Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Khi tôm mắc cạn
29 | 06 | 2011
Các doanh nghiệp đã cố gắng 99% không sử dụng kháng sinh, nhưng 1% còn lại nằm ở hộ nuôi cũng đủ gây ra tình trạng tôm có cơ mất đường sang Nhật
Với số lượng chất kháng sinh cần kiểm tra lên đến con số 100, con tôm Việt Nam một lần nữa không qua khỏi ải kiểm soát tại thị trường Nhật.

"Hỏng đâu vá đó” không còn là cách làm hiệu quả để ứng phó với các đợt kiểm tra dư lượng chất kháng sinh trong sản phẩm tôm xuất khẩu. Các chất kháng sinh mới vẫn liên tục xuất hiện, giờ đây các doanh nghiệp đã không còn đủ sức gánh thêm những khoản chi phí liên tục phát sinh.

Nguy cơ mất thị trường truyền thống

Gần đây cả 3 thị trường xuất khẩu chủ lực của tôm Việt Nam đều đưa ra những cảnh báo về dư lượng kháng sinh vượt quá mức cho phép trong những lô tôm xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, châu Âu và Mỹ dù kiểm soát khó khăn song mức giá cũng khá cao. Trong khi đó thị trường Nhật kiểm tra chặt chẽ hơn nhưng mức giá lại chưa tương xứng. Vì vậy, hàng loạt doanh nghiệp xuất khẩu tôm sang Nhật đang kêu cứu và có khả năng sẽ ngừng xuất tôm sang thị trường này, sau khi Nhật nâng mức kiểm tra các lô hàng lên 100%. Nếu nhiều doanh nghiệp đồng loạt ngưng đưa hàng sang Nhật thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Năm 2010, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đạt gần 900 triệu USD, tăng gần 19% so với năm 2009.

Theo thông tin đăng trên trang web chính thức của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), một thành viên của Vasep là Công ty Cổ phần Thủy sản Phú Cường Jostoco xuất khẩu sang Nhật bình quân hơn 50% tổng sản lượng. Tuy nhiên, từ tháng 4 đến nay, xuất khẩu của Công ty vào thị trường này đã giảm, chỉ còn 10% tổng sản lượng. Thậm chí, Công ty có thể sẽ ngừng xuất vì 2 lý do. Thứ nhất là thiếu nguyên liệu, chỉ có thể sử dụng 30% công suất nên Công ty ưu tiên cho những đơn hàng có giá trị cao hơn. Thứ 2, để giảm bớt chi phí khi phải đầu tư thiết bị kiểm tra.

Nói về thiết bị, trong suốt 10 năm qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã liên tục phải đầu tư thêm máy thử dư lượng chất kháng sinh sau mỗi lần phát hiện thêm chất mới. Tuy nhiên, hiện nay nhiều doanh nghiệp đã thiếu nguyên liệu sản xuất do tôm chết hàng loạt, cộng thêm chi phí đầu tư thiết bị mới khiến họ lâm vào cảnh khó khăn.

Những công ty không có ý định ngừng xuất khẩu tôm sang Nhật thì phải chấp nhận đối mặt với những khó khăn lớn, như trường hợp Công ty Cổ phần Thủy sản Sóc Trăng. Chỉ tính riêng năm 2010, công ty này đã phải bỏ ra 10 tỉ đồng để mua thiết bị kiểm tra dư lượng chất kháng sinh. Chưa hết, Công ty tiếp tục phải đầu tư thêm thiết bị để kiểm tra dư lượng chất enrofloxacin mới bị Nhật phát hiện. “Đây là một gánh nặng cho doanh nghiệp vì mỗi thời điểm sẽ có một chất mới bị cấm và Công ty lại phải đầu tư thêm máy móc”, ông Trần Văn Phẩm, Tổng Giám đốc Công ty, cho biết.

Cũng theo ông Phẩm, các doanh nghiệp đã cố gắng 99% không sử dụng kháng sinh nhưng 1% còn lại nằm ở các hộ nuôi và đây chính là nguyên nhân gây ra tình trạng trên. Nếu không tìm cách hạn chế dư lượng kháng sinh, các doanh nghiệp sẽ không đủ sức đi tiếp vào thị trường Nhật. Để giải quyết tình trạng này, các doanh nghiệp đang tự mình cứu mình bằng cách liên kết với các hộ nuôi tôm.

