trung Quốc gom hàng ở VN là do một số vùng nuôi của Trung Quốc năm nay không được mùa, nhất là các khu vực biên giới VN. Trong khi để vận chuyển hàng hóa từ nơi thừa sang nơi thiếu tại các tỉnh trong nội địa Trung Quốc phải mất hàng ngàn cây số, vừa mất thời gian vừa tốn kém. Cho nên, để đáp ứng thiếu hụt chỉ có cách sang thị trường gần là VN sẽ nhanh hơn và chi phí thấp.

Tiến sĩ Hoàng Thọ Xuân- Viện Nghiên cứu thương mại VN (Bộ Công thương)- nhận định: Về tổng thể, việc Trung Quốc gom với số lượng lớn hàng hóa từ VN không có lợi cho thị trường trong nước, nhất là những mặt hàng thực phẩm thiết yếu cho cuộc sống, những mặt hàng quan trọng đối với sản xuất và rơi vào những dịp nhu cầu tiêu dùng lớn trong năm như lễ, tết. Điều này chẳng những ảnh hưởng đến kinh tế mà còn gây tác động không nhỏ đến xã hội.



Theo Chinhphu.vn
Báo cáo phân tích thị trường