Với diện tích tập trung lên đến cả chục nghìn ha tại Bình Thuận, cây thanh long được người ta hy vọng sẽ tạo ra bước đà lớn cho ngành trái cây VN dần đi vào làm ăn chuyên nghiệp. Tuy nhiên, sau nhiều năm cố gắng, vùng “thánh địa” thanh long vẫn bừa bộn và ngổn ngang nghịch lý.
Facebook Bài học "đắng" từ cây thanh longTwitter 0 bình chọn Viết bình luận Lưu bài này
Buồn giữa "thánh địa" thanh long
Thời điểm này, về vùng đất thanh long Bình Thuận, đến đâu chúng tôi cũng phải nghe điệp khúc ca thán của nông dân: “Giá thanh long giờ sao bèo bọt đến thế?!”. Mới nghe, nhiều người sẽ phát hoảng: Trái nhỏ chỉ có… 300 đồng/kg, còn loại cao cấp để XK cũng chỉ 3.000 đồng/kg – mức giá mà nông dân “thề” rằng: Có gặp ác mộng cũng không bao giờ thấy!
“Ác mộng" giá bán!
Chúng tôi có mặt tại vườn thanh long rộng trên 1 ha của nông dân Lê Công Tam (thôn Minh Hòa, xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận), vừa đúng lúc ông mới “thanh lý” xong hơn 3 tấn trái thu được từ đợt đầu cho thu hoạch rộ. Khác hẳn với những năm trước, năm nay ông Tam rầu rĩ cho hay: “Có tới 50% lượng quả thu hoạch tôi phải bán với giá 300 đồng một ký do trái nhỏ, còn trái lớn cũng chỉ 2.500 đồng, trung bình chỉ được 1.400 đồng một ký thôi”.
Điều đáng nói, vườn thanh long của người nông dân này là hình mẫu đi đầu trong việc thực hành tốt sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Bản thân ông Tam cũng là người rất hăng hái, nhiệt tình và là nhóm trưởng Nhóm VietGap số 13 thôn Minh Hòa. Tuy nhiên, tất cả những điều này không thể giúp ông có thêm một đồng nào cho lứa thanh long đạt chuẩn vừa thu hái.
Buồn, tủi, thất vọng, ông Tam vào nhà lấy ra giấy chứng nhận VietGap mà ông cẩn thận, nâng niu đóng trang trọng trong khung hình rồi nói: “Làm VietGap là tốt quá chứ, người ta bảo đây chính là đầu tư cho tương lai. Tôi hoàn toàn ủng hộ. Nhưng tương lai còn xa quá, mà cái giá bán trồi sụt thất thường nhiều năm nay đang khiến nông dân chúng tôi liên tục lỗ lã, khó mà có niềm tin để vận động bà con tham gia được”.
Hơn 2 năm trồng thanh long theo VietGap, ông Tam chưa bao giờ thấy thương lái thu mua bắt ông phải trưng ra giấy chứng nhận, đơn giản vì họ nói: “VietGap hay không VietGap cũng chẳng thu thêm đồng lợi nhuận nào, vì thị trường nó thế!”.
Tương tự, 2 anh em Đoàn Văn Thuận và Ngô Văn Quyền (khu phố Nam Tân, thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam) có trên 2 ha thanh long cũng vừa phải bán tháo 5 tấn quả với giá bèo: 300 đồng/kg trái nhỏ và 2.500 đồng/kg trái lớn. Anh Thuận buồn bã nói: “Giá phân, thuốc, công lao động đều tăng gấp 2, 3 lần, trong khi giá bán thanh long lại giảm còn 1/10 so với thời đỉnh cao (trên 20.000 đồng/kg) thì bảo sao nông dân không lại không lỗ chổng vó chứ!”.
Để dẫn chứng, anh Thuận đưa bao phân DAP và lân Lâm Thao ra nói: Năm 2010, DAP chỉ 380.000 đồng thì nay đã là 870.000 đồng một bao 50 ký; còn lân Lâm Thao là 105.000 đồng tăng lên tới 225.000 đồng một bao 50 ký; công lao động cũng vọt từ 70.000 đồng lên 150.000 đồng một công. Đấy là chưa kể tiền điện, xăng dầu chạy máy bơm nước đều thượng đỉnh khiến giá đầu tư 1 ký thanh long tăng 4.000 – 5.000 đồng, trong khi giá bán chỉ đạt phân nửa vốn khiến nông dân rơi cảnh lỗ “vỡ mặt”.
