Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đồng Nai: Khó khăn trong việc di dời các doanh nghiệp sản xuất gốm sứ ở thành phố Biên Hòa
17 | 09 | 2011
Hiện nay, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai có 38 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gốm sứ phải di dời tới cụm công nghiệp Tân Hạnh. Nguyên nhân là do quá trình đô thị hóa ở đây đang diễn ra nhanh, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nhân dân tại các khu vực gần làng nghề. Tuy nhiên, việc di dời đang gặp phải nhiều khó khăn.
Thành phố Biên Hòa có nhiều làng nghề gốm sứ truyền thống nổi tiếng khắp Nam bộ, tập trung ở các phường, xã ven sông Đồng Nai như: phường Tân Vạn, phường Bửu Hòa, xã Hóa An, xã Tân Hạnh. Do quá trình đô thị hóa nhanh, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, tỉnh Đồng Nai đã quy hoạch cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh ở xã Tân Hạnh, thành phố Biên Hòa để tập trung cho vùng chuyên sản xuất gốm sứ.
Theo đó, các cơ sở sản xuất gốm tại các địa phương nói trên không được mở rộng sản xuất, chuyển dần nguồn nguyên liệu nung gốm từ than, củi trước đây sang công nghệ lò nung bằng gas và phải di dời các cơ sở sản xuất gốm sứ ra xa khu dân cư, dự kiến thời hạn di dời sẽ kết thúc vào cuối năm 2012. Đến nay, thành phố Biên Hòa đã tổ chức xong việc bốc thăm nhận đất vào cụm công nghiệp gốm Tân Hạnh cho 38 doanh nghiệp, cơ sở và Hiệp hội gốm mỹ nghệ Đồng Nai với diện tích trên 300.000 mét vuông. Tuy nhiên, hiện tại các doanh nghiệp đang gặp phải nhiều khó khăn. Theo các chủ doanh nghiệp thì việc chi phí cho di dời toàn bộ nhà xưởng sản xuất cùng với tiền đóng xây dựng cơ sở hạ tầng của doanh nghiệp lên đến hàng chục tỷ đồng. Thêm vào đó, các doanh nghiệp cũng chưa được thống nhất cụ thể về tiền thuê đất và thời gian thuê đất.

Chính vì vậy, nếu để tự doanh nghiệp di dời vào cụm gốm sứ thì sẽ có khá nhiều doanh nghiệp không có khả năng chi trả được cho việc di dời, bởi hầu hết các doanh nghiệp gốm ở đây đều là doanh nghiệp nhỏ đi lên từ hộ gia đình, có số vốn ít, chủ yếu là làm đến đâu mở rộng dần đến đó. Một số chủ doanh nghiệp cũng cho biết, nhiều năm trước, khi nghề gốm đang làm ăn được thì lại không được phép đầu tư mở rộng sản xuất nên đã mất đi rất nhiều cơ hội. Thời gian chờ đợi vào cụm gốm quá lâu, đến nay đang ở thời điểm khó khăn thì lại phải di dời trong điều kiện phải đầu tư vốn ban đầu quá lớn, thiếu lao động, chưa kể đối với các loại gốm đen và gốm đỏ đòi hỏi phải được nung bằng lò củi.
Hiện nay, ngành gốm không chỉ thiếu lao động có tay nghề mà còn thiếu cả lao động thủ công bởi lao động trẻ có xu hướng không thích tham gia vào ngành này. Đa số công nhân có tay nghề đang làm việc tại các công ty gốm có tuổi đời trên 40, do đó hạn chế đến năng lực sản xuất, các doanh nghiệp gốm kinh doanh sản xuất gặp nhiều khó khăn.
Năm 2008, kim ngạch xuất khẩu của ngành gốm đạt 6,5 triệu USD, năm 2009 là 5,2 triệu USD và năm 2010 là 4,5 triệu USD. Trước tình trạng này, Hiệp hội Gốm mỹ nghệ của tỉnh Đồng Nai đã có kiến nghị với Sở Công thương và Uỷ ban nhân dân thành phố Biên Hòa cần miễn 100% tiền hạ tầng cho doanh nghiệp, chỉ phải trả tiền thuê đất và cho trả chậm. Các cấp, ngành chức năng cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp gốm tiếp cận được những nguồn vốn ưu đãi, giúp các doanh nghiệp sản xuất gốm sứ có vốn đầu tư, thực hiện việc di dời đúng tiến độ đặt ra./..
Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản
 


Báo cáo phân tích thị trường