Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tăng cường khả năng phối hợp nhóm cho nông dân
02 | 09 | 2007
Phối hợp nhóm là một kỹ năng khó đối với nhiều người làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Với nông dân, làm được điều này lại càng khó. Song, không phải vì khó mà không làm vì lối sản xuất kiểu “ruộng nhà anh anh cày, ruộng nhà tôi tôi cấy” đã đến lúc cần thay đổi triệt để.

Vụ hè thu 2006, tiểu hợp phần giống nông hộ SEED thuộc dự án giống cây trồng mà chính phủ Đan Mạch tài trợ cho Việt Nam được triển khai thông qua tổ chức phi chính phủ DANIDA. Đây là vụ thứ 3 chương trình được triển khai tại Phú Yên, những học viên được cấp giấy chứng nhận đã qua đào tạo đều đảm bảo sản xuất được lúa giống đủ tiêu chuẩn. Một mục tiêu khác của chương trình là tăng cường khả năng phối hợp nhóm cho nông dân.

Trước nay, trong việc gieo trồng, nông dân mạnh ai nấy làm. Có lịch thời vụ hẳn hoi, mà vẫn xảy ra cảnh người làm trước, kẻ làm sau; nơi làm hai vụ, chỗ làm ba vụ. Đã hết lịch phục vụ nước tưới của đồng trên, nhưng nước đi qua cạnh ruộng mình thì mình cứ lấy… Tất cả những điều này ít nhiều đều gây ảnh hưởng đến lợi ích chung hoặc gây phiền toái cho người khác có liên quan.

Để thay đổi được nếp làm cũ trên, cần có sự phối hợp của nhiều người cùng chung lợi ích hoặc từng nhóm người có liên quan lợi ích với nhau. Vấn đề chủ yếu trong quá trình phối hợp nhóm là phát huy khả năng đặc biệt của mỗi cá nhân, từ đó hình thành nên cách làm tạo thuận lợi, lợi ích chung cho cả nhóm.

Những HTX đạt được kết quả tốt sau khi mở các lớp sản xuất giống nông hộ vào các vụ lúa trước đều được chọn và thành lập câu lạc bộ (CLB) sản xuất giống. Tại Phú Yên hiện đã thành lập 4 CLB ở các HTX Châu Bình thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân); An Ninh Tây và Nam An Nghiệp (huyện Tuy An) và Hòa Quang Nam (huyện Phú Hòa). Mỗi CLB là tổ chức của một nhóm người cùng sản xuất lúa giống được nhận hợp đồng bao tiêu của các đơn vị trong và ngoài tỉnh. Điều dễ nhận thấy là các CLB này hoạt động rất hiệu quả, vì biết hợp tác trong từng công việc được tổ chức cụ thể, gắn kết các lợi ích riêng tư thành lợi ích chung và phân phối lợi chung ra thành lợi riêng.

Ông Trương Văn Tuấn, cố vấn tiểu hợp phần sản xuất giống nông hộ, cho biết: Cốt lõi là làm sao từng nhóm nông dân tự tạo thành từng tổ chức nhỏ, tự hoạt động kinh doanh. Chương trình sẽ chọn các nông dân tiêu biểu để đào tạo thêm các kỹ năng về lập kế hoạch, quản lý tài chính, tiếp thị, quản lý nhóm… và vận hành một tổ chức kinh tế quy mô nhỏ trong tháng 10-2006 này.

Nhờ thực hiện sản xuất giống nông hộ theo nhóm mà đến nay, HTX Nam An Nghiệp, lượng giống gieo sạ trên một đơn vị diện tích đã giảm nhiều so với những nơi khác. HTX này đang hướng đến mục tiêu gieo sạ 4 kg giống/sào ruộng. Trong khi đó, nông dân Phú Yên hiện đang canh tác với lượng giống 10kg/sào nhưng chất lượng, năng suất và hiệu quả luôn thấp hơn những hộ nông dân tham gia chương trình sản xuất giống nông hộ ở đây.



Văn Cương (Theo NetCenTer)
Báo cáo phân tích thị trường