Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Doanh nghiệp phải hậu thuẫn nông dân
06 | 07 | 2011
AGROINFO - Tại thị trường nội địa, hệ thống siêu thị được xem là kênh phân phối và kênh tiêu thụ nông sản khó tính. Nói khó tính vì mỗi hệ thống siêu thị đều có những tiêu chí nhất định khi thu gom nông sản bán ra thị trường. Thực tế, nông sản rất khó tiếp cận kênh phân phối siêu thị. Trong khi doanh thu nông sản chiếm khoảng 50% của hệ thống này. Vì vậy, khi muốn xuất khẩu ra nước ngoài các mặt hàng nông sản phải chịu áp lực rất lớn từ các bộ tiêu chuẩn của thị trường tiêu thụ.

Thực tế, nhiều mặt hàng trái cây ở Bến Tre, Tiền Giang sản xuất theo hướng sản phẩm có chất lượng an toàn như VietGAP, Global GAP đã đem lại những tín hiệu khả quan. Nông sản làm ra không sợ dội chợ, giá bán cao, từ đó thu nhập của nông dân tăng lên. Đáng chú ý là người dân trong vùng đã áp dụng màng phủ nông nghiệp vào trồng rau. Với cách làm này, sản phẩm sẽ an toàn, thu hoạch lâu dài, năng suất cao, bán được giá. Theo tính toán của nhiều địa phương, mỗi hécta trồng rau theo mô hình này đạt lợi nhuận từ 50 - 60 triệu đồng… Hiện ĐBSCL có hơn 1.000 ha rau màu trồng với màng phủ nông nghiệp, tập trung ở An Giang, Tiền Giang và Cần Thơ.

Sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn đang là hướng phát triển mà ngành nông nghiệp đang nhắm đến. Song sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn thách thức, trong đó sản xuất vẫn còn manh mún, lạc hậu, đầu tư vào nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng trong vùng.

Việc các mô hình sản xuất nông nghiệp đạt chứng nhận Global GAP vừa qua là do có sự hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn, từng bước xây dựng thương hiệu cho nông sản trong vùng. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn lực của nông dân còn hạn chế, việc đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất đạt chứng nhận như Global GAP không quá khó nếu doanh nghiệp chịu hợp tác với nông dân. Tuy nhiên, xây dựng mô hình đạt chứng nhận là một chuyện, còn duy trì mô hình lại là chuyện khác. Bài học bưởi Năm Roi ở HTX Mỹ Hòa là một điền hình.

“Ở Cai Lậy, Tiền Giang, nông dân làm mấy chục hécta lúa để được công nhận Global GAP tốn mấy chục ngàn USD nhưng chỉ công nhận theo mùa vụ (khoảng 3 tháng). Liệu nông dân có duy trì khoản tiền này thường xuyên để được tái công nhận!? Theo tôi, điều quan trọng là phải có doanh nghiệp đứng sau lưng mua sản phẩm của nông dân. Cái khó để duy trì các tiêu chuẩn này là mối liên kết, liên hoàn giữa doanh nghiệp và nông dân. Mua rồi nhưng liệu vụ sau có mua nữa không hay nông dân theo đuổi các tiêu chuẩn rồi bán theo giá nông sản thường?”, TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL, đặt vấn đề.

Các sản phẩm nông nghiệp cần đủ tiêu chuẩn

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang lúng túng khi thực hiện ứng dụng các tiêu chuẩn trong sản xuất. Có doanh nghiệp đã thực hiện tiêu chuẩn phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP) cho thị trường châu Âu hơn 10 năm trước nhưng nay lại bị khách hàng Mỹ, Nhật từ chối. Nói cách khác, người nuôi cá tra ở ĐBSCL bị bủa kín bởi 23 bộ tiêu chuẩn khác nhau là một cách “nhũng nhiễu” của người mua.

Việc xác định thị trường để xây dựng các tiêu chuẩn tương thích là cần thiết để tránh lãng phí. Các doanh nghiệp muốn đa dạng hóa thị trường phải bấm bụng đa dạng hóa bộ tiêu chuẩn. Từ bài học của bưởi Năm Roi ở HTX Mỹ Hòa cho thấy, mối liên kết “4 nhà” hiện nay là rất quan trọng. Khi xây dựng mô hình sản xuất theo một tiêu chuẩn nào đó phải có doanh nghiệp đặt hàng lâu dài, không nên làm theo kiểu đem con bỏ chợ.

Việc các mô hình sản xuất nông nghiệp, thủy sản đạt chứng nhận GlobalGAP là rất khó khăn. Bộ NN-PTNT cũng nhìn thấy điều này, nên khuyến khích nông dân thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong sản xuất lúa, Bộ NN-PTNT phát động chương trình “nông dân nhỏ, cánh đồng lớn” để hình thành vùng sản xuất lớn.

TH

 



Báo cáo phân tích thị trường