Tuy nhiên, để đạt thành tựu trong dài hạn đòi hỏi phải có một cái nhìn sâu sắc hơn về các động lực thúc đẩy ngành, như công nghệ, những thay đổi trong xã hội và giá cả. Lịch sử đã cho thấy rằng trước khi đường sắt và tủ lạnh ra đời, rất ít người sống sâu trong lục địa có thể thưởng thức thủy sản tươi sống. Khẩu phần thủy sản trong thực đơn của họ chỉ thường là các loại cá muối, các loại trai và cá nước ngọt tươi sống. Trước khi hoạt động đánh cá bằng tàu ra đời và phát triển, rất ít người biết đến mùi vị của sò điệp hay cá bơn, và chỉ đến khi công nghệ cho phép đánh bắt ở những vùng nước sâu, người ta mới biết đến việc thưởng thức những loài thủy sản chưa từng được biết đến trước đây.
Những thay đổi trong thực đơn thưởng thức thủy sản của con người được duy trì nhờ những thay đổi trong các phương pháp bảo quản. Cá ngừ đóng hộp hiện có thể mua ở bất cứ cửa hàng tiện dụng nào; trong khi đó những loại cá muối truyền thống của phương Tây chỉ còn có thể tìm thấy từ các nhà cung cấp chuyên biệt. Không có sự phát triển của công nghệ phile đông lạnh trên biển, hầu hết các cửa hàng bán fish&chip sẽ phải vận hành theo những cách hoàn toàn khác. Tương tự, nếu như công nghệ đông lạnh siêu tốc không ra đời thì sẽ không thể cung cấp các sản phẩm cá ngừ cao cấp và các cửa hàng sushi cũng sẽ cung cấp thực đơn rất khác.
Một trong những thay đổi mạnh mẽ nhất trong ngành thủy sản toàn cầu là công nghệ nuôi trồng thủy sản. Cá hồi, cá vược và cá tráp được nuôi, đã làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt những chợ cá tươi tại châu Âu và Bắc Mỹ. Chỉ 2 thập kỷ trước, hầu hết người tiêu dùng sẽ chỉ biết đến cá rô phi và da trơn trong những kỳ nghỉ tới miền nhiệt đới thì nay, họ có thể mua các loại cá này để trong tủ lạnh tiêu dùng hàng ngày.
Không chỉ có công nghệ chi phối sự phát triển của hoạt động tiêu dùng thủy sản, những động lực khác như khuynh hướng, những thay đổi trong phong cách sống và nhận thức về môi trường cũng đóng vai trò nhất định. Ví dụ, nếu bạn nói với một người tiêu dùng Anh điển hình vào năm 1974 rằng người tiêu dùng tương lai sẽ nhanh chóng tiêu dùng hàng chục ngành tấn cá hoki New Zealand và cá pollock Alaska bền vững, họ sẽ không hiểu những gì bạn nói. Nhưng đến nay, tại Anh, bạn sẽ không tìm thấy một cửa hàng McDonald’s hay Filet-O-Fish mà không có chứng nhận MSC. Ngày nay, nhu cầu tiêu dùng thủy sản không xương và không da ngày càng tăng. Đó là lý do tại sao các loại cá to, thịt trắng, dễ phile vượt qua các loại cá nhỏ, nhiều xương, trở thành mặt hàng được ưa chuộng.
Vậy những động lực cho tương lai là gì?
Rõ ràng động lực cho sự phát triển trong 20 năm tiếp theo là sự tăng lên mạnh mẽ trong nhu cầu tiêu dùng tất cả các loại thủy sản, một phần là nhờ tăng trưởng dân số. Ngoài ra, lý do khác còn là sức mua tiêu dùng của dân cư tăng lên trên khắp thế giới, đặc biệt là châu Á.
Nếu châu Âu và Bắc Mỹ muốn tiếp tục thưởng thức thủy sản, nhiều khả năng họ sẽ phải tự sản xuất nhiều hơn và giảm tỷ trọng xuất khẩu trong tổng sản lượng. Nguồn cung có thể tăng lên nhờ quản lý tốt nguồn dự trữ thủy sản tự nhiên hiện tại. Tuy nhiên, rất ít nhà phân tích cho rằng nguồn thủy sản tự nhiên có thể đủ để đáp ứng nhu cầu. Do đó, nhất thiết nguồn cung tăng lên phải nhờ hoạt động nuôi trồng.
Vậy câu hỏi đặt ra là loại hình nuôi trồng và loại thủy sản nào là thích hợp để lựa chọn? Mô hình nuôi trồng lý tưởng là có một loại thủy sản chống bệnh tốt, dễ thích nghi với nhiệt độ, có hàm lượng omega 3 cao và không phụ thuộc vào các loại thức ăn từ bột cá. Các loại thủy sản hai mảnh vỏ phù hợp tốt với các tiêu chí này và lượng cung cũng dễ dàng tăng lên. Tuy nhiên, đến năm 2030, con người cũng có thể sẽ tiêu dùng loại cá hồi được nuôi hoàn toàn bằng tảo biển và cũng có thể sẽ cho ra đời loại cá rô phi hay cá da trơn nuôi ở trong nhiệt độ thấp.
Kim Dung AGROINFO
Theo Seafood Source