Dù sao thì 2 anh em Thuận – Quyền cũng đỡ tủi phận hơn ông Tam vì vườn thanh long của họ chưa đạt chứng nhận VietGap. Cách đây vài tháng, vào thời điểm thanh long được giá, Thuận và Quyền hăng hái tham gia đăng ký lớp học VietGap. Nhưng bây giờ sự hào hứng của họ giảm hẳn vì thấy sự đầu tư công sức, trí lực của các nhà vườn VietGap chưa được ghi nhận xứng đáng.
“TỰ BƠI” GIỮA BIỂN!
Dù là vùng chuyên canh cây thanh long lớn bậc nhất nước nhưng cứ nói đến chuyện đầu ra, chuyện thương lái thu mua là nông dân lại thở dài ngao ngán. Họ cho rằng, mặc dù xem cây thanh long là cây chủ lực, quy hoạch trên cả chục nghìn ha nhưng 23.000 hộ nông dân “ôm” khoảng 300.000 tấn thanh long mỗi năm đều phải “tự bơi”, tự xoay xở lo đầu ra và liên tục bị thương lái chèn ép giá. Ngay cả các nhóm thanh long VietGap có tổ chức bài bản hơn nhưng cũng chẳng thoát cảnh bị “bỏ rơi giữa chợ”.
Để minh chứng, nhóm trưởng Nhóm VietGap số 13 thôn Minh Hòa Lê Công Tam cho biết, hàng tháng nhóm đều họp vào ngày 25 dương lịch. Cuộc họp gần đây (ngày 25/6) bà con trăn trở, lo lắng nhất là đầu ra và giá bán tụt dốc, thua lỗ đang tìm đến từng nhà. Để xoay xở, nhóm 13 đã phối hợp với nhóm VietGap Nam Tân (gồm 53 hộ) chủ động liên kết với Cty TNHH T.L (TP.Phan Thiết) để mong tìm đầu ra ổn định.
Tuy nhiên, khi vào mùa rộ, trái cây rớt giá thê thảm, Cty này đã bỏ mặc nhóm nông dân VietGap để thu mua bên ngoài nhằm ép giá thanh long của họ xuống đáy. Do không có sự hỗ trợ của chính quyền, “tham vọng” tự chủ đầu ra của 2 nhóm này đã tan thành mây khói. Họ lại lủi thủi quay về vườn nhà bán tống bán tháo cho thương lái với giá rẻ mạt.
Cũng từ câu chuyện buồn này mà mỗi lần đi vận động bà con nông dân tham gia mô hình, ông tổ trưởng VietGap Lê Công Tam rất ngại và thiếu tự tin. Ông thổ lộ: Nông dân nói rằng, họ vào VietGap thậm chí còn bị thua thiệt hơn vì phải hạn chế phun thuốc, cấm tiệt chất kích thích khiến trái nhỏ, sản lượng thấp, màu sắc nhạt hơn, thương lái lợi dụng chê ỏng chê eo và liên tục ép giá.
"Tôi cũng biết nông dân nói vậy là chưa ổn vì làm sạch vẫn tốt hơn, bảo vệ môi trường và tính toán cho tương lai. Nhưng cũng không thể trách họ vì cứ lỗ lã hoài họ phải phản ứng thôi!” - ông Tam tự an ủi. Bản thân ông Tam từng được Sở KH- CN Bình Thuận yêu cầu làm logo VietGap để dán lên trái bán, nhưng ông chẳng dám làm vì đơn giản: “Thương lái có yêu cầu đâu, giá bán cũng chẳng cao hơn nên đầu tư chỉ thêm lỗ nặng”.
Muốn có điện chong đèn phải mua...điện thoại?!
Nhiều hộ dân trồng thanh long tại xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam cho biết, khi hết mùa chong đèn thanh long (mùa nghịch vụ) thì nhà đèn lập tức cắt điện. Nếu nhà nào muốn có điện để tiếp tục sản xuất thì phải làm đơn, nộp tiền mua điện kế đồng hồ và đặc biệt bị khuyến cáo phải mua… 1 chiếc điện thoại không dây của ngành điện lực trị giá 1.200.000 đồng thì mới được giải quyết.
Nông dân Trương Văn Thơ cho biết, vì nhu cầu bức bách nên anh phải bỏ ra bạc triệu để mua chiếc điện thoại rồi bỏ xó trong tủ vì nhà đã dư điện thoại rồi. “Vẫn biết phi lý nhưng không mua đừng hòng có điện” – anh Thơ nói. Nhiều người dân cho biết, họ đã gọi điện lên Đài Truyền hình Bình Thuận nhờ hỏi và được trả lời rằng: Ngành điện không có chỉ thị bắt mua, nhưng “ưu tiên” mắc điện trước cho những hộ mua điện thoại (!?).
Theo Đức Cường - Minh Sáng
Báo Nông nghiệp