Ngày 14/7, Cục Chăn nuôi tổ chức cuộc họp với các doanh nghiệp chăn nuôi lớn trên cả nước nhằm tìm giải pháp hạ nhiệt giá thực phẩm, đặc biệt là giá thịt lợn. Sau khi khảo sát ở một số tỉnh miền Bắc và miền Nam, Cục trưởng Chăn nuôi Hoàng Kim Giao khẳng định, thịt lợn chỉ tăng giá đột biến trong tháng 6. Nguyên nhân trực tiếp là do thiếu nguồn cung cục bộ bởi đây là thời điểm thiếu hụt mạnh nhất, đặc biệt tại miền Bắc.
Cục trưởng Hoàng Kim Giao so sánh, giá các sản phẩm chăn nuôi đã tăng mạnh trong thời gian gần đây, tiệm cận với giá các nước trong khu vực như Trung Quốc, Philippines, Thái Lan... Một số loại thậm chí còn cao hơn.
"Tuy nhiên, do chỉ thiếu nguồn cung cục bộ nên khoảng 2 tháng tới thị trường thịt lợn sẽ bình ổn trở lại, nguồn cung dồi dào hơn và phân phối đều hơn", ông Giao trấn an.
Cục này nhận định, từ nay đến cuối năm, nhu cầu sử dụng thịt các loại vào khoảng 1,7-1,8 triệu tấn thịt xẻ, nguồn cung thịt lợn tăng khoảng 5% .
"Dự báo 6 tháng cuối năm, thị trường trong nước sẽ thiết lập mặt bằng giá mới, thấp hơn 6 tháng đầu năm 10-15%. Xu hướng giảm giá xuất hiện khoảng cuối tháng 8, khi các nông hộ có thời gian tái đàn, tăng đàn", Phó Cục trưởng Nguyễn Thanh Sơn nói.
Mục tiêu này được ngành chăn nuôi nhận định chỉ có thể đạt được khi các giải pháp trước mắt, trong đó ưu tiên là hỗ trợ lãi suất ưu đãi, kiểm soát việc phân phối thịt thương phẩm và khống chế tốt dịch bệnh. Song, ông Sơn cảnh báo nếu tăng đàn, tái đàn một cách quá đà sẽ không loại trừ khả năng giá thịt đột ngột lao dốc. Nếu tình trạng này xảy ra, người chăn nuôi vốn đã khó khăn sẽ càng chật vật hơn trong tiêu thụ sản phẩm.
Cũng theo ông Sơn, hiện nhu cầu sử dụng thịt lợn của người dân Việt Nam rất lớn, chiếm 75% trong tổng cơ cấu. Tỷ lệ này ở một các nước láng giềng chỉ dao động trong khoảng trên dưới 50%.
"Đây có thể là dịp để chúng ta điều chỉnh cơ cấu tiêu dùng thịt theo hướng tăng tỷ lệ sử dụng thịt gia cầm. Chăn nuôi gia cầm thuận lợi hơn rất nhiều bởi vòng quay sản phẩm nhanh, vốn ít, đảm bảo vệ sinh môi trường hơn", vị Phó cục trưởng nói.
Nhận định về nguyên nhân dẫn đến tình trạng giá thịt tăng cao như hiện nay, Cục Chăn nuôi cho biết, hậu quả nặng nề của đợt dịch bệnh cuối 2010 khiến tổng đàn giảm gần 4% so với cùng kỳ là nguyên nhân khởi đầu. Dịch bệnh đánh mạnh vào tâm lý người chăn nuôi, thêm vào đó một loạt biến động đầu vào như thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, xăng, điện... từ đầu năm đến nay khiến 30% nông hộ nhỏ lẻ đã bỏ chuồng.
Thực trạng đối với các doanh nghiệp, nông trang lớn cũng rất ảm đạm khi không thể đủ nguồn lực tái sản xuất vốn do lãi suất ngân hàng quá cao. Ông Trần Văn Chiến, Chủ nhiệm họp tác xã chăn nuôi Cổ Đông (Sơn Tây, Hà Nội) cho hay, tổng đàn của đơn vị này đã giảm 20% nhưng hơn 230 trang trại trong hợp tác xã không thể tăng đàn do không chịu nổi áp lực đầu vào.
Đại diện cơ quan quản lý và doanh nghiệp chăn nuôi của nhiều tỉnh cũng đưa con số thống kê tổng đàn giảm sút khá đáng kể, thấp nhất là 5%, chưa kể số lượng bị thiêu hủy do dịch lợn tai xanh trong vài tháng gần đây.
Về lâu dài, các doanh nghiệp đề nghị được hỗ trợ tối đã quỹ đất cho chăn nuôi nhằm ổn định số lượng đàn và hướng đến quy mô trang trại lớn, hạn chế nông hộ nhỏ lẻ ở vùng đông dân cư. Đề nghị này được Cục trưởng Hoàng Kim Giao ghi nhận. Ông lưu ý các địa phương quan tâm hơn nữa đến chính sách đất đai, ưu tiên phát triển chăn nuôi song cần đưa ra cụ thể từng nơi, từng thời điểm để người chăn nuôi được hỗ trợ tốt hơn trong thời gian tới.
Theo ghi nhận, đầu tháng 6 đến nay, thịt lợn - loại thực phẩm phổ biến nhất trong bữa ăn của người dân - bắt đầu có dấu hiệu khan hiếm do cung cao hơn cầu. Giá lợn hơi trung bình hiện 64.000-65.000 mỗi kg, có nơi thậm chí trên 70.000 đồng. Trong khi đó, ở các nước Đông Nam Á chỉ khoảng 60.000 đồng.
Theo VnExpress