Chính sách này được dự báo là sẽ tác động rất lớn đến thị trường lúa gạo thế giới, trong đó có Việt Nam.
Thực tế, từ nhiều tháng nay, lúa gạo nội địa đã hình thành mặt bằng giá mới ở mức khá cao. Lo ngại giá sẽ còn tăng trong các tháng tới khiến các nhà kinh doanh phải tính đến giải pháp trữ gạo…
Chỉ tay về phía bảng giá niêm yết chi tiết từng loại gạo, chị Hải Khuyên, chủ vựa gạo cùng tên trên đường Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận nói rằng, hiện nay không còn gạo có giá dưới 10.500 đồng/kg như hồi đầu năm nữa mà loại thấp nhất cũng 11.000 đồng; còn cao cấp như các dòng thơm phải từ 16.000 – 22.000 đồng.
Khảo sát thị trường bán lẻ gạo tại TP.HCM vài tuần gần đây, giá hầu hết các loại gạo đều tăng khá mạnh. Chẳng hạn như các dòng gạo thơm: thơm lài, thơm Thái, thơm Đài Loan tăng 1.500 – 2.000 đồng, lên mức 15.500 – 17.000 đồng/kg. Gạo thường (nở, xốp) từ 11.000 – 11.500 đồng/kg, tăng 500 – 1.000 đồng/kg.
“Vài tuần trước, gần như ngày nào các đầu mối cung cấp gạo dưới tỉnh cũng báo giá thay đổi. Giá gạo tăng chóng mặt giống như thời điểm cao nhất hồi tháng 4.2008”, chị Hải Khuyên tâm sự.
Tác động dây chuyền
Thái Lan xuất khẩu gạo phẩm cấp cao hơn gạo Việt Nam, nhưng một khi gạo Thái Lan tăng giá, gạo Việt Nam cũng tăng giá theo. Thực tế này đã diễn ra những lúc giá cả thị trường gạo thế giới biến động. Nếu không có gì thay đổi, từ ngày 7.10 tới đây, Chính phủ Thái Lan chính thức áp dụng trợ giá thu mua lúa gạo cho nông dân của họ. Nhiều dự báo cho rằng, một khi chính sách này thực thi, chắc chắn sẽ làm tăng giá thành xuất khẩu gạo của Thái lên đáng kể. Con số tạm tính gạo Thái Lan loại 100B (loại gạo xuất khẩu phổ biến của Thái Lan) có thể vượt qua mốc 750 USD/tấn (hiện nay là 620 USD/tấn). Và lúc đó, mặt bằng giá gạo toàn cầu sẽ phải thay đổi cho phù hợp bởi đến nay, Thái Lan vẫn là nước xuất khẩu gạo với số lượng lớn nhất thế giới.
Tại nước ta, hiện nay, lượng lúa hè thu ngoài đồng cơ bản thu hoạch hết. Theo quy luật hàng năm thì đây đang là thời điểm nhạy cảm nhất về nguồn cung cũng như giá gạo bán lẻ trên thị trường. “Tôi nghĩ lúa trong dân không còn, bây giờ chỉ có thương lái, nhà máy xay xát và các nhà kinh doanh là còn giữ lúa. Chỉ cần có biến động nhỏ từ ngoài như giá xuất khẩu tăng, doanh nghiệp tăng mua thì chắc chắn gạo bán lẻ sẽ tăng giá”, ông Huỳnh Tín Dũng, giám đốc kinh doanh công ty TNHH Minh Cát, phân tích.
Mặc dù phần lớn lượng gạo mà người dân tiêu dùng là gạo thơm, khác với loại gạo xuất khẩu, nhưng ông Minh, chủ vựa gạo ở chợ Bắc Ninh, Thủ Đức cũng cho rằng, một khi doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua xuất khẩu, giá sẽ đồng loạt tăng mạnh. “Hồi tháng 8 vừa qua nghe nói doanh nghiệp ký nhiều hợp đồng nên gạo bán lẻ tăng giá khá mạnh. Có ngày mỗi ký gạo thơm tăng giá 500 – 600 đồng. Một vài hôm còn xảy ra tình trạng bị cháy hàng”, ông Minh nói.
So với hồi đầu năm nay, theo tính toán của các chủ vựa kinh doanh, giá gạo bán lẻ tăng ít nhất 30%. “Thời gian tăng giá mạnh nhất chỉ xảy ra trong khoảng hai tháng trở lại đây. Hiện nay, thị trường gạo hình thành mặt bằng giá mới cao hơn trước rất nhiều”, ông Huỳnh Tín Dũng nói thêm.
Nguồn cung dôi dư
Ông Nguyễn Trung Kiên, phó chủ tịch hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho biết từ nay đến cuối năm, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long sẽ thu hoạch hơn nửa triệu hecta lúa vụ 3. Về lý thuyết, nguồn cung lúa gạo hàng hoá trên thị trường lúc nào cũng dôi dư. Nếu cộng thêm kế hoạch điều tiết xuất khẩu đã tính toán sát sao thì không xảy ra tình trạng thiếu hụt, tăng giá đột biến ở thị trường nội địa.
Tuy nhiên, ông Kiên cũng cho rằng yếu tố tác động từ bên ngoài, mà điểm tập trung lúc này là từ Thái Lan, đang tạo áp lực khá lớn lên mặt bằng giá gạo.
“Gạo Thái tăng thì khách hàng phải tìm đến các nước khác, trong đó có Việt Nam để mua và lúc đó giá gạo nội địa không thể không có biến động”, ông Dũng phân tích.
Trước lo ngại này, các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là công ty kinh doanh gạo nội địa, các chủ vựa tính đến việc trữ hàng. Hiện nay, hầu như vựa gạo nào cũng tích trữ lượng gạo khá lớn đề phòng giá tăng.
Chị Hải Khuyên cho biết: “Chất lượng lúa vụ 3 kém hơn hè thu và đông xuân. Hơn nữa sợ tới đây giá sẽ tăng nên tôi phải bỏ vốn trữ lượng gạo kha khá, đủ bán trong vòng một tháng”. Còn ông Dũng thì cho hay, công ty Minh Cát đã bỏ ra 6 tỉ đồng trữ khoảng 600 tấn gạo thơm.
Một số doanh nghiệp xuất khẩu trực thuộc VFA cũng đã có kế hoạch dự trữ số gạo rất lớn nhằm đáp ứng thị trường tiêu thụ nội địa. Theo ông Huỳnh Công Thành, giám đốc công ty lương thực TP.HCM, ngoài nguồn gạo tồn kho xuất khẩu, lúc nào công ty cũng trữ sẵn vài chục ngàn tấn gạo ở các kho giáp ranh thành phố, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và phòng khi xảy ra tình trạng có biến động.
Theo Hoàng Bảy
SGTT