Chốt phiên giao dịch ngày đầu tiên chuyển kỳ hạn sang tháng mới, giá hạt tiêu thế giới trên thị trường Kochi-Ấn Độ tiếp tục tăng cao. Kỳ hạn tháng 10 tăng 425 Rupi lên 36.695 Rupi/tạ, kỳ hạn tháng 11 tăng 415 Rupi lên 37.285 Rupi/tạ và kỳ hạn tháng 12 tăng 565 Rupi lên 37.700 Rupi/tạ.
Câu hỏi dành được nhiều quan tâm nhất sau phiên giao dịch này là vì sao giá tiêu thế giới vẫn tiếp tục tăng cao?
Bức tranh sản lượng hồ tiêu thế giới năm 2011 theo dự báo của Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) khả quan hơn so với dự báo của hãng tin Reuters. Tuy nhiên, điểm chung nhất rút ra từ hai dự báo này là cung chưa theo kịp cầu, sản lượng hạt tiêu hàng năm của thế giới thiếu hụt khoảng 12-15 % chưa thể khắc phục trong ngắn hạn.
Do đó nông dân trồng tiêu lẫn nhà xuất khẩu hạt tiêu nhanh chóng nắm bắt cơ hội để nâng cao lợi nhuận mỗi khi có tín hiệu về nhu cầu nguồn hàng gia tăng trên thị trường thế giới.
Bước vào tháng 9, thị trường tiêu sôi động do nhu cầu mua mạnh sau kỳ lễ Hồi giáo. So với các năm trước, giai đoạn này giá thường giảm khi thị trường có thêm nguồn cung mới từ các nước thu hoạch vào giữa năm như Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Brazil. Tuy nhiên,sản lượng thu hoạch của các nước này không như dự kiến, nhu cầu tiêu thụ nội địa lại tăng cao nên cung ra thị trường càng thắt chặt hơn bao giờ hết.
Giá tăng còn do đầu cơ thế giới trước dự báo hạt tiêu sẽ thiếu hụt nghiêm trọng và tác động bởi giá cả nông sản thế giới không ngừng tăng cao khiến cho nông dân các nước sản xuất chính cầm hàng đợi giá khiến nguồn cung thêm khủng hoảng.
Diễn biễn giá tiêu kỳ hạn thế giới trong tháng 9 không chỉ cho thấy hàng giấy góp phần thao túng thị trường hạt tiêu mà còn là sự thiếu hụt hàng thực đã đẩy giá tăng theo nhu cầu mua mạnh của các nhà nhập khẩu.
Tại thị trường nước ta, giá tiêu đen xô tăng cao làm các nhà xuất khẩu hạn chế bán ra. Chính sự hạn chế này của nước xuất khẩu tiêu số 1 làm cho việc săn tìm nguồn hàng khắp nơi của nhà nhập khẩu tiếp tục đẩy giá tiêu thế giới lên cao…
Không thể bán thấp mua cao, rượt đuổi theo giá cả nên các nhà xuất khẩu càng hạn chế bán. Chính cái vòng lẫn quẫn này không biết đến khi nào dừng. Làm sao để nông dân bán hàng ra khi cứ mỗi tấn hàng đưa ra thị trường trong tháng 9 sớm 1 ngày mất 1 triệu đồng như tốc độ tăng giá hiện nay.
Thống kê của Hải Quan cho thấy, giá bình quân xuất khẩu hạt tiêu các loại của tháng 7 chỉ đạt 5.959 USD/tấn trong khi giá bình quân tháng 8 đạt 6.255 USD/tấn, tức tăng 4,96 %. Các thị trường nhập khẩu lớn trong tháng 8 là Các tiểu vương quốc Ả Rập 2.983 tấn, Mỹ 2.982 tấn, Pakixtan 1.421 tấn…
Riêng Ấn Độ tháng 8 nhập về 828 tấn đưa tổng nhập 8 tháng lên 6.115 tấn, trở thành thị trường lớn nhập khẩu hạt tiêu của nước ta. Được biết Ấn Độ nhập khẩu loại giá thấp để bổ sung cho tiêu thụ nội địa và chế biến tái xuất.
Cây Hồ tiêu có nguồn gốc ở vùng Tây Nam Ấn Độ, do xuất xứ từ vùng nhiệt đới ẩm nên cây Hồ tiêu chủ yếu được trồng tại các nước vùng xích đạo. Hiện nay trên thế gới có khoảng 70 nước trồng tiêu, với diện tích khoảng 570.000 ha, trong đó có 7 nước sản xuất chính gồm Ấn Độ khoảng 230.000 ha, Indonesia 170.000 ha, Việt Nam 50.000 ha, Brazil 45.000 ha, Sri Lanka 32.000 ha, Trung Quốc 18.000 ha và Malaysia 13.000 ha, các nước trên chiếm tới 98% diện tích toàn cầu (VPA). |
Tiêu đen xuất khẩu của Việt Nam được chào bán loại 500 Gr/l-FAQ giá 7.800 USD/tấn, loại 550 Gr/l-FAQ giá 8.250 USD/tấn và loại 550 Gr/l-Asta giá 8.700 USD/tấn, loại 570 Gr/l-Asta giá 9.000 USD/tấn. Trong khi tiêu trắng loại 630 Gr/l-FAQ giá 11.000 USD/tấn và loại DW 630 Gr/l giá lên tới 11.400 USD/tấn, (FOB).
Tiêu đen xuất khẩu của Ấn Độ loại đặc chủng MG1 giá 8.000-8.100 USD/tấn (C&F). Trong khi tiêu đen xuất khẩu của Brazil loại Bra1 giá 8.200 USD/tấn, loại Bra2 giá 8.000 USD/tấn và loại Bra-ASTA có giá 8.500 USD/tấn.
Các nhà xuất khẩu còn cho biết mức giá này đang bị giới đầu cơ đẩy lên trong từng buổi vì người trồng tiêu thế giới hầu như không còn chút hàng nào trong tay.
Dự báo nguồn cung từ Việt Nam trong 4 tháng cuối năm chỉ còn 20.000-25.000 tấn.
Theo Cafef