Rộng đường xuất khẩu, doanh nghiệp vẫn lo Tổng Thư ký Hiệp hội Lương thực VN (VFA) – ôngHuỳnh Minh Huệ cho biết: Đến hết tháng 7, VN đã XK trên 4,6 triệu tấn gạo, tăng trên 16% so với cùng kỳ 2010, đạt giá trị gần 2,2 tỉ USD, tăng trên 26% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Hiện VN đã ký được hợp đồng XK trên 6,2 triệu tấn, với lượng tồn kho còn khoảng 1,4 triệu tấn. Trong 2 tháng tới, VN dự kiến XK mỗi tháng khoảng 700.000 tấn gạo và theo tính toán, đến hết quý III/2011, dự kiến sẽ XK đạt 6 triệu tấn gạo.
VFA đưa ra nhận định: Thị trường lúa gạo thế giới đang diễn biến phức tạp, do nhu cầu nhập khẩu (NK) tăng, đồng thời giá gạo XK đang tăng. Trong khi đó, tại thời điểm hiện tại, giá gạo của VN đang theo sát giá gạo XK của Thái Lan và vì vậy, đây sẽ là cơ hội cho VN mở rộng thị trường cũng như nâng cao giá trị gạo XK. Tuy nhiên, ông Huệ cho biết: “Nếu VN XK vượt mức và giá tăng quá cao sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng trong nước. Đồng thời cần phải tính toán đến lượng gạo gối đầu cho năm 2012.
Tại thị trường trong nước, giá lúa cũng tăng cao là do các DN tập trung thu mua, phục vụ cho các hợp đồng đã ký kết, giá lúa hạt dài trung bình từ 6.700-6.800đ/kg lúa khô. Hai vấn đề quan trọng đối với thị trường lúa gạo trong nước được ông Huỳnh Minh Huệ nêu lên là phải bằng mọi cách kiểm soát được lượng gạo XK, giữ được cân đối ổn định thị trường trong nước. Mặt khác, thực hiện NĐ109 về kinh doanh XK gạo có hiệu lực từ 1.10 tới, nhưng đến nay, Bộ Công Thương mới cấp được cho 23 DN đủ điều kiện kinh doanh XK gạo.
Trong khi số DN XK hiện có tới 211 DN đầu mối. Sẽ tháo gỡ vướng mắc Ông Phan Văn Chinh - Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết: Trong tháng 5.2011, Bộ Công Thương đã tổ chức đoàn đi khảo sát thực tế, sau khi nhận được ý kiến phản hồi của các DN.
Theo đó, có 2 điểm khó khăn mà DN phản ánh: Thứ nhất, liên quan đến quy định về quy chuẩn kho chứa, DN đề nghị Bộ NNPTNT xem lại quy định thiết bị không phải đặt trên cùng một mặt bằng. Thứ hai là một số DN lo ngại chưa đủ thời gian chuẩn bị đầu tư lò sấy, máy sấy thóc. Bộ Công Thương đã làm việc với Bộ NNPTNT và đã có văn bản hướng dẫn đồng ý với đề xuất của DN là các thiết bị trong dây chuyền xay xát không cần thiết nằm trên một mặt bằng. Đây là tháo gỡ đầu tiên cho DN.
Liên quan đến việc đầu tư máy sấy, lò sấy thóc, Bộ NNPTNT cho rằng đây là yêu cầu bắt buộc đối với dây chuyền xay xát. Nếu không có máy sấy sẽ không bảo đảm độ ẩm cho thóc. Ông Chinh cũng cho biết: Mặc dù chưa tháo gỡ được tất cả các vấn đề, nhưng đến nay việc cấp giấy phép đã tiến triển, Bộ Công Thương đã cấp 29 giấy chứng nhận, còn 15 bộ hồ sơ nữa đã đủ tiêu chuẩn và đang trình lãnh đạo bộ. Khoảng 50-60 DN đang tích cực đầu tư thiết bị lò sấy thóc thì việc cấp giấy chứng nhận sẽ không nhiều vướng mắc.
Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên thống nhất quan điểm: Việc áp dụng Nghị định 109 cũng phải tính đến yếu tố thị trường. Điều này rất quan trọng bởi trong bối cảnh 2011, thị trường gạo XK có chuyển biến lớn sẽ tác động mạnh tới sức cạnh tranh của hạt gạo VN. Bộ Công Thương cho biết, thời gian tới sẽ tổ chức hội nghị nghe ý kiến của các DN, hiệp hội DN XK gạo với trọng tâm tháo gỡ sẽ là lưu ý nhóm DN đã hoàn tất hồ sơ, nhưng chưa đáp ứng được một số quy định của Bộ NNPTNT.
Tổng hợp