Qua khảo sát tại một số đại lý bán sữa tại Hà Nội, giá bán rất nhiều sản phẩm sữa của các hãng Abbott, Enfagrow và X.O, Nestle tăng khoảng 5-7%, tùy địa điểm. Trước đó, từ đầu tháng 4, các đại lý đã từng có đợt tăng giá nhiều sản phẩm sữa.
Trong khi đó, đại diện các hãng sữa cho biết gần đây, không hề có đợt tăng giá bán sản phẩm sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Ông Vũ Gia Khuyến, Giám đốc đối ngoại của Công ty 3A, đơn vị nhập khẩu và phân phối các sản phẩm sữa của hãng Abott cho biết công ty chưa hề đăng ký tăng giá bán sữa.
Ông Vũ Quốc Tuấn, Giám đốc đối ngoại của Công ty Nestle Việt Nam cho biết công ty chỉ tăng giá sản phẩm sữa Lactogen một lần duy nhất trong tháng 3 và sản phẩm sữa Nan cũng chỉ tăng một lần.
Từ đầu tháng 4, một số đại lý cũng đã tăng giá bán một số sản phẩm của Vinamilk với mức tăng khoảng 5%, tuy nhiên, ông Đỗ Thanh Tuấn, Giám đốc đối ngoại của Vinamilk khẳng định công ty hoàn toàn không có đợt tăng giá đó.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết từ sau đợt tăng giá sữa tháng 3 đầu năm, cơ quan này vẫn chưa nhận đựơc đăng ký tăng giá bán mới của bất kỳ doanh nghiệp nào. Trong khi đó, việc quản lý giá bán sữa của các đại lý thuộc thẩm quyền của Sở Tài chính địa phương.
Khi giá bán của các hãng sữa không tăng, giá bán tại các đại lý lại lên bậc mới, nhiều ý kiến cho rằng “thủ phạm” chính là do khâu phân phối các sản phẩm. Bên cạnh đó, việc “mua đứt bán đoạn” giữa hãng sữa với các đại lý dẫn đến tình trạng các hãng sữa không kiểm soát đựơc giá bán sữa tại các đại lý.
Theo phân tích của ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, tại Việt Nam hiện nay, rất nhiều nhà nhập khẩu sữa là tư nhân, chiếm 20-30% thị phần. Do đó, việc kiểm soát hành chính như đăng ký giá, kê khai giá với hàng trăm, hàng ngàn sản phẩm sữa là rất khó khăn. Mặt khác, các cơ quan chức năng vẫn chưa nắm được giá gốc của các sản phẩm sữa nhập khẩu.
Vị Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng: “Để quản lý giá cả, nếu chỉ dùng biện pháp hành chính là thất bại, nếu có, chỉ nên dùng tối đa 10% thôi, còn chủ yếu là dùng biện pháp kinh tế”.
Giải pháp được đưa ra dựa trên nguyên tắc “lấy hàng hóa áp đảo hàng hóa, lấy giá cả áp đảo giá cả”. Hiệp hội kiến nghị phải yêu cầu các tổng công ty thương mại nhà nước nhập khẩu sữa. “Với mạng lưới hàng ngàn đại lý thì sẽ đảm bảo giá sữa không bị các nhà nhập khẩu tư nhân làm mưa làm gió trên thị trường. Với giá bán thấp hơn của các nhà nhập khẩu tư nhân 5-10% thì chắc chắn giá sữa lập tức sẽ xuống ngay”, ông Phú nói.
Một điểm đáng chú ý khác trong chuỗi phân phối hiện nay là cơ quan chức năng dường như đang thiếu thông tin về giá. Các mặt hàng thiết yếu thuộc danh mục kiểm soát giá như sắt thép, dầu ăn, sữa bột, đường hầu như đều thực hiện theo kiểu mua đứt bán đoạn.
Trong khi đó, Quyết định 27/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức thị trường trong nước đề cập hướng chủ yếu để các doanh nghiệp thiết lập và phát triển mô hình tổ chức lưu thông các ngành hàng. Theo đó, cần củng cố hệ thống phân phối được hình thành trên cơ sở xác lập mối liên kết dọc, có quan hệ gắn kết chặt chẽ, ổn định và ràng buộc trách nhiệm trên từng công đoạn của quá trình lưu thông từ sản xuất, xuất nhập khẩu đến bán buôn và bán lẻ thông qua quan hệ trực tuyến hoặc quan hệ đại lý mua bán.
Doanh nghiệp đầu nguồn (sản xuất, nhập khẩu) phải kiểm soát và chịu trách nhiệm (hoặc liên đới chịu trách nhiệm) với toàn bộ hệ thống, từ chi phí, giá cả, nguồn gốc, số lượng, chất lượng và nhãn hiệu hàng hoá đến phương thức và chất lượng phục vụ.