Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam 2011: Xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp
25 | 08 | 2011
Hướng tới việc nâng cao hiệu quả hoạt động xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam, hôm 24/8, tại Hà Nội, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với báo Tin Tức (Thông tấn xã Việt Nam) đã tổ chức Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam 2011 với chủ đề “Xây dựng và phát triển thương hiệu ngành hàng”.
Tham dự diễn đàn có ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công thương, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng thương hiệu quốc gia, lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại (XTTM), thành viên Hội đồng Thương hiệu quốc gia (THQG), Ban Thư ký Chương trình THQG, lãnh đạo Thông tấn xã Việt Nam, lãnh đạo 43 doanh nghiệp (DN) được lựa chọn tham gia Chương trình THQG; đại diện Hiệp hội ngành hàng, đại diện trên 200 DN và các chuyên gia có uy tín về thương hiệu, marketing...
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Ngô Hà Thái nhấn mạnh: Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam 2011 nhận được sự hưởng ứng tích cực của nhiều cơ quan, hiệp hội, DN, giới truyền thông. Tất cả cùng hướng tới nâng cao hiệu quả hoạt động xây dựng thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp xuất phát từ lợi ích chung của việc xây dựng thương hiệu ngành hàng và hình ảnh quốc gia, qua đó giúp cộng đồng doanh nghiệp xây dựng nền tảng cho chiến lược thương hiệu sản phẩm. Thông qua Diễn đàn này, cơ quan TTXVN mong muốn cùng các cơ quan báo đài khác góp phần cùng các đơn vị chức năng đẩy mạnh, thực hiện tốt hơn nữa Chương trình Thương hiệu quốc gia. 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho biết: Trong thời gian qua, một số ngành hàng đã vươn ra trong khu vực và trên thế giới về quy mô xuất khẩu. Tuy nhiên, tính bền vững và sức cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu Việt Nam còn thua kém so với các đối tác của khu vực. Điều đó thể hiện ở chỗ các ngành hàng chỉ chú trọng xây dựng thương hiệu của một số sản phẩm của một vài doanh nghiệp trong chương trình xây dựng thương hiệu quốc gia. Trong khi đó, hình ảnh của ngành hàng chiếm vị trí chi phối lớn trên thị trường trong nước và trên thế giới lại chưa được đầu tư, phát triển; chưa có đối tác đứng ra xây dựng và có chương trình cụ thể cho từng đối tượng cụ thể. Vì vậy, việc xây dựng thương hiệu ngành hàng phát triển bền vững có ảnh hưởng trên thế giới không chỉ gắn với năng lực cạnh tranh nói chung, giá trị của xuất khẩu nói riêng mà còn phát triển cả ngành hàng đó. Bộ Công Thương, các cơ quan chức năng và Hiệp hội ngành hàng đang phối hợp cùng đưa ra những ý tưởng liên liên kết giữa các doanh nghiệp, hiệp hội và địa phương để định hướng trong việc xây dựng thương hiệu ngành hàng.
Theo ông Đỗ Thắng Hải, Cục Trưởng Cục XTTM, Tổng Thư ký Ban Thư ký Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam: "Xây dựng và phát triển thương hiệu ngành hàng là một nội dung quan trọng của Chương trình THQG trong giai đoạn tới. Chương trình sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp và thông qua các hiệp hội ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam có thế mạnh xây dựng nhãn hiệu tập thể, nghiên cứu và áp dụng mô hình phát triển thương hiệu cạnh tranh của ngành; hướng dẫn và hỗ trợ các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp trong việc bảo hộ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến các mặt hàng xuất khẩu tiềm năng, các mặt hàng mang chỉ dẫn địa lý tại thị trường trong và ngoài nước; hỗ trợ các hiệp hội ngành hàng tiếp cận các nguồn tài trợ, dự án và chương trình hợp tác kỹ thuật của nước ngoài liên quan đến phát triển thương hiệu”.
PGS.TS. Nguyễn Quốc Thịnh, Trung tâm thương hiệu, Đại học Thương mại cho rằng, việc xây dựng và phát triển thương hiệu tập thể không dễ dàng và luôn hàm chứa những mâu thuẫn giữa quyền lợi riêng của các thành viên và quyền lợi chung của tập thể. Thương hiệu tập thể sẽ nhanh chóng bị lãng quên khi không có sự đồng lòng của số đông các doanh nghiệp thành viên trong liên kết (trong đó chủ đạo là các doanh nghiệp/thương hiệu tiên phong, có khả năng dẫn dắt thị trường).
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, việc xây dựng được một chương trình quốc gia nhằm tăng cường nhận thức và hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, bảo vệ, quảng bá và phát triển thương hiệu, vừa là cấp bách vừa là chiến lược. Mặt khác, trong bối cảnh thương hiệu hàng hóa Việt Nam chưa có chỗ đứng trên thị trường thế giới thì việc hợp tác giữa Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp nhằm xây dựng một hình ảnh chung cho hàng hoá xuất khẩu Việt Nam và quảng bá hình ảnh chung đó một cách mạnh mẽ trên thị trường quốc tế là một cách làm tiết kiệm thời gian, chi phí và đem lại hiệu quả cao hơn so với việc xây dựng chỗ đứng trên thị trường cho từng thương hiệu nhỏ lẻ.
Trước tác động nhiều chiều trong quá trình vận hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam, vấn đề xây dựng và phát triển thương hiệu đã sớm được đặt ra, thực hiện và đóng góp quan trọng vào sự phát triển thương mại - dịch vụ nước nhà. Tuy vậy, với nhiều lý do cả khách quan từ thực trạng nền kinh tế cũng như hoàn cảnh của từng doanh nghiệp, vấn đề xây dựng và phát triển thương hiệu chưa đạt kết quả như mong muốn.
Cũng tại Diễn đàn, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng đã đóng góp các tham luận chia sẻ kinh nghiệm thành công trong việc quảng bá và nâng cao thương hiệu sản phẩm Việt qua thương hiệu ngành hàng./.
Theo cpv.org


Báo cáo phân tích thị trường