Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Con tôm đã hẹp đường bơi
21 | 06 | 2011
Hàng loạt những vấn đề được mổ xẻ trong buổi hội thảo tìm giải pháp khắc phục tình trạng tôm nuôi chết hàng loạt trong hội nghị giao ban do Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát chủ trì. Ngoài những nguyên nhân gây ra dịch bệnh đối với tôm nuôi diễn biến phức tạp mới đây, nhiều vấn đề được đặt ra cho sự phát triển bền vững của nghề nuôi tôm ven biển ở các địa phương khu vực ĐBSCL.

Nông dân kêu trời!

Năm nay, ông Võ Quang Huy - chủ trang trại nuôi tôm thuộc Hiệp hội Nuôi tôm Mỹ Thanh (huyện Trần Đề, Sóc Trăng) - thả nuôi 31 ao (11 ao tôm sú, 20 ao tôm thẻ chân trắng). Cuối tháng 5 vừa qua, 11 ao tôm sú chết sạch; trên 10 ao tôm thẻ chân trắng cũng lần lượt chịu chung số phận hẩm hiu như các ao tôm sú. Là người có nhiều năm kinh nghiệm nuôi tôm, thất bại nhiều, thành công không ít, nhưng chưa năm nào ông Huy lại đành bó gối nhìn những con tôm đâm đầu vào bờ chết theo kiểu “vô phương cứu chữa”.

Gặp Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát, ông bộc bạch: “Thiệt hại nhiều quá! Nguyên nhân thì đã xác định rồi, nhưng hệ thống cấp - thoát nước yếu và tình trạng con giống khó kiểm soát nên chúng tôi không biết đâu mà lần”.

Sóc Trăng có trên 19.000 ha tôm nuôi bị thiệt hại trong tổng số trên 23.000 ha đã thả nuôi. Còn lại 11.000 ha người dân chưa dám thả vì lo ngại dịch bệnh. Trước tình trạng này, UBND tỉnh Sóc Trăng đề nghị người dân chậm thả nuôi, chờ dịch bệnh tạm lắng xuống. Trên 15.726 hộ nuôi tôm tại Sóc Trăng trong tâm trạng đứng ngồi không yên. Nhiều người cho rằng, nếu bây giờ không tiếp tục thả nuôi, 3 tháng nữa chính thức bước vào mùa mưa sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tôm nuôi. Đối với mô hình lúa – tôm, nếu không thả nuôi ngay bây giờ sẽ ảnh hưởng đến vụ lúa tiếp theo.

Trước tình trạng này, các huyện thuộc Sóc Trăng chính thức đề nghị người dân không thả tôm trên diện tích quy hoạch lúa – tôm. Khuyến cáo này đã đặt dấu chấm hết cho mùa tôm trên đất lúa – tôm ở Sóc Trăng.

Việc thả nuôi tại một số vùng chưa phát hiện bệnh và bệnh đã tạm lắng được thực hiện. Tuy nhiên, các yếu tố phục vụ cho một mùa tôm trễ hẹn này không mấy dễ dàng. Ông Võ Quốc Đáng ở xã Vĩnh Hậu A (huyện Hòa Bình, Bạc Liêu) than thở: “Tôm giống bây giờ giá cao quá, hiện đã tăng lên gần 70 đồng/con rồi. Giá cao vậy, nhưng chọn tôm có chất lượng không phải chuyện dễ. Thức ăn, hóa chất, vi sinh... cũng đều tăng giá ảnh hưởng đến đầu tư rất lớn”.

Chưa ai đoán trước được mùa tôm lấp vụ hiệu quả ra sao. Ấy nhưng, trước mắt người nuôi canh cánh nỗi lo dịch bệnh và cũng phập phồng giá tôm nguyên liệu trong những tháng tới.

Kiểm soát dịch bệnh: Bất cập

Ngoài những nguyên nhân dẫn đến tôm chết hàng loạt có từ lâu (nguồn nước, tôm giống, kỹ thuật, hạ tầng vùng nuôi...), năm nay xuất hiện một loại bệnh mới là hoại tử trên gan, tụy mà tác nhân gây nên các nhà khoa học đang tìm để xác định. Tuy nhiên, nhìn nhận lại tình hình nuôi trồng thủy sản tại ĐBSCL thời gian qua, không ít người lo lắng cho vùng nguyên liệu tôm lớn nhất nước này.

Ông Trịnh Hoài Thanh - P.Giám đốc Sở NN&PTNT Bạc Liêu - cho biết: “Hiện nay tỉnh chỉ kiểm soát được khoảng 50% con giống, số còn lại không thể kiểm soát được. Các máy xét nghiệm của địa phương cũng chỉ phát hiện được các bệnh: Đốm trắng, còi chậm lớn, đầu vàng; còn phát hiện các loại bệnh vi bào tử, viêm gan, tụy thì chưa”.

Tình trạng này cũng diễn ra ở các tỉnh Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang, Trà Vinh. Theo Phó Giám đốc Sở NNPTNT Sóc Trăng Nguyễn Văn Khởi: “Việc phát hiện mẫu tôm bị bệnh còn nhiều khó khăn do chưa có chế tài xử lý và hầu hết là trên tinh thần tự nguyện của người mua và các trại tôm giống. Nếu phát hiện không đạt yêu cầu người dân không mua, vậy thôi. Họ không thông báo cho chúng tôi nên rất khó xử lý”.

Thông tư số 14 của Bộ NN&PTNT về kiểm soát giống thủy sản, thuốc bảo vệ thực vật... quy định rõ: Con giống xuất bán ra thị trường phải đạt chuẩn post 12 đối với tôm sú và post 10 đối với thẻ chân trắng. Tuy nhiên hầu hết các trại tôm giống không xuất bán đúng theo kích cỡ này mà nhỏ hơn nhiều. Trong khi đó theo Cục Thú y, nếu con post nhỏ hơn chuẩn này việc phát hiện ra dịch bệnh rất khó khăn. Gánh nặng này dồn vào người nuôi tôm.

Về quy trình nuôi tôm, đến nay Tổng cục Thủy sản vẫn chưa ban hành quy trình kỹ thuật nuôi chuẩn mực cho từng vùng nuôi, mô hình nuôi cụ thể. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu đưa ra thực trạng: “Tôi đi khảo sát tình hình tôm chết, nhiều người dân cho rằng hiện nay mình chưa có quy trình nuôi. Các Cty thức ăn chăn nuôi, sản phẩm vi sinh ban hành một quy định riêng. Họ xuống khu vực ao nuôi phát không cho người dân. Có quá nhiều Cty làm như vậy người dân không biết đâu mà lần, không biết quy trình nuôi nào là hợp lý”.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, ngoài việc tìm ra nguyên nhân, khắc phục tình trạng tôm chết, các ngành, địa phương cần phải tính toán đến quy hoạch vùng nuôi và lưu ý đến vấn đề nuôi tôm bền vững để củng cố vững chắc vùng nguyên liệu lớn nhất nước. Tác nhân gây bệnh trên gan, tụy rồi sẽ được tìm ra. Các nhà khoa học sẽ tìm được “thuốc đặc trị” cho loại bệnh này. Tuy nhiên, việc phòng bệnh bao giờ cũng quan trọng hơn. Tiếc rằng đây là khâu yếu nhất trong nuôi trồng thủy sản hiện nay.

Theo báo Lao Động

 



Báo cáo phân tích thị trường