Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cơ hội lớn cho xuất khẩu trái cây
27 | 06 | 2011
Hàng loạt các thị trường cao cấp, khó tính như Mỹ, Nhật, New Zealand đã đồng ý mở cửa cho trái cây VN xuất khẩu.

Thâm nhập thị trường khó tính

Từ đầu năm đến nay, tình hình xuất khẩu trái cây VN đón nhận nhiều tin vui từ các thị trường khó tính trên thế giới. Đầu tiên là Mỹ đã cho phép nhập khẩu chôm chôm VN và cấp phép cho vùng sản xuất chôm chôm có diện tích 34 ha tại H.Châu Thành (Bến Tre). Đây là vùng trồng chôm chôm đầu tiên của VN được cấp mã số đủ điều kiện xuất khẩu đi Mỹ. Trước đó, mặt hàng thanh long cũng gặt hái nhiều thuận lợi từ những thị trường khó tính.


Từ đầu năm tới nay, cả nước đã xuất khẩu 600 tấn thanh long sang Mỹ và 200 tấn thanh long sang Nhật Bản, tăng 70% so với cùng kỳ; riêng thị trường Hàn Quốc do mới bắt đầu xuất khẩu nên chỉ đạt 40 tấn. Dự kiến năm nay, lượng thanh long xuất khẩu đi Mỹ, Nhật, Hàn Quốc đạt khoảng 2.600 tấn, tăng gấp đôi so với năm 2010.

Đặc biệt, mới đây một đoàn chuyên gia của New Zealand đã tới VN để kiểm tra các khâu chuẩn bị xuất khẩu xoài tươi vào thị trường này. Dự kiến qua năm 2012, xoài của VN có thể được xuất khẩu vào New Zealand sau khi được xử lý bằng các phương pháp là chiếu xạ và hơi nước nóng.

 

Theo Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), thời gian qua, việc xuất khẩu rau hoa quả của VN sang các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đã có nhiều thuận lợi. Hơn thế, nhu cầu tại Nhật Bản, Trung Quốc, Indonesia... lại đang tăng mạnh, nếu theo đà này, có thể giá trị kim ngạch xuất khẩu rau hoa quả trong năm 2011 sẽ đạt từ 500 - 510 triệu USD.

Không chỉ dừng lại ở việc nâng cao kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng rau hoa quả, các doanh nghiệp xuất khẩu còn nỗ lực tìm hiểu thị trường, thương lượng với các đối tác để nâng cao giá xuất khẩu. Cụ thể đơn giá xuất khẩu chôm chôm sang Pháp hiện là 6,1 USD/kg, tăng 0,1 USD/kg so với cùng kỳ năm trước; cơm dừa sấy khô 2.500 - 2.800 USD/tấn, cao hơn khoảng 100 - 180 USD/tấn so với cùng kỳ 2010...

Khó ở quy mô

TS Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, phân tích: “Chỉ đơn cử như xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng Chín Hóa, Ri-6... chúng ta đã “ăn đứt” sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực. Nhưng dù chất lượng ngon cũng không thể đẩy mạnh xuất khẩu được do diện tích trồng tập trung ít, sản lượng không đảm bảo tiêu thụ quanh năm”.

Ông Nguyễn Văn Thực, lãnh đạo HTX Hòa Lộc (H.Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) cũng nhìn nhận: “Sau khi xoài cát Hòa Lộc đạt chuẩn xuất vào thị trường Nhật Bản thì đối tác các nơi liên hệ liên tục. Tuy nhiên chúng tôi không dám ký hợp đồng tràn lan vì sản lượng xoài ngon quá ít, không đủ cung cấp cho khách hàng”. Vú sữa Lò Rèn và thanh long Chợ Gạo, 2 loại trái cây thường được đưa sang châu Âu, châu Á… giới thiệu để tìm cơ hội xuất khẩu cũng nằm trong hoàn cảnh tương tự. Nhiều lần nhà nhập khẩu nước ngoài đề nghị ký hợp đồng dài hạn với số lượng lớn nhưng nhà cung cấp “chùn chân” do không đủ sản lượng đáp ứng, chưa kể tỷ lệ trái đạt tiêu chuẩn xuất khẩu rất ít.

Ông Phan Quốc Nam, Giám đốc Công ty TNHH Long Uyên (Tiền Giang), cho biết: “Việc xuất trái cây đông lạnh sang châu Âu không khó, từ đầu năm 2011 đến nay, chúng tôi nhận đơn đặt hàng đều đặn, nhưng nhiều lần đối tác yêu cầu một số lượng rất lớn thì công ty không thể đáp ứng. Hiện chúng tôi đang đầu tư nâng cấp gấp đôi công suất để đẩy mạnh sản lượng xuất khẩu”.

Theo Cục Trồng trọt, hiện nay, vùng Nam Bộ có khoảng 22 cơ sở công nghiệp chế biến rau quả (chiếm 45% so với cả nước) với tổng công suất thiết kế còn thấp, đạt khoảng 170.160 tấn sản phẩm/năm (trong đó phân bố tập trung ở vùng Đông Nam bộ có 12 cơ sở với tổng công suất thiết kế là 93.100 tấn sản phẩm/năm, ĐBSCL có 10 cơ sở với tổng công suất thiết kế: 77.060 tấn sản phẩm/năm). Số cơ sở công nghiệp chế biến các loại quả thường có công suất nhỏ, thiết bị công nghệ lạc hậu, nhãn hiệu hàng hóa ít được người tiêu dùng biết đến... Việc cung cấp nguyên liệu không đều và thiếu ổn định do chưa làm tốt công tác rải vụ thu hoạch, chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà vườn với nhà máy, do đó các cơ sở chế biến hiện chỉ đáp ứng được khoảng 30% công suất. Mặt khác, trong chuỗi giá trị gia tăng gắn kết giữa sản xuất - thu mua - chế biến bảo quản - tiêu thụ trái cây nước ta, khâu chế biến bảo quản còn quá nhiều hạn chế, yếu kém đã ảnh hưởng không nhỏ đến chiến lược phát triển ngành hàng trái cây VN. Vì vậy, trong thời gian tới, việc đầu tư vùng nguyên liệu tập trung theo hướng VietGAP để có sản phẩm sạch cho chế biến là một nhu cầu thiết yếu.

Theo Quang Thuần

Thanh niên


Báo cáo phân tích thị trường