Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ma trận “bủa vây” cá tra
28 | 06 | 2011
Người nuôi cá đang bị “bủa vây” bởi 23 bộ tiêu chuẩn khác nhau, tương đương 23 chứng chỉ, mà chứng chỉ nào cũng ép họ dưới chiêu bài “không có là không bán được hàng”.

Nhận định trên được đưa ra tại hội nghị “Chứng nhận và phát triển bền vững cá tra” do Tổng cục Thủy sản phối hợp với Quỹ Quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF) và Hội Nghề cá VN (Vinafish) tổ chức tại TP.HCM ngày 27.6.

Chứng chỉ “trăm hoa đua nở”

TS Nguyễn Việt Thắng - Chủ tịch Vinafish nêu thực trạng người nuôi cá tra nay đang chịu áp lực với hàng chục loại chứng chỉ khác nhau mà họ dù được nói là tự nguyện nhưng đang buộc phải lấy. “Bên cạnh những yêu cầu của các quốc gia nhập khẩu, một số hệ thống bán lẻ và nhà nhập khẩu còn có tiêu chuẩn, quy định riêng và yêu cầu cơ sở nuôi trồng, doanh nghiệp xuất khẩu phải áp dụng và khi được giấy chứng nhận thì mới nhập hàng” – ông giải thích.

Điều này đã gây rất nhiều khó khăn cho người nuôi bởi vì khi bắt đầu thả giống, người nuôi và nhà chế biến chưa thể biết được sau thời gian dài nuôi trồng, khi thu hoạch sẽ bán cho nhà nhập khẩu, hệ thống bán lẻ nào, để từ đó quyết định thực hiện theo tiêu chuẩn nào?

Cùng quan điểm trên, một số nhà nhập khẩu EU tại hội nghị rất bức xúc trước việc các chứng chỉ đang “trăm hoa đua nở” (HACCP, SA8000, BAP, ACC, GlobalGAP, ASC…) với tổng cộng hơn 23 chứng chỉ khác nhau mà không chứng chỉ nào chịu chấp nhận chứng chỉ nào.

“Các chứng nhận từ Á, Âu qua Mỹ đều xoay quanh 4 tiêu chí chính là an toàn thực phẩm, an toàn môi trường, an toàn dịch bệnh và an sinh xã hội. Vậy tại sao không ngồi lại cùng với nhau tại VN này, để thống nhất một tiêu chuẩn toàn cầu cho con cá tra, hoặc loại bỏ bớt những tiêu chuẩn trùng lắp mà bắt người nuôi phải lấy hết vừa tốn tiền vừa mất thời gian?” – đại diện một nhà nhập khẩu EU đặt vấn đề.

Có thực là sẽ bán được hàng?

Ông Nguyễn Tử Cương của Vinafish bày tỏ sự nghi ngờ khi đại diện WWF nói rằng nếu VN áp dụng chứng chỉ ASC sẽ tăng giá bán và sản lượng cá tra bán tại thị trường châu Âu lên. Ông nêu dẫn chứng, năm 2004 một tổ chức châu Âu có xây dựng một hệ thống chứng nhận phát triển bền vững cho VN với lời hứa là nếu các trại nuôi cá và doanh nghiệp VN áp dụng sẽ tăng sản lượng xuất khẩu và giá bán qua châu Âu lên lần lượt là 30% và 20%, nhưng thực tế lại không được như vậy.

Thực tế là sau những hành động bôi xấu con cá tra VN ở Thụy Điển và Đức, khiến 2 thị trường này sụt giảm từ 70 - 100% sản lượng cá tra xuất khẩu qua trong mấy tháng gần đây đã khiến doanh nghiệp dù được nói là “đây là tiêu chuẩn tự nguyện” vẫn không thể không chuẩn bị áp dụng tiêu chuẩn ASC nếu không muốn mất 2 thị trường này. Theo ông Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN, hiện đã có 5 trại nuôi cá tra của các doanh nghiệp đang chờ lấy chứng nhận ASC.

Trong khi đó, theo nhận định của ông Dương Ngọc Minh - Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Hùng Vương, thì không cần có thêm chứng chỉ ASC, mà với chứng chỉ Global GAP hiện có, công ty ông vẫn bán được hàng vào EU. Việc chọn chứng chỉ nào để làm là do doanh nghiệp. Nếu nhà nhập khẩu thị trường đó đòi chứng chỉ ASC thì họ phải mua giá như thế nào để chúng ta mới bỏ công sức ra lấy thêm chứng chỉ đó.

Theo ông Phạm Anh Tuấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Việt Nam sẽ xây dựng bộ tiêu chuẩn VietGAP cho cá tra và lấy đó làm bộ tiêu chuẩn nền tảng để liên kết với các bộ tiêu chuẩn quốc tế khác. Cụ thể với những chỉ tiêu tương đương mà trong tiêu chuẩn VietGAP đã có, thì sẽ mặc nhiên được công nhận, người nuôi cá sẽ chỉ thực hiện những chỉ tiêu mà trong bộ tiêu chuẩn của từng nước như GlobalGAP, ASC,… yêu cầu mà trong VietGAP chưa có.


Báo cáo phân tích thị trường