Lời giải cho bài toán khó

Nhật đã đưa ra danh sách đến 100 chất dư lượng kháng sinh cần được kiểm soát. Rõ ràng, các doanh nghiệp Việt Nam không đủ chi phí để đầu tư cho kịp với sự gia tăng quá nhanh của các dư chất kháng sinh trong tôm. Trong khi đó, 2 giải pháp trước mắt được các doanh nghiệp đưa ra lại vẫn chưa thực hiện được.

Giải pháp đầu tiên là doanh nghiệp đầu tư vùng nuôi tôm và tự chế biến. Cách này theo ông Phẩm là không thể thực hiện được vì diện tích nuôi không nhiều, chủ yếu nằm trong tay nông dân. Một số doanh nghiệp như Minh Phú đã đầu tư được vùng nuôi nhưng vẫn chưa thể cung cấp đủ 100% sản lượng xuất khẩu.

Giải pháp thứ 2 là sử dụng các loại thuốc thú y bằng sinh học hoặc chất kháng sinh có khả năng kiểm soát được dư lượng. Nhưng điều này cũng khó thực hiện vì thuốc thú y của Việt Nam chất lượng không cao, vẫn còn chứa quá nhiều tạp chất. Chính những chất này là nguyên nhân gây ra dư lượng kháng sinh trong tôm.

Về phần mình, người nuôi tôm lại không được thông tin đầy đủ nên các kháng sinh được coi là thuốc chữa bệnh cho tôm vẫn được các hộ nuôi sử dụng hằng ngày. Chẳng hạn, nông dân vẫn sử dụng trifluralin để trị bệnh cho tôm mà không hề biết loại thuốc này có dư lượng kháng sinh, theo ông Lâm Thanh Dũng, Chủ nhiệm Tổ hợp tác nuôi tôm quảng canh tại Cà Mau.

Các doanh nghiệp đã khắc phục bằng cách lên chương trình liên kết với các hộ nông dân, liên tục cập nhật danh sách những chất có dư lượng kháng sinh bị cấm.

Ông Trần Văn Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, cho biết để có sự liên kết chặt chẽ và lâu dài thì lợi nhuận phải được chia theo thỏa thuận của người nông dân. Sắp tới, doanh nghiệp phải chia sẻ cả những thất thu của người nông dân khi có thiên tai xảy ra. Như vậy, doanh nghiệp sẽ không có lợi nhuận cao nhưng có thể hạn chế được tổn thất.

Nếu một lô hàng có chứa dư lượng kháng sinh bị phía Nhật trả lại, doanh nghiệp không những phải đầu tư thêm thiết bị kiểm tra chất mới mà còn bị mất chi phí vận chuyển hàng về nước, phí lưu kho, phí kiểm tra... Thiệt hại lúc này còn nặng nề hơn so với chi phí đầu tư liên kết với nông dân ngay từ đầu.

Bên cạnh đó, Vasep sẽ liên kết với các văn phòng thú y kiểm tra chặt chẽ quá trình nuôi của các ao. Như vậy, sẽ hạn chế được lượng thuốc thú y tồn trong tôm.

Thêm vào đó, Hiệp hội sẽ liên kết với Chính phủ để tổ chức chuyến đi khảo sát thực tế sang thị trường Nhật để đàm phán. Mục đích là thuyết phục phía Nhật đưa ra ngưỡng kiểm tra tương đương với châu Âu, Mỹ, không đặt ngưỡng quá cao đến mức bất khả thi đối với tôm Việt Nam.

Kỳ vọng của doanh nghiệp thủy sản đang được đặt vào những phương hướng giải quyết nói trên. Tuy nhiên, kỳ vọng có trở thành hiện thực hay không còn phải chờ thời gian trả lời.

Theo Thanh Hương
Nhịp cầu đầu tư


Báo cáo phân tích thị trường